Sự lãnh đạo của Đảng trong kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng

Thứ Bảy, 17/02/2018, 07:29 [GMT+7]
    Kiểm soát quyền lực được Đảng ta xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tình trạng suy thoái chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, đã làm “xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân”(1). Kết quả phát hiện, xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, liên quan tới một số cán bộ lãnh đạo cao cấp gần đây cho thấy, tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực đang ở mức đáng báo động, trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Do đó, việc nhận diện và kiểm soát chặt chẽ các dạng quyền lực trong xã hội, ngăn ngừa các hành vi lạm dụng, sử dụng sai trái quyền lực để tham nhũng là yêu cầu cấp thiết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với PCTN.
 
    Nhận diện các dạng quyền lực bị lạm dụng, sử dụng sai trái dẫn tới tình trạng tham nhũng hiện nay
 
    Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu rõ những biểu hiện của sai phạm của cán bộ, đảng viên trong sử dụng quyền lực, đó là: “Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để tham ô, tham nhũng; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”(2). Đồng thời, Nghị quyết đề ra giải pháp kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng Đảng với 3 nội dung chính: Một là, rà soát hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; hai là, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức cán bộ yếu kém về trình độ, năng lực, phẩm chất, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; ba là, trước mắt rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực thi quyền lực. Đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh, để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, phải có cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực trong tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước, phải “nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật”.
 
    Trên phương diện nghiên cứu để nhận diện và loại trừ các nguyên nhân, điều kiện của tham nhũng, có thể nhận thấy tham ô, tham nhũng không chỉ do quyền lực nhà nước bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích mà còn có sự tác động tiêu cực của các dạng quyền lực khác trong xã hội. Trên thực tế, xã hội vận động và phát triển chịu sự tác động, điều chỉnh của các động lực rất đa dạng, như: Pháp luật, đạo đức, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ dân trí, dư luận xã hội, chức năng nghề nghiệp, nền tảng cơ sở vật chất… Nhìn chung, các động lực có tác động, chi phối đến lợi ích của con người thì đều ảnh hưởng đến tình trạng tham nhũng và công tác PCTN. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả PCTN trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung lãnh đạo kiểm soát ba dạng quyền lực quan trọng trong xã hội, đó là quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế và quyền lực truyền thông.
 
    Quyền lực chính trị (quyền lực nhà nước): Là quyền lực của nhân dân trao cho đại diện của mình là các thiết chế chính trị, bao gồm Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và tổ chức, đơn vị khác trong bộ máy nhà nước. Trách nhiệm của các thiết chế này là sử dụng quyền được trao để chỉ đạo, quản lý, vận hành xã hội bằng việc xây dựng chủ trương, chiến lược, sách lược, ban hành và thực thi pháp luật, sử dụng ngân sách, tài sản công và huy động các nguồn lực khác để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích chung của đất nước, dân tộc trong đó có lợi ích của công dân. Khi của cải vật chất trong xã hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu, sự kiểm soát, quản lý kinh tế không chặt chẽ, phân phối thiếu công bằng, thì quyền lực nhà nước dễ bị lợi dụng, sử dụng không đúng để mưu cầu lợi ích cá nhân. Bản chất của sự lạm quyền là biến quyền được Nhà nước, nhân dân giao phó thành sở hữu cá nhân, đẩy mục tiêu ưu tiên hàng đầu là phục vụ lợi ích chung xuống hàng thứ hai, sau mục tiêu vun vén cho lợi ích cục bộ của cá nhân người có quyền lực hoặc của một nhóm người thân cận. Do vậy, việc kiểm soát quyền lực cần phải được thực hiện ngay sau khi trao quyền; quyền lực càng lớn thì càng cần được kiểm soát chặt chẽ. Quyền lực nhà nước phải được kiểm soát toàn diện theo năm hướng: Từ trên xuống, từ dưới lên, ngay trong nội bộ, từ bên ngoài và kiểm soát lẫn nhau trong quá trình phối hợp.
 
    Quyền lực kinh tế (quyền lực vật chất): Là quyền lực được tạo nên từ lợi ích kinh tế của các chủ thể (trong và ngoài nhà nước) nắm quyền kiểm soát, quản lý, sở hữu một lượng đáng kể của cải, vật chất trong xã hội. Trong điều kiện nhất định, các chủ thể này sử dụng lợi ích vật chất để tác động, điều hướng nhiều hoạt động của xã hội, trong đó có hoạt động quản lý của Nhà nước để gia tăng lợi ích vật chất cho mình. Khi quyền lực nhà nước được kiểm soát tốt thì tác động của các chủ thể kinh tế có ý nghĩa xây dựng, đóng góp, giúp cho việc hoạch định và thực hiện chính sách của Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích các giai tầng trong xã hội. Tuy nhiên, nếu các cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị nhà nước lạm quyền, tư lợi thì quyền lực kinh tế sẽ tác động theo chiều hướng góp phần làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, hình thành “nhóm lợi ích”, làm méo mó việc xây dựng, hoạch định và triển khai đường lối phát triển đất nước, làm chệch hướng mục tiêu chung mà Nhà nước đã đặt ra.
 
