Phát huy trách nhiệm của mỗi cấp ủy viên đối với công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng

Thứ Sáu, 08/05/2020, 06:47 [GMT+7]
    Từ lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam qua 90 năm do Ðảng Cộng sản lãnh đạo đã minh chứng rõ nét tầm quan trọng của công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định điều đó nhiều lần. Trong đó, các cấp ủy phải đề cao trách nhiệm đối với công tác cán bộ ở mỗi chi bộ, đảng bộ. Vì thế, phát huy trách nhiệm của mỗi cấp ủy viên đối với công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Ðảng các cấp tiến tới Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hiện nay.
 
    1. Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, toàn Ðảng đã và đang tích cực, khẩn trương tiến hành Ðại hội đảng các cấp, tiến tới tổ chức thành công Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.
 
    Ðể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, công tác chuẩn bị nhân sự cho Ðại hội phải được thực hiện khẩn trương, thận trọng, khoa học, chặt chẽ đúng quy trình, có chất lượng cao, vì đây là công việc “có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Ðại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Ðại hội” như lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23/4/2020. 
 
Cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng
Cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng
    Với tầm quan trọng đó, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, việc lựa chọn cán bộ phải dựa vào những tiêu chuẩn sau: “a) Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh. b) Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ. c) Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn. d) Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật” (1).
 
    Do vậy, công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội các cấp là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy viên, đây là vinh dự và trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi mỗi cấp ủy viên phải thật sự dân chủ, bản lĩnh, trách nhiệm, công tâm trong việc lựa chọn và giới thiệu cho đại hội các cấp danh sách nhân sự cấp ủy có chất lượng tốt nhất, bảo đảm mỗi cán bộ được lựa chọn phải có đủ tâm, tầm, tài, tín nhiệm và sức khỏe đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong nhiệm kỳ mới.
 
    Ðồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt”, vì vậy việc lựa chọn cán bộ phải căn cứ vào từng thời kỳ cách mạng để thật sự phù hợp với nhiệm vụ chính trị mà cách mạng đặt ra, trong đó, về cơ cấu, đội ngũ cán bộ khóa mới phải bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển liên tục giữa các thế hệ; về chất lượng, đội ngũ cán bộ khóa mới phải thực sự là tinh hoa của Ðảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, phẩm chất, trí tuệ, uy tín cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Ðảng, để lãnh đạo tốt chi bộ, đảng bộ khóa mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết của Ðại hội đã đề ra.
 
    2. Ðể thực hiện được nhiệm vụ to lớn này, mỗi cấp ủy viên cần:
 
    Một là, thật sự trung thực, công tâm, khách quan, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của Ðảng, của nhân dân và lợi ích tập thể lên trước hết và trên hết. Lựa chọn nhân sự phải vì nhiệm vụ chính trị của các cấp bộ Ðảng, “vì việc mà đặt người”. Cần hết sức tránh các biểu hiện của tình trạng “cục bộ”, “thân quen”, “lợi ích nhóm”, mất dân chủ, thiếu gương mẫu, “nể nang, dễ dãi” trong đánh giá cán bộ. Kiên quyết chống các biểu hiện “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau” trong lựa chọn, đề xuất. Yêu cầu này không mới, nhưng luôn luôn nóng hổi tính thời sự trong mọi thời đại. Lịch sử dân tộc ta đã từng chứng kiến những tấm gương sáng ngời tính trung thực, khách quan, công tâm, “dĩ công vi thượng” trong tiến cử nhân tài cho đất nước như: Tô Hiến Thành, Trần Hưng Ðạo,… đây là những chỉ dẫn quý giá cho mỗi cấp ủy viên trong công tác chuẩn bị nhân sự cho Ðại hội khóa mới.
 
