Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: Triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát tại tỉnh Tây Ninh

Thứ Tư, 21/09/2016, 15:53 [GMT+7]

Ngày 20-9, Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn đã triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Kế hoạch số 16-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng). Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó trưởng Đoàn và các đồng chí thành viên Tổ giúp việc Đoàn công tác số 3.

Làm việc với Đoàn có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Nguyễn Minh Tân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra, giám sát cùng tham dự.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó trưởng Đoàn công tác đã thông báo Quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc thành lập các đoàn công tác; thông qua Chương trình kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Tây Ninh. Theo đó, Đoàn công tác sẽ trực tiếp làm việc tại 10 cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh từ ngày 20-9-2016 đến 05-10-2016.

Đoàn công tác số 3 sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát các nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; nhất là thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan, đơn vị chức năng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương; công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế của Ban Nội chính Tỉnh ủy; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; việc thi hành án, tập trung vào phần thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.

Đồng chí Nguyễn Minh Tân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày báo cáo của tỉnh về kết quả tự kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Theo báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, công tác phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm, gắn với  thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI).

Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với 130 cấp ủy, tổ chức đảng và 27 đảng viên; kỷ luật đối với 01 cấp ủy và 13 đảng viên có liên quan đến sai phạm trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý tài chính, xây dựng cơ bản; xem xét, kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Cục thuế tỉnh Tây Ninh để xảy ra tham nhũng. Các cấp ủy, đơn vị có liên quan đã xử lý 05 trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm, không bao che, dung túng hoặc xử lý nhẹ; đưa nội dung công tác phòng, chống tham nhũng thành một trong các tiêu chí để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm và tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đó là: Số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế tự phát hiện trong nội bộ còn ít, nhất là vụ việc, vụ án tham nhũng, sai phạm về kinh tế liên quan đến quản lý ngân sách, vốn và tài sản Nhà nước; quá trình xử lý một số vụ việc, vụ án còn kéo dài; vẫn còn trường hợp chưa có sự đồng nhất về quan điểm xử lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; vụ án huỷ, sửa, điều tra bổ sung; số sai phạm do cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện chuyển cơ quan điều tra còn ít, có trường hợp chưa kịp thời.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh bày tỏ mong muốn, qua kiểm tra, giám sát, Đoàn công tác chỉ rõ được những việc đã làm và chưa làm được của địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng; những cơ quan, đơn vị được kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá kết quả công tác, qua đó, nâng cao hơn nữa  nhận thức, quyết tâm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 16-KH/TW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng của tỉnh Tây Ninh; báo cáo được chuẩn bị chu đáo, phản ánh được những ưu điểm, khó khăn, vướng mắc trong thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. Qua đó, đã thể hiện tính tự phê bình và phê bình nghiêm túc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.

Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương lưu ý: 1) Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ được giao. 2) Đoàn công tác phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương được kiểm tra, giám sát, bám sát mục đích, yêu cầu của Kế hoạch, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra, giám sát. 3) Tập trung làm rõ kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong công tác thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng, kinh tế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, từ đó kiến nghị các giải pháp để khắc phục hạn chế, vướng mắc, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. 4) Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh, thống nhất các số liệu và những vấn đề báo cáo chưa nêu. 5) Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương, Đoàn công tác sẽ có ý kiến đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng giải quyết, để hạn chế tối đa việc đưa vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc.

Cù Tất Dũng

;
.