    Quyền lực truyền thông (quyền lực mềm): Là quyền lực của các tổ chức, cá nhân làm truyền thông, thông qua hoạt động của mình tạo nên dư luận xã hội, từ đó gây áp lực, buộc các chủ thể phải thực hiện yêu cầu, đòi hỏi của dư luận. Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, sự lan tỏa nhanh chóng của thông tin có sức tác động rất mạnh mẽ đến đời sống xã hội, bởi giới truyền thông không chỉ phản ánh hiện thực mà còn phân tích, đánh giá, bình luận, đưa ra quan điểm, kiến nghị, đề xuất, từ đó tác động sâu sắc đến tâm lý, hành vi ứng xử của người tiếp nhận thông tin, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các tổ chức, cá nhân. Nếu không kiểm soát, định hướng tốt, việc đưa tin một chiều, không đầy đủ, tập trung phản ánh những mảng tối, hiện tượng tiêu cực để câu khách, bình luận thiếu trách nhiệm, lệch chuẩn, sai trái trên báo chí sẽ gây ra sự bất an, rối loạn trong xã hội. Việc lạm quyền trong truyền thông sẽ che đậy, bỏ qua, thậm chí làm nảy sinh, tiếp tay cho sai phạm, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, ảnh hưởng xấu tới hiệu quả của công tác PCTN.
 
    Kiểm soát quyền lực cần bắt đầu từ đâu và tiến hành như thế nào?
 
    Trước hết, phải kiểm soát tốt quyền lực trong Đảng và thiết chế bộ máy nhà nước: Theo phân tích trên, quyền lực của Đảng là một bộ phận của quyền lực chính trị, là biểu hiện cao nhất của quyền lực nhân dân. Vì vậy, hoạt động kiểm soát quyền lực phải bắt đầu từ trong Đảng, từ việc thực thi quyền hạn, nhiệm vụ của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Trước hết, kiểm soát tốt quyền lực trong Đảng, các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo làm tốt vai trò nêu gương, thì mới tính đến giải pháp để lãnh đạo kiểm soát quyền lực của các thiết chế khác trong bộ máy nhà nước. Phải giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Đây là một quá trình gian nan, khó khăn, phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh tình trạng lạm dụng quyền lực đang diễn ra khá phổ biến; nhiều cán bộ, đảng viên bị phát hiện có sai phạm nghiêm trọng. Công tác xây dựng quy định và thi hành kỷ luật Đảng phải đồng thời nhắm tới  hai việc cần làm: Một là, loại bỏ hoặc thay thế cán bộ thoái hóa, biến chất để quyền lực được trao đúng người, đặt đúng chỗ (đây là nhiệm vụ của công tác cán bộ); hai là, ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm việc lạm quyền (đây là nhiệm vụ của kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng). Hiện nay, Đảng ta đang tăng cường tổ chức thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ và ngày càng hiệu quả các nhiệm vụ này, cả về hoàn thiện quy định và thực thi hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật Đảng.
 
    Một số quan điểm cho rằng, kiểm soát quyền lực trong Đảng tốt, tất sẽ kiểm soát tốt quyền lực nhà nước, tức khi tổ chức đảng và đảng viên thực hiện đúng chức trách, bổn phận được giao thì việc lạm quyền trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội sẽ được kiểm soát. Thực tế không hoàn toàn đúng như vậy, khi kỷ luật của Đảng không nghiêm khắc, tương xứng với sai phạm, kỷ luật Đảng “chờ” phán quyết của Tòa án hoặc quyết định của thủ trưởng cơ quan, đơn vị nhà nước, thì lạm quyền trong các thiết chế nhà nước vẫn tồn tại.
 
