Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Kiểm soát việc thực thi quyền lực để ngăn ngừa suy thoái (Tiếp theo kỳ trước)

Thứ Tư, 31/07/2019, 07:35 [GMT+7]
    Bài 2: Đột phá trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ
 
    Trong những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, nhiều giải pháp đột phá được thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước được siết chặt, tạo chuyển biến thực chất trong hoạt động thực thi quyền lực.
 
    Kiểm soát bằng cơ chế, luật pháp
 
    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có lần nêu rõ, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, quyền lực trong Đảng, phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp”; thực hiện kiểm tra, kiểm tra ngang, kiểm tra dọc, kiểm tra trên xuống, kiểm tra dưới lên; nhân dân giám sát bằng nhiều kênh để chống lạm quyền. Những năm gần đây, nhận thức của Đảng về kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền ngày càng đầy đủ, sâu sắc, thể hiện trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và các văn bản pháp luật.
 
    Nhiệm kỳ này, Trung ương đã ban hành 15 quy định, bao trùm nhiều lĩnh vực như trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; luân chuyển cán bộ; chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng...
 
Ban Nội chính Trung ương thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
Ban Nội chính Trung ương thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
    Riêng về yêu cầu nêu gương, từ năm 2012 đến nay Trung ương ban hành ba quy định: Quy định 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị và gần đây là Quy định 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành T.Ư, điều đó cho thấy tầm quan trọng của phương pháp lãnh đạo bằng nêu gương. Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, củng cố hành lang pháp lý cho việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức, ngăn chặn tình trạng sử dụng quyền lực không đúng phạm vi, trách nhiệm.
 
    Việc thành lập các ban chỉ đạo của T.Ư Đảng, cùng với việc tái lập Ban Nội chính T.Ư đã góp phần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong hoạt động phối hợp, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng với cơ cấu gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và MTTQ Việt Nam, tạo nên sự thống nhất cao trong lãnh đạo, điều hành. Thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo, tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được đẩy nhanh, nhiều vụ án lớn được xét xử nghiêm minh. Trong nhiệm kỳ này, cơ cấu lãnh đạo của Quân ủy T.Ư, Đảng ủy Công an T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư và cơ cấu lãnh đạo của một số ban Đảng T.Ư được mở rộng, giúp
Đảng kiểm soát tốt hơn cán bộ trong các cơ quan nhà nước.
 
    Trung ương tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chuyên đề, trong đó có những nội dung mới, khó như công tác tổ chức cán bộ, việc xét xử các vụ án, vụ việc, thu hồi tài sản do tham nhũng. Toàn quốc đang tích cực triển khai các nội dung của Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII với cách làm đa dạng. Hệ thống chính trị được tinh gọn một bước, chú trọng hiệu lực, hiệu quả. Việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, thu gọn đầu mối được thực hiện kiên quyết, gắn với tinh giản biên chế và công tác tổ chức, sắp xếp lại cán bộ. Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng, tiến hành rà soát hơn 18.400 nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, địa phương, đốc thúc cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Với phong cách làm việc quyết liệt, Tổ công tác tạo sức ép cần thiết lên các bộ, ngành, cơ quan. Các địa phương đã tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, qua đó chấn chỉnh lề lối, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo ra chuyển động tích cực.
 
    Việc bố trí người đứng đầu, cán bộ chủ chốt không là người địa phương trong những năm gần đây góp phần hạn chế tư tưởng cục bộ, bè phái, khép kín trong công tác cán bộ. Nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Cạn, Nghệ An, Phú Thọ đã thực hiện đến cấp huyện chủ trương này. Một số ngành chủ động bố trí người đứng đầu không là người địa phương, tạo nên sự khác biệt trong lãnh đạo, điều hành. Một số giám đốc công an tỉnh được luân chuyển sang địa phương khác đã quyết tâm chỉnh đốn lực lượng, chống tiêu cực và tội phạm. Ở các tỉnh Phú Thọ và Ninh Bình, nhiều cán bộ, chiến sĩ có ý thức tổ chức kỷ luật kém đã phải làm đơn xin ra khỏi ngành sau khi lãnh đạo đơn vị siết chặt kỷ luật, tăng cường giáo dục, kiểm tra, đôn đốc công việc…
 
