Tây Ban Nha biểu tình đòi chấm dứt tham nhũng

Thứ Tư, 31/05/2017, 15:14 [GMT+7]
    Cuối tuần qua, người biểu tình từ khắp nơi trên đất nước đã tập trung diễu hành trên con phố chính của Thủ đô Madrid là Gran Via, Tây Ban Nha đòi tăng lương, bảo đảm việc làm và chấm dứt nạn tham nhũng.
 
    Cuộc tuần hành diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Tây Ban Nha đã được cải thiện sau cuộc khủng hoảng nợ chưa từng có, dẫn đến nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng Euro (Eurozone) đến bờ vực phá sản.
 
    Hàng chục nghiệp đoàn và nhóm cánh tả đã tham gia cuộc biểu tình. Đây là cuộc biểu tình được tổ chức thường niên kể từ năm 2014.
 
    Các nhà tổ chức ước tính số người tham gia lên tới 200.000 người, trong khi giới chức địa phương cho rằng con số chỉ là 6.000 người. Hãng tin AFP ước tính có hàng chục nghìn người tham gia.
 
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
    "Chúng tôi muốn cho mọi người thấy không chỉ là sự phẫn nộ mà còn là một sự lựa chọn khác", Alberto Garzon, lãnh đạo liên minh cánh tả cho biết.
 
    "Chúng ta có khả năng xây dựng một giải pháp thay thế nếu chúng ta cùng hoạt động trong một chương trình chung, với những người đến từ mọi phía để đấu tranh chống lại chính sách của Đảng Nhân dân (PP) cầm quyền", ông nói thêm.
 
    Trước đó, ngày 20-5, hàng nghìn người dân Tây Ban Nha cũng đã xuống đường tuần hành tại Madrid nhằm phản đối tình trạng tham nhũng trong Chính phủ do Đảng PP cầm quyền.
 
    Những cải cách về lao động được Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy thông qua năm 2012 đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau một cuộc khủng hoảng trầm trọng.
 
    Tỷ lệ thất nghiệp cũng đã giảm từ 27% hồi đầu năm 2013 xuống còn 18,7% trong quý I năm nay, nhưng vẫn ở nhóm cao nhất trong các nước châu Âu.
 
    Các nhà phê bình cũng cho rằng, nhiều việc làm trong tình trạng bấp bênh, không bảo đảm về vấn đề giờ làm và thường bị trả lương thấp. Mức lương tối thiểu ở Tây Ban Nha là 825 euro (922 USD) mỗi tháng.
 
    Đảng PP lên nắm quyền vào năm 2011, giành được hầu hết các ghế trong cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 12 và tháng 6 nhưng không đạt được đa số phiếu bầu trong cả 2 lần do các cử tri tức giận bởi tình trạng tham nhũng và họ quay sang ủng hộ các đảng phái mới.
 
    Sau 10 tháng bế tắc về chính trị, Thủ tướng Rajoy đã giành được sự tin tưởng trong nghị viện vào tháng 10-2016 để được bổ nhiệm làm lãnh đạo của Tây Ban Nha.
                                                                       Báo Thanh tra
;
.