Romania: Cải cách tư pháp nhắm mục tiêu vào chống tham nhũng

Thứ Sáu, 01/09/2017, 17:08 [GMT+7]
    Bộ trưởng Bộ Tư pháp Romania Tudorel Toader đề nghị sửa đổi 3 đạo luật. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi, nhất là trong việc chỉ định vị trí lãnh đạo chống tham nhũng.
 
    Các đề xuất của ông Tudorel Toader xuất hiện chỉ 7 tháng sau khi diễn ra các cuộc biểu tình được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay, buộc Chính quyền của Đảng Dân chủ Xã hội Romania (PSD) phải đưa ra một sắc lệnh khẩn cấp về việc xác định rõ ràng tội lạm dụng chức vụ, vốn được xem như một cách để hợp pháp hóa một số hành vi tham nhũng.
 
    Một trong các đề xuất chính của ông Toader đã gây nên tranh cãi là bỏ qua quyền của Tổng thống trong việc chỉ định công tố viên hàng đầu chống tham nhũng.
 
Bộ trưởng Tư pháp Romania Tudorel Toader. Ảnh: EPA
Bộ trưởng Tư pháp Romania Tudorel Toader. Ảnh: EPA
    Vị trí này hiện đang được nắm giữ bởi Laura Codruţa Kövesi - người đang lãnh đạo Cục Giám sát Quốc gia về Chống tham nhũng (DNA). Bà Kövesi đã giám sát việc truy tố nhiều chính trị gia cấp cao, trong đó có cựu Thủ tướng Victor Ponta. Năm ngoái, đã có 30 quan chức cấp cao bị truy tố về các cáo buộc liên quan đến tham nhũng, bao gồm: Cựu Bộ trưởng Năng lượng, cựu Bộ trưởng Giao thông và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Romania.
 
    Tuy nhiên, bà Kövesi đã bị chỉ trích nặng nề từ các chính trị gia, những người đã cáo buộc bà theo đuổi một chương trình nghị sự và dựa vào các cơ quan tình báo để thu thập bằng chứng.
 
    Những đề xuất cải cách của Bộ trưởng Toader cần phải được Chính phủ Romania và Quốc hội chấp thuận. Theo đó, Bộ trưởng Tư pháp là người sẽ đề cử một ứng cử viên giữ trọng trách lãnh đạo DNA. Sau đó, vị trí này sẽ do Hội đồng Thẩm phán cấp cao bổ nhiệm. Hiện nay, Tổng thống là người có quyền chỉ định công tố viên dựa trên đề nghị của Bộ trưởng Tư pháp và ý kiến của Hội đồng.
 
    Theo ông Toader, những đề xuất cải cách của ông nhằm vào các đạo luật từ năm 2004. Các luật này hiện nay cần phải được cập nhật, đặc biệt kể từ khi Romania trở thành một nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
 
    Ông cũng cho biết, đề xuất của ông đưa Tổng thống ra khỏi thủ tục lựa chọn người vào vị trí lãnh đạo chống tham nhũng là phù hợp với yêu cầu của một chương trình giám sát đặc biệt của Ủy ban Châu Âu nhằm theo dõi sự tiến bộ của Romania trong việc giải quyết vấn nạn tham nhũng kể từ khi gia nhập EU năm 2007. Chương trình này được biết với tên gọi "Cơ chế Hợp tác và Thẩm định" (Cooperation and Verification Mechanism), đòi hỏi sự minh bạch trong việc bầu chọn, bổ nhiệm các công tố viên và yêu cầu không có sự can thiệp chính trị trong đó.
 
    Trong một tuyên bố, Tổng thống Romania Klaus Iohannis chỉ trích các đề xuất của Bộ trưởng Tư pháp, cho rằng không phải Tổng thống là người mang các yếu tố chính trị vào trong quy trình, thủ tục bổ nhiệm, mà là Bộ trưởng Tư pháp - người được bổ nhiệm dựa trên kết quả bỏ phiếu của Quốc hội.
 
    “Các đề xuất ngày hôm nay của Bộ trưởng Tư pháp chẳng khác nào một cuộc tấn công vào luật pháp, sự độc lập và hoạt động đúng đắn của ngành Tư pháp, cũng như cuộc chiến chống tham nhũng", Tổng thống Iohannis nói. Nếu những đề xuất này được thông qua, “những nỗ lực của Romania trong suốt hơn 10 năm sẽ bị hủy hoại và hệ thống tư pháp sẽ quay trở về đúng thời điểm đó", ông Iohannis nhắc nhở về một kỷ nguyên mà luật pháp bị đặt dưới sự kiểm soát của hệ thống chính trị. 
 
    Elek Levente, Chủ tịch lâm thời của đảng Union Save Romania, đảng đối lập lớn thứ 2 trong Quốc hội cho rằng, ông Toader đang sử dụng Cơ chế Hợp tác và Thẩm định nhằm loại bỏ sự tham gia chính trị đối với hệ thống tư pháp, nhưng thực tế, “sự trở lại của nền tư pháp dưới quyền kiểm soát chính trị sẽ khiến Romania có thể đến gần hơn với mô hình của Ba Lan, nơi mà đảng cầm quyền đã cố gắng chiếm giữ tổng thể hệ thống tư pháp thông qua một cuộc đảo chính lập pháp".
 
    Ông Elek Levente tuyên bố, đảng của ông sẽ bắt đầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng Tư pháp, mặc dù không thể lật đổ ông Toader, kể từ khi chính quyền đảng PSD và đối tác liên minh, Liên minh Tự do và Dân chủ (ALDE), nhận được phần lớn sự ủng hộ trong Quốc hội.
 
    Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, EU muốn chấm dứt cơ chế giám sát tham nhũng tại Romania vào cuối năm 2019 nếu như nước này có thể chứng minh được rằng tiến trình chống tham nhũng sẽ kìm hãm được vấn nạn này.
                                                                        Báo Thanh tra
;
.