Báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 19/02/2018, 12:57 [GMT+7]
Năm 2017, báo chí tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các kỳ họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, các chỉ đạo của Chính phủ, của Quốc hội, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, báo chí đã và đang  tích cực, phát huy tốt vai trò của mình trong công tác thông tin, tuyền về công tác PCTN và đấu tranh chống tham nhũng. 
 
    Báo chí đã phát huy được vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho các hoạt động chống tiêu cực, tham nhũng có hiệu quả, đó là: Phát hiện tham nhũng, lãng phí; giám sát và công khai các biện pháp, kết quả PCTN của Đảng, Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho dư luận xã hội nhằm bảo đảm rằng các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước giải quyết các vấn đề được công chúng quan tâm. Thực tế cho thấy, các nỗ lực chống tiêu cực, tham nhũng nếu không có sự vào cuộc của báo chí sẽ ít mang lại thành công. Theo đó, báo chí có thể giám sát, phát hiện và công khai các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí cung cấp cho các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên trách PCTN các thông tin quan trọng, cần thiết để tiến hành xác minh, điều tra. Báo chí cũng có thể cổ vũ, khuyến khích người dân tham gia những sáng kiến PCTN, mạnh dạn tố cáo các hành vi tiêu cực và có thể điều tra theo các tố cáo này.
 
    Nhờ có sự tham gia tích cực của đông đảo những người làm báo, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã bị phanh phui, thu lại cho Nhà nước và nhân dân hàng ngàn tỷ đồng như: Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; vụ án Phạm Công Danh gắn với Ngân hàng xây dựng Việt Nam; Vụ án “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh 7, TP. Hồ Chí Minh… cùng nhiều vụ án khác đã thể hiện thái độ đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt không khoan nhượng của báo chí với tệ tiêu cực, tham nhũng. Việc đưa tin kịp thời, công khai về các vụ án, vụ việc tham nhũng lên các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin và quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Những đóng góp quan trọng trong việc giám sát, phát hiện các vụ việc, vụ án tiêu cực, tham nhũng của báo chí đã được dư luận xã hội đánh giá cao.
 
    Các báo có tin, bài rất đều đặn về công tác PCTN, lãng phí, điển hình là: Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Lao động, Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an nhân dân, Tiền phong, Pháp luật TP . Hồ Chí Minh… Rất nhiều thông tin mà báo chí nêu về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, hành vi tham ô được báo chí đề cập và sau đó Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương phải vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý nghiêm như: Những vụ bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” Lê Phước Hoài Bảo, Trần Vũ Quỳnh Anh, Vũ Minh Hoàng, Huỳnh Thanh Phong... thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận; hay vụ “Sai phạm lớn tại Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam: Đốt tiền vào công ty sân sau” của Báo Thanh niên, số 307 ra ngày 03-11-2017. Ngay sau khi bài báo được đăng tải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về xử lý phản ánh của báo chí và thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; bài viết trên Báo Công lý, số 25 ra ngày 29-032017 “Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ: Có hay không việc bao che cho sai phạm và trù dập người đấu tranh?” đã yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ những uẩn khúc để củng cố lòng tin của cán bộ, nhân viên và của người dân, để bệnh viện làm tốt hơn công tác chăm sóc nhân dân… Việc đưa tin kịp thời các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm giúp người dân có thông tin kịp thời, tránh sự hiểu lầm bưng bít sự việc, tạo niềm tin cho người dân vào công lý, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
 
    Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng những chuyên mục chuyên sâu về công tác PCTN, lãng phí, chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: Báo Nhân Dân có Chuyên mục “Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng”; Báo Đại đoàn kết có chuyên mục “Giám sát, phản biện”, Truyền hình Công an nhân dân xây dựng Chuyên mục “Những việc cần làm ngay”. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thanh Hóa, Gia Lai, Vĩnh Long, Cần Thơ… có Chuyên mục “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Đặc biệt, Chuyên mục “Đảng trong cuộc sống hôm nay” của Đài Truyền hình Việt Nam được nhân dân đặc biệt quan tâm theo dõi.
 
    Báo chí đã chủ động, tích cực, dũng cảm trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, phê phán những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những ngòi bút có dũng khí đã góp phần phát hiện và làm rõ những sai phạm, khuyết điểm góp phần vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ Nhân dân, đồng thời báo chí cũng là diễn đàn nói lên nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, những nhân tố mới.
 
