Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Xử lý tham nhũng không có vùng cấm, bất kể người đó là ai

Thứ Năm, 22/11/2018, 14:49 [GMT+7]

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cùng các Đại biểu tỉnh Nghệ An có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ và cử tri huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Nghĩa Đàn
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Nghĩa Đàn

Tiên Kỳ là xã thuộc diện Chương trình 135 với gần 1.400 hộ và khoảng 6.000 nhân khẩu, trong đó có 70% là đồng bào dân tộc Thái. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 hơn 26% nhưng dự kiến cuối năm nay còn khoảng 15%. Tại hội nghị, cử tri xã Tiên Kỳ đồng tình cao với kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua. Là một địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Kỳ, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cử tri xã dành nhiều kiến nghị về các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các mặt của đời sống.

Cử tri xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ bày tỏ bức xúc trước việc làm thương binh giả và đề nghị cơ quan chức năng rà soát phát hiện và xử lý nghiêm; đề nghị có chính sách để xem xét đầu tư cho hộ nghèo có sức lao động được vay vốn không lãi suất để phát triển sản xuất; nâng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, xóm, bản; cán bộ các cấp tăng cường về tiếp xúc, gặp gỡ để lắng nghe ý kiến nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng;...

Cử tri huyện Nghĩa Đàn kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến công tác xây dựng hạ tầng trên địa bàn; đề nghị sớm triển khai dự án đường cứu hộ vùng lũ, đảm bảo an ninh quốc phòng các xã từ xã Nghĩa Lâm đến xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn; đẩy nhanh việc xây dựng tuyến đường kinh tế miền Tây đã được phê duyệt để tạo thuận lợi cho nhân dân…

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến cử tri huyện Tân Kỳ và cử tri huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và trả lời các vấn đề cử tri quan tâm phản ánh.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tiếp xúc cử tri xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tiếp xúc cử tri xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ

Nhấn mạnh hỗ trợ người nghèo là “cho cần câu chứ không cho con cá”, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng cho rằng cần phân loại hộ nghèo để có cách hỗ trợ phù hợp; đồng thời động viên nhân dân chí thú làm ăn, tích cực phát triển sản xuất để nâng cao đời sống, không trông chờ, ỷ lại.

Chia sẻ những khó khăn của các địa phương về giao thông, nhất là đường giao thông vào các địa phương có vùng nguyên liệu, nhiều tiềm năng nhưng chưa phát huy hết thế mạnh để phát triển. Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng đề nghị lãnh đạo huyện cùng với tỉnh có các giải pháp nhằm xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông, đặc biệt là đường giao thông vào các địa phương có vùng nguyên liệu; tạo điều kiện sản xuất cho nhân dân, qua đó phấn đấu có nhiều hộ giàu, hộ khá hơn.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, từ khi thành lập, Ban Nội chính Trung ương đã đưa 633 vụ án, vụ việc để Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; trong đó Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp chỉ đạo 75 vụ án, 66 vụ việc. Theo đó, hiện nay đã xét xử sơ thẩm 46 vụ, với tổng số 521 bị cáo, tuyên phạt 10 bị cáo với 11 mức án tử hình, 20 bị cáo với 21 án tù chung thân; 7 bị cáo mỗi bị cáo tù 30 năm, 18 bị cáo tù 20 năm đến dưới 30 năm, còn lại 154 bị cáo bị tù 12 tháng đến dưới 20 năm. 

Các vụ án còn lại, đã giao cho cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, Trung ương vẫn kiểm tra, giám sát cấp tỉnh xem xử lý các vụ án, việc việc này có nghiêm, có đúng quy định của pháp luật không.

Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương thông tin thêm, riêng về cán bộ liên quan đến các vụ án tham nhũng kinh tế thì từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, 60 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xử lý kỷ luật thêm 2 cán bộ và đang chờ Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định. Đồng chí khẳng định: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện rất nghiêm công tác đấu tranh với tham nhũng, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai, đã có dấu hiệu phạm tội là bị khởi tố, điều tra; kết luận có tội là phải truy tố, xét xử; còn vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý nghiêm về kỷ luật của Đảng và kỷ luật của Nhà nước. 

Kỷ luật của Nhà nước phải tương xứng kỷ luật của Đảng và kỷ luật của Đảng phải đi trước”, đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh và cho biết có những trường hợp đang truy tố, đang điều tra cũng đã bị xử lý kỷ luật về Đảng.

                                                                                                  P.V

.