    Hai là, lựa chọn nhân sự trên cơ sở quán triệt sâu sắc các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện theo quy định của Ðảng và phải có tính toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác, tư duy chiến lược, uy tín cá nhân, điều kiện sức khỏe… Trong nhiệm kỳ khóa XII, Ðảng ta đã rất chú trọng ban hành các nghị quyết, quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng đội ngũ cán bộ, cụ thể như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 89-QÐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 90-QÐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 105-QÐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”;… làm cơ sở cho việc xây dựng phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
 
    Ba là, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy. Cấp ủy các cấp là tập thể những người lãnh đạo hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số, tuy nhiên, người đứng đầu cấp ủy có vai trò rất quan trọng trong việc đề xuất, quy tụ trí tuệ tập thể lãnh đạo, đặc biệt là những quyết định quan trọng và còn có ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều. Ðối với công tác nhân sự Ðại hội, người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm cao nhất về nhân sự mà tập thể cấp ủy mình giới thiệu, đề xuất, do đó người đứng đầu phải đủ tinh tường, đủ dũng khí và bản lĩnh chính trị, đồng thời chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để bị tác động, chi phối bởi những thông tin không chính thức, thông tin giả, xấu độc, bịa đặt,… liên quan đến nhân sự được giới thiệu và công tác chuẩn bị nhân sự.
 
    Bốn là, mỗi cấp ủy viên phải thực sự lắng nghe có phê phán dư luận xã hội và tâm tư nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn về cán bộ là ứng viên nhân sự mà mình giới thiệu; phải dựa vào nhân dân để thẩm tra, xác minh, đánh giá và lựa chọn nhân sự giới thiệu. Nhân dân có hàng triệu tai, mắt, luôn sẵn lòng theo Ðảng, giúp Ðảng giám sát và góp phần quản lý cán bộ của Ðảng. Một khi biết dựa vào nhân dân, thực sự tin tưởng nhân dân, lắng nghe và thấu hiểu nhân dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân, chắc chắn sẽ giúp mỗi cấp ủy viên hoàn thành trách nhiệm trước Ðảng về công tác chuẩn bị nhân sự cho Ðại hội, mặt khác sẽ phát huy được uy tín và tạo được niềm tin trong nhân dân với cá nhân mỗi cấp ủy viên và tổ chức đảng.
 
    Năm là, trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội Ðảng các cấp, mỗi cấp ủy viên cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Ðảng, như: Quy định số 105 QÐ/TW ngày 19/12/2019, của Ban Chấp hành Trung ương về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 179-QÐ/TW ngày 25/02/2019, của Ban Chấp hành Trung ương về “Chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ”; đặc biệt là Quy định số 205-QÐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”;... Theo đó, việc giới thiệu nhân sự, cấp ủy các cấp phải thực hiện trên cơ sở đúng quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành chi bộ, đảng bộ các cấp trong nhiệm kỳ mới; lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc. Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...; cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn phá hoại, gây rối nội bộ của các thế lực thù địch. Vì thế, mỗi cấp ủy viên khi giới thiệu nhân sự cần chú ý giải quyết hài hòa, đồng bộ các mối quan hệ: giữa tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện với cơ cấu; giữa số lượng với chất lượng; giữa đức với tài; giữa nhân tố cũ với nhân tố mới; giữa công tác hiện tại với triển vọng tương lai của từng cán bộ; giữa lịch sử chính trị với chính trị hiện nay;… Trong việc xây dựng đề án nhân sự cần chú ý phương châm: coi trọng chất lượng cấp ủy; coi trọng phẩm chất và bản lĩnh chính trị; coi trọng tiêu chuẩn, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; không nhất thiết mọi địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy.
 
    Công tác chuẩn bị nhân sự đại hội Ðảng các cấp là công việc hệ trọng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân, có ý nghĩa “sống còn” đối với sự nghiệp đổi mới toàn diện và phát triển bền vững đất nước, vì có một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực xây dựng đường lối chính trị đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, đó là vấn đề cốt tử của lãnh đạo, là sinh mệnh của Ðảng cầm quyền, cho nên, mỗi cấp ủy viên phải thật sự bản lĩnh, có trách nhiệm cao, toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Ðảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết; thật sự xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
                                                                                     Quốc Tuấn
                                                                      (Học viện Chính trị QG HCM)
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.315.

 

.