    Hoạt động của các cấp ủy đảng có nhiều thay đổi theo hướng phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Công tác giáo dục cán bộ, đảng viên được coi trọng, nhất là thông qua tự phê bình và phê bình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Một số địa phương mạnh dạn miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ kém phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Quy chế làm việc của các cấp ủy được rà soát, bổ sung thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh ủy, thành ủy xây dựng, rà soát các quy định về phân cấp quản lý cán bộ; về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy. Công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm gắn kết chặt chẽ với quy hoạch cán bộ. Một số địa phương tăng cường luân chuyển cán bộ; đổi mới cách đánh giá cán bộ, tổ chức đảng và đảng viên. Có nơi như tỉnh Hà Tĩnh đã lấy ý kiến đánh giá của nhân dân tại khu dân cư đối với những cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Việc lấy ý kiến đánh giá của nhân dân đối với công tác giải quyết thủ tục hành chính được nhiều địa phương triển khai. Hai năm qua, nhiều đơn vị và cán bộ chủ chốt của các địa phương: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bắc Cạn, Quảng Trị, Đồng Tháp được gợi ý kiểm điểm đối với những khuyết điểm, hạn chế. Nhiều cán bộ phải kiểm điểm lại, qua đó tăng mức độ trung thực trong tự phê bình và phê bình.
 
    Đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp với nhân dân trở thành cách làm phổ biến, đem lại hiệu quả cao. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy cụ thể hóa chủ trương này thành quy định bắt buộc đối với cấp ủy viên. Đồng chí Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, hơn hai năm qua, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện tham dự hơn 40 cuộc đối thoại với nhân dân ở tất cả các xã, thị trấn và đại diện các đoàn thể, hiệp hội. Tương tự, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các xã, thị trấn đối thoại với nhân dân tại các thôn, tổ dân phố. Qua đối thoại, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kiểm điểm, xử lý kỷ luật một số tập thể, cá nhân có biểu hiện sai trái về ý thức, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ.
 
    Những biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu đã đem lại kết quả tích cực. Thái độ, phong cách và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thay đổi cả về mặt nhận thức cũng như hành động. Ý thức xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của cán bộ, đảng viên được nâng cao.
 
    Siết chặt kỷ luật Đảng
 
    Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ này là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Ủy ban Kiểm tra T.Ư ban hành 20 quy định, hướng dẫn, lựa chọn những vụ việc bức xúc, nổi cộm để kiểm tra, làm rõ, kết luận nhiều vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
 
    Ba năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 788 tổ chức đảng và 53.217 đảng viên vi phạm. Trong số đó có nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, sĩ quan cấp tướng trong quân đội và công an, một số người bị truy tố. Hàng loạt đại án được đưa ra xét xử, như các vụ việc ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… Việc thi hành kỷ luật Đảng bảo đảm nghiêm minh, công tâm, khách quan, chính xác và nhân văn, thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí và công luận.
 
    Trong nhiệm kỳ này, nhận thức của nhiều cấp ủy đảng về vai trò, vị trí của công tác kiểm tra được nâng lên. Có những đơn vị tự kiểm tra, phát hiện sai phạm và chủ động xử lý sai phạm, như Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão (Hải Phòng) kiên trì đấu tranh làm rõ sai phạm của ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trong lĩnh vực quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý tài nguyên và tổ chức thi tuyển viên chức. Có những trường hợp ủy ban kiểm tra chủ động đi trước, mở đường, như Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với bốn tổ chức đảng và tám đảng viên khi nắm bắt thông tin về việc khai thác trái phép gỗ pơ-mu tại khu vực cửa khẩu Nam Giang. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hơn 1.000 phách gỗ quý được thu hồi và một số cán bộ biên phòng, hải quan đồng lõa với tội phạm bị xử lý hình sự.
 
    Các cơ quan tham mưu của cấp ủy đều tăng cường kiểm tra, giám sát lĩnh vực được phân công phụ trách, tạo sự đồng bộ, quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Tuyên giáo các cấp kiểm tra việc học tập, tuyên truyền, thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Tổ chức các cấp kiểm tra, giám sát việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Ban Nội chính các cấp tập trung kiểm tra lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ban Dân vận các cấp kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở…
 
    Các cấp ủy, tổ chức đảng đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng vấn đề, vụ việc. Sự kiên định, ý chí sắt đá của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sức nóng từ “lò đốt tham nhũng” ở Trung ương đã lan tỏa đến các địa phương, nâng cao tính chiến đấu trong Đảng. Tiếng nói ủng hộ Đảng, ủng hộ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của các tầng lớp nhân dân, của báo chí, truyền thông đối với công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng cao.
 
    Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã góp phần khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém của nhiệm kỳ trước, từng bước kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Trên cơ sở đó củng cố, duy trì sự ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
                                                                                Hà Hồng Hà
                                                                             (Báo Nhân Dân)
.