Campuchia điều tra tham nhũng trong cấp đổi hộ chiếu

Thứ Tư, 12/07/2017, 15:43 [GMT+7]
    Theo báo chí Campuchia, tham nhũng đang trở thành vấn nạn trong việc làm hộ chiếu. Cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Camuchia đã chính thức chỉ đạo Đại sứ quán Campuchia tại Malaysia mở cuộc điều tra xung quanh thông tin cho rằng, đang tồn tại việc yêu cầu mức phí cao để đổi mới hộ chiếu cho người lao động Campuchia ở nước này.
 
    Trước đó, thông tin trên báo chí Campuchia cho biết, các lao động nước này làm việc tại Malaysia đã bị yêu cầu phải trả khoản phí gần 1.000 USD để làm lại hộ chiếu khi hộ chiếu cũ của họ hết hạn.
 
    Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao, Bộ này đã chỉ đạo Đại sứ quán Campuchia tại Malaysia điều tra vụ việc này. Báo cáo của đại sứ quán cho biết, những công nhân đã liên hệ trực tiếp với công ty Mashita Jaya ở Malaysia để làm hộ chiếu mới. 
 
Một chiếc xe tải chở đầy người lao động nhập cư bị chính quyền Malaysia bắt giữ tuần trước
Một chiếc xe tải chở đầy người lao động nhập cư bị chính quyền Malaysia bắt giữ tuần trước
    Bộ Ngoại giao cũng đồng tình với thông báo của Bộ Nội vụ hôm 4-7, theo đó nhắc lại mức lệ phí bình thường cho dịch vụ làm hộ chiếu. Cụ thể: 100 USD cho hộ chiếu thông thường và 200 USD cho hộ chiếu giao ngay trong ngày. 
 
    Tuy nhiên, một nhân viên của cơ quan du lịch có trụ sở ở Phnom Penh (đơn vị đã đứng ra cung cấp dịch vụ gia hạn hộ chiếu; người này yêu cầu giấu tên, tuổi cũng như nơi làm việc của mình) cho biết, những người muốn đổi hộ chiếu thực tế đã phải chịu mức phí cao do tham nhũng.
 
    “Trong trường hợp một người ở Malaysia gửi hộ chiếu cũ cho người thân nhờ đổi giúp, chúng tôi cầm hộ chiếu này đến cơ quan chức năng, và trong khi việc thay mặt cho người khác để đổi lấy hộ chiếu mới không chính thức được cho phép, chúng tôi chỉ cần tìm cách để làm điều đó... Chúng tôi làm việc này tại Cục Hộ chiếu (Passport Department), nhưng chúng tôi không biết rõ tên của họ, bởi vì... thường chúng tôi không bao giờ hỏi điều này, họ cũng chỉ nhận tiền từ chúng tôi là xong".
 
    Nhân viên này cho biết, dịch vụ nêu trên có giá 600 USD. “Điều này là không chính thức. Không như những gì các quan chức cấp cao đã thông báo".
 
    Hai nhân viên của Mashita Jaya là Elvin Lim và một người nữa tên Po, đã phủ nhận việc công ty này cung cấp các dịch vụ về hộ chiếu.
 
    “Chúng tôi chỉ cung cấp việc làm, tại đây chúng tôi không làm hộ chiếu", Po nói, trước khi tỏ thái độ khó chịu với nhà báo.
 
    Nhưng trước đó, nhiều công nhân đã xác nhận việc gia hạn hộ chiếu với Mashita Jaya. Có 2 công nhân Campuchia tại Malaysia cũng xác nhận điều này trong cuộc phỏng vấn với Phnompenh Post ngày 9-7.
“Chúng tôi gia hạn thông qua Mashita Jaya. Đây là công ty hiện đang kiểm soát chúng tôi", Serin Ith, một công nhân xuất khẩu lao động nói.
 
    Ith cho biết, mặc dù rất mừng vui trước động thái của Bộ Ngoại giao, nhưng việc này với anh là quá muộn. "Bởi, chúng tôi đã phải trả một mức giá cao, quá cao". Mức giá mà Ith cho biết là khoảng 700 USD.
Irene Xavier, điều phối viên của Ủy ban Phụ nữ châu Á đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc ngăn chặn thực trạng này. “Nếu ai đó không làm việc này một cách nghiêm túc và không có sự theo dõi chặt chẽ, họ sẽ vẫn tiếp tục", bà nói.
 
    Còn Kao Poeun, điều phối viên dự án tại Hiệp hội Kinh tế Dân chủ Không chính thức cho biết, Chính phủ Campuchia đã thiết lập một quy chế để gia hạn hộ chiếu. Vấn đề ở đây là chính thức, công khai. Theo cách không chính thức, họ có thể làm được tất cả".
                                                                                    Báo Thanh tra
;
.