Malaysia tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến phòng chống tham nhũng

Thứ Tư, 08/02/2017, 12:45 [GMT+7]
    Trong nỗ lực đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) vừa đề xuất cho phép cơ quan này được tiếp cận nguồn dữ liệu liên quan đến kê khai tài sản, thu nhập của các quan chức làm việc trong bộ máy chính quyền các cấp, bao gồm cả các thành viên chính phủ.
 
    MACC đã đưa ra đề xuất trên với mong muốn cơ quan này có thể chủ động tiến hành theo dõi và điều tra các trường hợp có nghi ngờ tham nhũng dựa trên dữ liệu liên quan đến kê khai tài sản, thu nhập nói trên. Theo luật pháp hiện hành của Malaysia, MACC không thể tiến hành điều tra một cá nhân nào đó mà họ nghi ngờ nếu như không có đơn thư tố giác. 
 
Ủy ban chống tham nhũng Malaysia đề xuất tiếp cận nguồn dữ liệu liên quan đến kê khai tài sản, thu nhập
Ủy ban chống tham nhũng Malaysia đề xuất tiếp cận nguồn dữ liệu liên quan đến kê khai tài sản, thu nhập
    Cùng với đề xuất nói trên, MACC đề xuất lãnh đạo bộ, ngành, các cấp và các cơ quan trong hệ thống chính quyền phải lập ra các đơn vị chuyên giám sát, có trách nhiệm phát hiện quan chức, công chức có điều kiện sống trên mức thu nhập, sau đó báo cáo lên MACC. 
 
    Hiện tại Malaysia có khoảng 1,6 triệu công chức nhà nước, do đó, MACC mong muốn sự hợp tác, phối hợp của các đơn vị nói trên để phát hiện các trường hợp nghi ngờ tham nhũng và tiến hành điều tra. 
 
    Hiện chưa rõ đề xuất của MACC có được chấp thuận hay không, nhưng đã có nhiều ý kiến ủng hộ. Chủ tịch Trung tâm Asli chuyên nghiên cứu chính sách công Ramon Navaratnam, một người nổi tiếng đấu tranh chống tham nhũng ở Malaysia cho rằng, việc MACC được tiếp cận thông tin về thu nhập của đội ngũ công chức sẽ phát đi tín hiệu "những người có hành vi tham nhũng sớm hay muộn cũng sẽ bị bắt giữ". 
 
    Theo Ông Ramon, Chính phủ Malaysia cần phải củng cố và xem lại các quy định liên quan đến phòng, chống tham nhũng, trong đó có Luật bảo vệ người tố giác, để người dân và công chức yên tâm, tích cực hơn tham gia vào công tác này. 
 
    Trước đó, Chủ tịch Ban cố vấn thuộc Ủy ban chống tham nhũng Malaysia Tunku Ibrahim nhận định, để kiểm soát được nạn hối lộ, Malaysia cần chấm dứt việc bổ nhiệm các chính trị gia vào các vị trí lãnh đạo các công ty có liên quan đến chính phủ. 
 
    Ông cho rằng các chính trị gia lãnh đạo các công ty này có thể sẽ phải đối mặt với xung đột về lợi ích dẫn đến việc lạm quyền. Ông khẳng định xu thế lạm quyền sẽ được loại bỏ nếu như việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo cao nhất trong các công ty liên quan đến chính phủ được thực hiện với sự chọn lựa và giám sát chặt chẽ, đúng đắn.
                                                                                       TTXVN
;
.