    Trong lãnh đạo giám sát quyền lực đối với các thiết chế nhà nước để PCTN, phải bảo đảm các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng là: Lãnh đạo về chủ trương, đường lối, không bao biện, làm thay hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước, hoạt động soạn thảo, ban hành pháp luật của Quốc hội, không can thiệp trái quy định pháp luật vào hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp, vì vậy, việc “chạy chọt”, tham nhũng chính sách, tham ô tài sản công, đưa, nhận hối lộ… chủ yếu đều xuất phát từ việc lạm dụng quyền lực trong các cơ quan, đơn vị của Chính phủ, cơ quan tư pháp, Quốc hội, nơi mà quyền lực thực sự trực tiếp tác động đến lợi ích của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Do đó, các giải pháp làm trong sạch bộ máy nhà nước cần phải được chỉ đạo tập trung thực hiện trước ở các cơ quan, vị trí quản lý tài sản công, phê duyệt, phân bổ, sử dụng ngân sách, quản lý, khai thác tài nguyên; cơ quan tham mưu xây dựng, đề xuất ban hành chính sách, pháp luật, hướng dẫn thi hành và ngay đối với các cơ quan làm công tác PCTN.
 
    Cần thực hiện các giải pháp theo thứ tự ưu tiên: (1) Phát hiện, xử lý sai phạm, lạm quyền của cán bộ lãnh đạo; (2) Từng bước hình thành ý thức tự giác trong rèn luyện đạo đức, phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên bằng cách thiết lập cơ chế kiểm soát, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; (3) Xây dựng văn hóa nêu gương, chịu trách nhiệm cá nhân, văn hóa từ chức của cán bộ lãnh đạo đứng đầu. Có ba hướng kiểm soát cần tập trung phát huy hiệu lực, hiệu quả: Kiểm tra, giám sát từ trên xuống; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán từ bên ngoài; sự theo dõi, giám sát của nhân dân và các cơ quan, tổ chức đại diện.
 
    Đối với quyền lực kinh tế, cần nâng cao cảnh giác, đề phòng, ngăn chặn tác động tiêu cực của các chủ thể hoạt động kinh tế đến cán bộ, công chức nhà nước vào quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật. Trong giai đoạn đất nước đang tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển, động viên các nhân tố mới khởi nghiệp, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) chỉ rõ, cần phải: “Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính”. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, trong giai đoạn này, sự hình thành các quan hệ “đặc biệt” giữa các doanh nghiệp với quan chức nhà nước phát triển và đi vào chiều sâu dưới vỏ bọc cạnh tranh theo cơ chế kinh tế thị trường, thực chất là nạn hối lộ để trúng thầu, để được ưu ái trong phân bổ, sử dụng ngân sách, tài chính công và tài nguyên quốc gia. Hệ quả là một số doanh nghiệp lớn mạnh rất nhanh chóng và trở thành các “đại gia”, “ông trùm” trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, không ít trong số đó là sản phẩm của “nhóm lợi ích”. Khi đó, một bộ phận dân cư giàu lên nhưng không thực sự góp phần để đất nước vững mạnh, không đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội.
 
    Thực hiện chỉ đạo của Đảng, trong một vài năm gần đây các cơ quan chức năng đã tập trung phát hiện, xử lý kiên quyết, nghiêm minh nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, kết quả điều tra đã phát hiện ra sự liên hệ tiêu cực giữa cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước với lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn. Đây là đòn đánh trực diện, làm cho một số quan tham phải trả giá và khiếp sợ, tuy nhiên nếu tiếp tục quản lý không tốt tài sản công, hoạt động và tài sản, thu nhập của cá nhân, tổ chức thì lợi ích kinh tế vẫn sẽ không được Nhà nước quản lý đầy đủ, và dòng tiền, tài sản thất thoát đó chắc chắn sẽ được những đối tượng cơ hội mới nổi lên tiếp tục sở hữu, vận hành, lưu chuyển; và cán bộ, công chức sẽ tiếp tục bị mua chuộc bằng cách này hay cách khác, bất chấp các quy định cấm đoán.
 
    Chính vì vậy, Đảng cần làm rõ và kiểm soát chặt chẽ quan hệ công, tư, kịp thời phát hiện và loại bỏ các liên minh “ma quỷ”, từ cả hai phía, trong và ngoài nhà nước. Một mặt, phải tạo dựng cơ chế pháp luật để quản lý tốt tài sản công, kiểm soát tốt hoạt động sử dụng quyền lực của cán bộ, công chức nhà nước; mặt khác, phải làm tốt công tác lãnh đạo đối với các doanh nghiệp, nhất là các công ty, tập đoàn kinh tế lớn bằng cách xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các thực thể kinh tế đó vững mạnh, thể hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng trong cách thức, định hướng sản xuất, kinh doanh. Cần phải tiến hành khẩn trương giải pháp kiểm soát tài sản, thu nhập và hoạt động tài chính của toàn xã hội, chứ không phải chỉ trong phạm vi cán bộ, công chức. Đây là việc làm cần nhiều thời gian và sự đầu tư đáng kể về tài chính, công nghệ và trí tuệ quản lý, do đó phải hoạch định được lộ trình và tiến hành từng bước. Tuy nhiên, chừng nào chưa thực hiện được mục tiêu của giải pháp này thì việc kiểm soát quyền lực kinh tế và giải quyết quan hệ “sân sau” của quan chức nhà nước vẫn chưa thể triệt để.
 
