Kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thứ Năm, 22/09/2016, 16:12 [GMT+7]
   (BNCTW) Ngày 16-9-2016, Ban Nội chính Trung ương ban hành Báo cáo số 57-BC/BNCTW về kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác phòng ngừa tham nhũng và tham mưu, chỉ đạo xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thuộc lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. 
 
    Theo báo cáo, thời gian qua, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 36-KH/BNCTW về việc rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng của một số ngân hàng thương mại; thành lập 02 Đoàn công tác rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng tại 04 Ngân hàng Thương mại Nhà nước. Thông qua kết quả các đoàn công tác đã đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (tại Phiên họp thứ 7) chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan tư pháp Trung ương hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các tổ chức tín dụng; tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với tổ chức tín dụng; tăng cường công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp của các cơ quan chức năng và quản trị, điều hành trong lĩnh vực ngân hàng nhằm phòng ngừa và phát hiện tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.
 
Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 09-6-2016
Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 09-6-2016
    Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; trình Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách để phát triển thị trường mua, bán nợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trong hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, đổi ngoại tệ của cá nhân khu vực biên giới thông qua hệ thống thanh toán ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các tổ chức tín dụng; kiểm soát có hiệu quả sở hữu chéo, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường phối hợp giữa các Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm trong hoạt động tín dụng; tập hợp các khoản nợ xấu mà khách hàng không hợp tác với ngân hàng trong xử lý để chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thống nhất chủ trương xử lý… Tính đến tháng 7-2015, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm xuống còn 3,62%, riêng đối với 04 Ngân hàng Thương mại nhà nước được rà soát tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% dư nợ.
 
    Thời gian tới, Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tập trung thực hiện một số nội dung sau: (1) Rà soát việc thực hiện các kiến nghị của Ban Nội chính Trung ương và Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với kết quả phối hợp rà soát hoạt động tín dụng của 04 ngân hàng thương mại cổ phần lớn. (2) Tham mưu cho Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện tốt quan điểm, chủ trương về phòng, chống tham nhũng được thể hiện trong Văn kiện của Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. (3) Thông qua kết quả xét xử các vụ án trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, phát hiện những sơ hở trong quản lý, bất cập, vướng mắc trong cơ chế, chính sách pháp luật về ngân hàng, tín dụng. Trên cơ sở xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan để tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. (4) Nắm tình hình, trao đổi thông tin, cảnh báo và giải quyết sớm đối với những trường hợp dư nợ lớn có khả năng đổ vỡ. (5) Phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám định liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. (6) Phối hợp triển khai thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07-12-2016 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 19-KH/TW ngày 10-5-2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về vấn đề này trong lĩnh vực ngân hàng. (7) Tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế và tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trong lĩnh vực ngân hàng. (8) Phối hợp triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp về xử lý sau thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại Công văn số 135/TB-VPCP và Công văn số 140/TB-VPCP ngày 17-6-2016 của Văn phòng Chính phủ. (9) Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ động trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu có liên quan hoặc tham gia ý kiến về nghiệp vụ ngân hàng theo đề nghị của Ban Nội chính Trung ương để phục vụ công tác xác minh, nắm tình hình các vụ án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. (10) Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước chủ động cung cấp cho Ban Nội chính Trung ương những thông tin về kết luận thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng; cung cấp thông tin về những vụ việc thanh tra, kiểm tra chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đề nghị khởi tố; thông tin về kết quả giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng do Ban Nội chính Trung ương chuyển đến. (11) Phối hợp trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nhất là các quy định của pháp luật về lĩnh vực tín dụng, ngân hàng và các quy định của pháp luật có liên quan (như hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự…) cho cán bộ, công chức hai cơ quan. (12) Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực ngân hàng. (13) Phối hợp hướng dẫn Ban Nội chính các tỉnh ủy và Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa tham nhũng và tham mưu, chỉ đạo xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thuộc lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. 
Tạ Anh Hưng
;
.