    Trong năm qua, đã có hàng chục nghìn bài viết liên quan đến công tác PCTN, lãng phí. Qua Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí” năm 2017 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã nhận được 1.126 tác phẩm báo chí ở các loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Số lượng bài viết gửi về dự thi đã khẳng định sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí trong công cuộc PCTN, lãng phí. Phát biểu tại buổi lễ trao giải, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước đã thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; tích cực tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, lãng phí; kịp thời phản ánh một cách chân thực những yếu kém, tiêu cực, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời cổ vũ, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong đấu tranh PCTN, lãng phí. Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” là minh chứng sinh động về vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” hết sức cam go, phức tạp này. 
 
    Điểm lại báo chí năm 2017, có thể thấy sự phong phú, đa dạng của các bài viết về đề tài PCTN, lãng phí. Những bài báo in, báo hình, báo điện tử hay phát thanh dù được đăng tải dưới những hình thức khác nhau song vẫn truyền tải tới người nghe, người xem bức tranh toàn cảnh, đa màu sắc của công tác PCTN, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Qua đó, có không ít những nguồn tin có giá trị từ báo chí cung cấp đã tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, số lượng thông tin phát hiện chưa nhiều mà chủ yếu làm phản ánh những vụ việc đã được cơ quan chức năng đã làm rõ; một số thông tin đưa ra chưa có bằng chứng xác thực với vụ việc. Những hạn chế này nếu được khắc phục sẽ nâng cao hiệu quả của báo chí trong công tác đấu tranh với tham nhũng.
 
    Một năm qua đi cũng để lại nhiều niềm vui cũng như những trăn trở với những người làm báo, nhưng đọng lại vẫn là những hình ảnh, những câu chuyện tốt đẹp mà báo chí đã góp phần lan tỏa trong cộng đồng. Những nhà báo luôn trau dồi nghiệp vụ, đạo đức của người làm báo, trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân vẫn sẽ luôn được tin cậy, được biểu dương. Các nhà báo luôn hướng tới các giá trị chân thiện - mỹ và vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
 
    Tuy nhiên, các cơ quan quản lý báo chí, các tòa soạn vẫn cần phải rà soát và soi lại mình. Năm 2107, đã cho thấy một số tòa soạn báo đã xa rời tôn chỉ mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ, thiếu nhạy cảm chính trị, đưa quá nhiều thông tin tiêu cực, thông tin giật gân câu khách, không thực hiện đúng chỉ đạo định hướng thông tin. Đáng chú ý là, còn có hiện tượng một số báo liên kết để “đánh hội đồng”, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây mất uy tín đối với toàn soạn, gây mất niềm tin của người dân, chính quyền các cấp và doanh nghiệp đối với báo chí; nhân danh nhà báo, nhân danh công luận để thực hiện các hành vi tống tiền các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn còn có các biểu hiệu suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; cá biệt đã có phóng viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
    Các cơ quan báo chí và các nhà báo phải tự bảo vệ hình ảnh của mình, đưa ra những thông tin đúng đắn, chính xác, có ích cho độc giả, có lợi cho xã hội. Điều này không phải lúc nào các cơ quan quản lý báo chí cũng như các tòa soạn đã làm tốt trong thời gian qua. Vì vậy, các cơ quan quản lý báo chí, cũng như các cơ quan báo chí, tòa soạn báo cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ, đó là:
 
    - Có cơ chế chống tiêu cực ngay trong các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí; công khai và xử lý nghiêm khắc đối với những cơ quan báo chí, tổng biên tập, nhà báo, phóng viên khi nhân dân phản ánh, tố giác về hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nhưng không tích cực vào cuộc hoặc ngăn cản cấp dưới tác nghiệp, đưa tin.
    
    - Có ý kiến với Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế bảo vệ, khen thưởng nhà báo, phóng viên, công dân có công phát hiện, tích cực tố giác, dũng cảm đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, suy thoái trong đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
 
    - Kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân tích cực tham gia phát hiện, tố giác những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí để tạo thành phong trào chung, lan tỏa ra toàn xã hội.
 
    - Nhà báo được tham gia sâu hơn, tiếp cận thông tin nhiều hơn với các văn bản, đặc biệt là những kết luận, các thông cáo báo chí của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và của các cơ quan, đơn vị có chức năng là trụ cột trong xử lý các vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí.
 
    Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công cuộc PCTN, chống suy thoái, báo chí cũng có những đổi thay cho phù hợp, thích nghi với yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống cũng như mang lại những hiệu quả ngày một thiết thực hơn. Báo chí phải trở thành vũ khí sắc bén trong cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” góp phần bảo vệ quyền lợi của nhân dân và giữ gìn uy tín, nâng cao vai trò của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh đầy cam go và quyết liệt này.
Cù Tất Dũng
 (Ban Nội chính Trung ương)
;
.