Guatemala: Đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng

Thứ Hai, 20/11/2017, 16:16 [GMT+7]
    Cuộc chiến chống tham nhũng ở Guatemala đang gặt hái được những thành công rất đáng ghi nhận. Điều này có được do đội ngũ kiểm toán can đảm và đội điều tra phòng, chống tham nhũng luôn quyết tâm theo đuổi tội phạm đến cùng.
 
    Ủy ban Điều tra tham nhũng Guatemala (CICIG) thành lập năm 2007 và được Liên hợp quốc (LHQ) tài trợ nhằm tham vấn cho chính quyền xử lý vi phạm nhân quyền, gian lận chính trị và thương mại. Năm 2015, CICIG công bố vụ Tướng về hưu Otto Perez Molina (cựu Tổng thống Guatemala) gian lận hải quan. Một cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra khiến Tổng thống Perez Molina và nội các bị hạ bệ ngay sau đó.
 
Người dân Guatemala tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng do Liên hiệp quốc phát động
Người dân Guatemala tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng do Liên hiệp quốc phát động
    Các cuộc điều tra của CICIG vẫn tiếp tục. Năm 2017, Tổng thống đương nhiệm Jimmy Morales cũng bị buộc tội nhận hối lộ. CICIG yêu cầu Quốc hội bỏ chế độ miễn trừ với Tổng thống (nhưng bị từ chối). Tổng thống Morales tuyên bố điều tra viên của CICIG và công tố viên Ivan Velasquez không được phép đưa ra các cáo buộc và họ đang cố gắng vô ích nhằm trục lợi. Tuy nhiên, tuyên bố này vấp phải sự phản đối từ công chúng, làm lung lay vị trí Tổng thống từ chính chiến dịch “chống tham nhũng, chống bòn rút” do ông này đề ra.
 
    Cuộc chiến chống tham nhũng ở Guatemala đã thu hút được sự chú ý trên toàn cầu. Mỹ, quốc gia tài trợ 12 - 15 triệu USD mỗi năm cho CICIG, đã bắt đầu thảo luận về mô hình chống tham nhũng của Guatemala. Honduras đã thành lập một cơ quan tương tự dưới sự bảo trợ của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ. Trong khi đó, El Salvador và Panama lại thờ ơ với ý tưởng thành lập một cơ quan chống tham nhũng trong khu vực được đề xuất bởi 1 cựu ủy viên CICIG.
 
    CICIG đã trở thành cánh tay phải đắc lực trong việc thực thi luật pháp ở Guatemala. Nhiều thanh tra và khoảng 2.500 cảnh sát tha hóa, biến chất bị sa thải đã củng cố niềm tin cho các văn phòng chưởng lý, kiểm toán và công tố viên. Daniel Wikinson đến từ Tổ chức theo dõi nhân quyền cho rằng: “Khi sự trừng phạt thực sự được chuyển thành các vụ truy tố, một thay đổi căn bản sẽ diễn ra. Mọi hiểm nguy mà chúng ta phải đối mặt sẽ được đền đáp xứng đáng khi mọi người bắt đầu tin vào hệ thống tư pháp”.
 
    Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, cựu Tổng thống Perez Molina cảnh báo chủ quyền Guatemala có thể bị mất, trong khi Eric Olson, Phó Giám đốc Chương trình Mỹ - Latinh thì tỏ ra lạc quan hơn: “Các Tổng chưởng lý, Văn phòng công tố và Ủy ban LHQ đã nỗ lực rất nhiều để củng cố các thể chế ở Guatemala. Tư pháp Guatemala đã từng rất yếu ớt, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ giới chính trị và tình hình tội phạm. Dù nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng quốc gia này không bao giờ đánh mất chủ quyền của mình”.
 
    Trở ngại lớn hơn trong việc "thanh lọc" Chính phủ có thể nằm ở những rối loạn đã trở nên phổ biến của châu lục này. Giáo sư Matthew Taylor tại Đại học Hoa Kỳ nhận định, kể cả khi Chính phủ cho thấy sự minh bạch của mình thì một bức tường chống tham nhũng vẫn cần phải được dựng lên để tránh việc lúng túng khi xử lý các vi phạm. Việc nhận tham vấn từ bên ngoài xét cho cùng chỉ là một giải pháp thay thế. “Những công cụ chống tham nhũng tương tự chỉ có thể "thanh lọc" Chính phủ ở một mức độ nào đấy. Để duy trì được các thành tựu trong việc phòng, chống tham nhũng, Guatemala cần phải huy động tất cả các nguồn lực nội tại bên trong chứ không nên trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài như hiện nay”.
                                                                                                    P.V
;
.