Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

Thứ Năm, 25/10/2018, 14:29 [GMT+7]
    Chiều ngày 24-10, ông Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương chủ trì buổi tiếp và làm việc với ông Frédéric Desportes, Thẩm phán Cộng hòa Pháp cùng bà Blanche Henry Ecouellan, cán bộ chuyên trách về luật của Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.
 
    Tại buổi làm việc, ông Frédéric Desportes đã giới thiệu các quy định chung của pháp luật hình sự Cộng hòa Pháp về trách nhiệm của pháp nhân. Việc đưa trách nhiệm pháp nhân vào luật hình sự nhằm tăng mức độ răn đe, giáo dục pháp nhân tuân thủ pháp luật, đồng thời để pháp luật được thực thi công bằng hơn trong quy trách nhiệm đúng người, đúng tội; xử lý trách nhiệm hình sự pháp nhân không lại trừ trách nhiệm cá nhân. Pháp luật hình sự của Cộng hòa Pháp truy cứu trách nhiệm hình sự cho tất cả các pháp nhân, kể cả với chính quyền địa phương khi có vi phạm pháp luật, chỉ trừ Nhà nước Pháp để bảo đảm quyền lực tối cao của nhà nước.
 
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
    Hiện nay, tại Pháp, các pháp nhân vi phạm pháp luật chủ yếu ở 3 lĩnh vực: Lĩnh vực lao động liên quan tới việc buôn bán, sử dụng lao động bất hợp pháp, an toàn vệ sinh lao động…; lĩnh vực thương mại, tài chính là các hoạt động lừa đảo khách hàng, hối lộ, tài trợ khủng bố, trốn thuế, rửa tiền… và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường. 
 
    Ông Frédéric Desportes chia sẻ kinh nghiệm xử lý pháp nhân vi phạm pháp luật bằng Biện pháp tiền tố tụng. Theo đó, pháp nhân bị phạt tiền; phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và bắt buộc tuân thủ pháp luật. 75% các vi phạm pháp luật của pháp nhân được xử lý theo biện pháp này, chỉ có 25% vi phạm bị đưa ra xét xử. Còn đối với phương pháp thỏa thuận công ích dành cho các pháp nhân vi phạm ở lĩnh vực thương mại, tài chính. Pháp nhân phải xây dựng chương trình phòng, chống tham nhũng trong nội bộ công ty và với các đối tác; có chế độ báo cáo với các cơ quan chức năng kết quả thực hiện; lập bản đồ nguy cơ dẫn đến tham nhũng, các lĩnh vực, khu vực nào có nguy cơ tham nhũng cao; có cơ chế kiểm soát hoạt động và có chương trình bồi dưỡng về liêm chính cho các nhân viên.
 
    Ông Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương cho biết, pháp luật hình sự Việt Nam mới chỉ có quy định về pháp nhân thương mại phạm tội. Do vậy, trong tương lai, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắt trong việc xử lý các pháp nhân khác khi vi phạm pháp luật. Những ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của ông Frédéric Desportes có ý nghĩa thực tiễn, mở ra những hướng mới trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các pháp nhân. Ông Nguyễn Thanh Hải mong muốn trong thời gian tới thường xuyên nhận được sự phối hợp của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và các chuyên gia pháp luật của Cộng hòa Pháp trong quá trình xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam.
    Cù Tất Dũng
.