Mặt trận Tổ quốc với công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 20/02/2018, 08:18 [GMT+7]
Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng, phản biện xã hội góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật PCTN, lãng phí; nghiên cứu xây dựng và thực hiện đa dạng các hình thức để nhân dân chủ động, tích cực tham gia và có hiệu quả trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội; xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí trong toàn hệ thống; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trong đấu tranh với tham nhũng, lãng phí… Bài viết tập trung đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế và chỉ ra những giải pháp cần thực hiện, để đẩy mạnh công tác PCTN trong thời gian tới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
    1. Nhiều văn kiện của Đảng đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác PCTN. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định yêu cầu phải coi trọng và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng(1). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) ngày 15-5-2012 yêu cầu “Phát huy tốt hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của cộng đồng và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Khẩn trương cụ thể hóa cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đối với công tác PCTN, lãng phí”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định yêu cầu: “Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát các tổ chức Đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên”(2).
 
    Thể chế hóa quan điểm của Đảng về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại Điều 8 của Luật PCTN năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia tích cực vào việc PCTN; phát hiện, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN”. Điều 85 Luật PCTN và Điều 23 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận trong việc tham gia PCTN với các nội dung cơ bản: (1) Tuyên truyền, vận động nhân dân và các thành viên tổ chức mình thực hiện pháp luật về PCTN; kiến nghị các biện pháp nhằm phát hiện và phòng ngừa tham nhũng; (2) Cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xác minh, vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng; (3) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN; (4) Kiến nghị cơ quan Nhà nước bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo tham nhũng.
 
    Thời gian qua, công tác đấu tranh PCTN được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc triển khai mạnh mẽ, rộng khắp từ Trung ương đến địa phương và đạt được một số kết quả:
 
    Một là: Tham gia và giám sát công tác xây dựng chính sách, pháp luật. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia góp ý, phản biện đối với khoảng 30 dự án Luật, pháp lệnh và nghị định. Trong đó, nhiều dự án luật, pháp luật, nghị định liên quan đến công tác PCTN như: Luật PCTN, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật khiếu nại, tố cáo; Luật cán bộ, công chức; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương nghiên cứu, dự thảo và trình Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013), Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013). Đây là những văn bản pháp lý rất quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác giám sát, phản biện, nhất là đối với các tổ chức đảng và đảng viên.
 
    Hai là: Tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức PCTN trong nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Nhà nước để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN cho nhân dân, đoàn viên, hội viên, từ trung ương tới cơ sở, khu dân cư. Các báo, tạp chí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận thường xuyên đăng tải các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục, tin, bài về PCTN; lên án, phê phán các hành vi tham nhũng; nêu gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh PCTN. Thông qua tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, người dân tham gia ngày càng tích cực vào công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng các quy chế, quy định của đơn vị, địa phương, công tác thanh tra nhân dân, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Nhân dân cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp với cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành; gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh về sai phạm kinh tế, tiêu cực, tham nhũng.
 
    Ba là: Vận động nhân dân tham gia PCTN. Mặt trận Tổ quốc các cấp vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh PCTN thông qua các hoạt động như: Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh theo quy định tại Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 và Điều 31 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Thông qua đợt lấy phiếu tín nhiệm giúp cho cán bộ có điều kiện gần dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân về ưu điểm, nhược điểm của bản thân để điều chỉnh, sửa chữa, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Mặt trận Tổ quốc thành lập, chỉ đạo, hướng dẫn và động viên, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc phòng ngừa và phát hiện những hành vi tham nhũng, nhất là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, các khoản đóng góp của nhân dân… Năm 2017, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác PCTN, lãng phí”, đã thu hút được đông đảo các nhà báo, các ngòi bút trên mặt trận chống tham nhũng vô cùng phức tạp và khó khăn, khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn đồng hành, sát cánh với các nhà báo trong cuộc chiến này.
 
    Bốn là: Tổ chức hiệp thương và giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Trong các nhiệm kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và những người ứng cử đại biểu HĐND. Một trong những tiêu chuẩn được xem xét kỹ lưỡng là người ứng cử phải gương mẫu chấp hành pháp luật, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sau khi được Mặt trận Tổ quốc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú có số phiếu tín nhiệm đạt thấp thì không được các cấp hiệp thương của Mặt trận đưa vào danh sách hiệp thương chính thức (loại khỏi danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND)(3).
 
    Năm là: Tham gia tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên và giới thiệu Hội thẩm nhân dân. Theo quy định của pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tham gia các hội đồng tư vấn tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên và giới thiệu hội thẩm nhân dân (trước kia) và nay là các hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hội đồng thi tuyển kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp; chủ trì lựa chọn, giới thiệu người để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm nhân dân(4). Đây là lĩnh vực công tác được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghiêm túc dựa trên cơ sở nghiên cứu, kiểm tra kỹ hồ sơ, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về đối tượng tuyển chọn, giới thiệu để góp phần bảo đảm chất lượng của đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên và hội thẩm nhân dân(5).
 
    Sáu là: Giám sát việc thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí “bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị”, Mặt trận Tổ quốc Việt nam các cấp luôn quan tâm bảo đảm thông tin cho nhân dân thông qua tham gia xây dựng thể chế, pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới nhân dân; giám sát việc thực hiện pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đảng viên, những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09-3-2007 của Chính phủ trước đây và hiện nay là Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17-7-2013 về minh bạch tài sản, thu nhập. Ngoài việc cung cấp thông tin, cử đại diện tham gia giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập, Mặt trận Tổ quốc còn tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của người dân; đồng thời, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
 
    Bảy là: Giám sát cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức nhà nước trong việc tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng. Công tác giám sát thực hiện pháp luật về PCTN của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tập trung vào 03 nội dung: Thực hiện Quy chế giám sát cán bộ, công chức ở khu dân cư; Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước đến Quốc hội; Tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Để triển khai Luật PCTN, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 0 5 / 2 0 0 6 / N Q LT- C P UBTWMTTQVN ngày 21-42006 ban hành Quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Nghị quyết đã được thực hiện thí điểm tại 05 tỉnh, thành phố và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận(6).
 
    Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn tổ chức thực hiện các chương trình giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật trong những lĩnh vực còn nhiều bức xúc và tổ chức, hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng(7). Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc lãnh đạo triển khai các hoạt động phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân về PCTN, chưa khơi dậy được tinh thần đấu tranh chống tham nhũng trong nhân dân và các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Các quy định pháp luật về công tác PCTN nói chung và công tác PCTN của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng chưa đầy đủ, hoàn thiện; việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôi khi chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Cách thức, biện pháp tuyên truyền của Mặt trận còn mang tính hình thức, chưa có nhiều nội dung thiết thực, bám sát đời sống của từng địa phương cụ thể, chưa thể hiện rõ nét vai trò của mình trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc vẫn còn mang tính hình thức, mới chỉ dừng ở việc ban hành các quy định mà trong nhiều trường hợp chưa quan tâm, chú trọng đến hiệu quả trên thực tế. Mối quan hệ phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chuyên trách PCTN còn có những hạn chế. Có rất ít các quy chế phối hợp được ban hành, nhằm tạo cơ chế rõ ràng, công khai và những nội dung phối hợp cụ thể, giúp cho công tác PCTN đạt được hiệu quả cao hơn.
 
 
    2. Để nâng cao vai trò và hiệu quả công tác PCTN của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
 
    Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác PCTN của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo sự đồng thuận và ủng hộ trong xã hội đối với công tác đấu tranh PCTN của Mặt trận Tổ quốc.
 
    Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân về các giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTN. Tập trung phổ biến các văn bản về PCTN như: Luật PCTN (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành; Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác PCTN. Chú trọng biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng trong hệ thống Mặt trận và nhân dân ở khu dân cư. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí của hệ thống Mặt trận trong tuyên truyền về PCTN. 
 
    Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia tích cực vào việc hoàn thiện pháp luật về PCTN.
 
    Thực tiễn thi hành Luật PCTN 10 năm qua cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCTN, trong đó có các quy định liên quan đến vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quyền, trách nhiệm của Nhân dân trong công tác PCTN. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tiếp tục tham gia góp ý, phản biện đối với dự án Luật PCTN (sửa đổi); trong đó tập trung vào những nội dung liên quan đến việc tuyên truyền, vận động, tổ chức và bảo vệ người dân; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tham gia tích cực đấu tranh chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng.
 
    Ba là, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14CP-ĐCTUBTWMTTQVN về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tham gia thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở Trong đó, đẩy mạnh việc thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án của các cơ quan nhà nước nhằm phòng ngừa tham nhũng; đẩy mạnh giám sát đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Bốn là, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và nhân sự để bảo đảm cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có đủ năng lực để thực hiện có hiệu quả công tác PCTN. 
 
    Cần đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng: Tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các tổ chức thành viên, thống nhất hành động; tăng cường sự độc lập (về tổ chức, nhân sự và tài chính) của Mặt trận và các tổ chức thành viên với các cơ quan, tổ chức là đối tượng giám sát của Mặt trận; phát huy vai trò quan trọng của các cấp Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác PCTN.
 
    Năm là, xây dựng và thực hiện tốt chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác PCTN đến năm 2020. 
 
    Chương trình hành động xác định rõ mục đích, yêu cầu đặt ra trong công tác PCTN của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2018-2020; các nhóm nhiệm vụ chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong hệ thống Mặt trận; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân cũng như các giải pháp và các bảo đảm thực hiện. Trong đó, trọng tâm là tham gia xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật; giám sát và phản biện xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia PCTN.
 
    Sáu là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước hướng hoạt động nhiều hơn về cơ sở, đến từng hộ dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đi sát để hiểu tâm tư, nguyện vọng nhân dân, phát huy, nhân rộng những sáng kiến tích cực, vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, vừa quan tâm bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Có như vậy, mới vận động được nhân dân tích cực tham gia vào công tác PCTN, tiêu cực.
ThS. Bùi Thị Thu Huyền
(Ban Nội chính Trung ương)

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.254.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2006, tr.203.
(3) Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, so với danh sách trình ra Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, qua các lần hiệp thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã loại khỏi danh sách hiệp thương chính thức 150 ứng cử viên đại biểu Quốc hội và 63.607 ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp do phát hiện vi phạm chính sách, pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống và không được cử tri nơi công tác, cư trú tín nhiệm (Báo cáo số 259/BC-MTTQ ngày 08-7-2016 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng kết công tác Mặt trận tham gia bầu cử).
(4) Điều 20 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(5) Từ tháng 01-11/2016, đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp đã tiếp nhận, nghiên cứu và có ý kiến đối với 1024 hồ sơ tuyển chọn thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp; cho ý kiến bổ nhiệm đối với 603 kiểm sát viên các cấp và cho ý kiến đối với danh sách 1.828 trường hợp dự thi kiểm sát viên các cấp.
(6) TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Tiền Giang.
(7) Qua tổng hợp số liệu sơ bộ, trong 5 năm qua, các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng trên cả nước đã tiến hành được 171.726 cuộc giám sát, 236.982 cuộc thanh tra, qua đó kiến nghị chính quyền cơ sở xử lý 106.115 vụ việc vi phạm, góp phần làm minh bạch quản lý vốn, tài sản nhà nước và các công trình, dự án đầu tư tại cộng đồng, PCTN, lãng phí. 

 

 

;
.