    Đối với quyền lực truyền thông, cần phải tăng cường quản lý hệ thống mạng thông tin, các cơ quan báo chí, ngôn luận, không để bị lợi dụng, can thiệp, hướng lái dư luận, tạo ra quyền lực để trục lợi, dẫn đến tham nhũng trong giới truyền thông. Cần chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò truyền thông của các cơ quan ngôn luận của Đảng, báo chí cách mạng phải làm tốt trách nhiệm thông tin kịp thời, lập luận xác đáng, thu hút, định hướng dư luận, đấu tranh loại bỏ kiểu thông tin câu khách giật gân, nửa vời, không đúng sự thật về quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ tích cực hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa và phát hiện tham nhũng; biểu dương, phổ biến và bảo vệ người tố giác tiêu cực, tham nhũng. Cùng với vai trò lãnh đạo, quản lý của cơ quan Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức đảng trong các tòa soạn, đài truyền thanh, truyền hình, nhà xuất bản phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ người làm báo có năng lực chuyên môn sâu, kiến thức pháp luật vững và đạo đức nghề nghiệp tốt, phát huy sức mạnh to lớn của báo chí cách mạng để hướng lái tốt mục tiêu của truyền thông. Đặc biệt, để tránh lạm dụng quyền lực trong truyền thông, cần chú ý quản lý chặt chẽ hoạt động tác nghiệp điều tra của phóng viên báo chí, nhất là việc thực hiện các thủ thuật nghiệp vụ điều tra bí mật để thu thập thông tin, tài liệu về các hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, các sai phạm trong thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo và việc sử dụng các thông tin, tài liệu đó trong truyền thông.
 
    Về công cụ giúp Đảng lãnh đạo kiểm soát quyền lực trong PCTN, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng có chức năng kiểm tra, giám sát PCTN và thi hành kỷ luật Đảng; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng trong các cơ quan, đơn vị nhà nước trực tiếp hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám định tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; củng cố vai trò của cấp ủy đảng trong các tổ chức, doanh nghiệp làm kinh tế, truyền thông; đồng thời, cần chú ý ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý tin tức, tài liệu về PCTN, nhất là những phản ánh, tố giác từ quần chúng nhân dân và đảng viên tại cơ sở; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu kiểm soát chặt chẽ sự hình thành, dịch chuyển sở hữu của những khối tài sản lớn để loại bỏ “nhóm lợi ích”, mầm mống của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.
 
    Tóm lại, để đạt được yêu cầu chống tham nhũng mà không làm mất ổn định chính trị xã hội, bảo vệ được thành quả cách mạng, khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, việc kiểm soát quyền lực cần phải được thực hiện đồng bộ trên cả ba phương diện nêu trên và có lộ trình hợp lý; tiếp tục duy trì, phát huy mạnh mẽ sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm chính trị cao trong suy nghĩ và hành động của toàn Đảng, sự đồng lòng, ủng hộ của toàn dân, đặc biệt là sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh, khoa học của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu Đảng, Nhà nước để mọi tiềm lực trong xã hội được phát huy tốt, mọi quyền lực được sử dụng đúng, hạn chế và từng bước loại bỏ các nguyên nhân, điều kiện của tham nhũng, hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước liêm chính, xã hội công bằng, đất nước giàu mạnh.
 
Tài liệu tham khảo: - TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương: “Tham vọng quyền lực và sự tha hóa”, Tạp chí Cộng sản, 15-9-2015. - Vũ Lân: “Lồng nhốt quyền lực, lống nhốt tham vọng”, Báo điện tử Vietnamnet.vn, ngày 178-2017. - GS. TS. Lê Ngọc Hùng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Các loại quyền lực trong thế giới ngày nay từ góc độ xã hội học chính trị”, Tạp chí Cộng sản, ngày 22-8-2017. - Bài giảng: “Quyền lực chính trị” - TS. Trịnh Thị Xuyến, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Ts. Nguyễn Cảnh Lam
(Ban Nội chính Trung ương)

(1) Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
(2) Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tường chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

 

 
;
.