Bàn về liêm chính trong hoạt động công vụ

Thứ Sáu, 16/02/2018, 07:35 [GMT+7]
    
Liêm chính trong hoạt động công vụ là những giá trị, chuẩn mực trong hoạt động công vụ. Một nền công vụ liêm chính sẽ mang đến những hiệu quả tích cực cho hoạt động công vụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và góp phần phòng ngừa tham nhũng, xung đột lợi ích. Bài viết phân tích các nội dung cơ bản của liêm chính trong hoạt động công vụ, đồng thời đề xuất các yêu cầu, giải pháp xây dựng liêm chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay. 
    Liêm chính là một giá trị cơ bản mà bất cứ một nền công vụ nào thực sự vì dân cũng cần hướng tới. Nó là hệ thống các giá trị, chuẩn mực trong nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin, lý tưởng của từng cán bộ, công chức. Nó định hướng hành vi, suy nghĩ trở thành phương châm hành động của từng cán bộ, công chức tạo ra một nền công vụ liêm chính. Những giá trị chuẩn mực đó dựa trên các chuẩn mực đạo đức chung của toàn xã hội, được pháp luật hóa thành những quy tắc, chuẩn mực giá trị đạo đức và hành vi ứng xử của công chức trong thực thi công vụ. Đây cũng là sự khác biệt giữa liêm chính nói chung và liêm chính đối với những người thực thi công vụ của Nhà nước nói riêng. Một nền công vụ liêm chính sẽ mang đến những hiệu quả tích cực cho hoạt động công vụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Liêm chính góp phần phòng ngừa tham nhũng, xung đột lợi ích. Và một hệ quả tất yếu và vô cùng quan trọng khi xây dựng được nền công vụ liêm chính là nó góp phần cải thiện niềm tin của người dân về nền công vụ, một yếu tố quan trọng bậc nhất mang đến sự ủng hộ của công chúng đối với các cải cách mà Nhà nước tiến hành vì sự phát triển kinh tế và công bằng xã hội. 
 
    Nếu như liêm chính trong hoạt động công vụ được hiểu là những giá trị, chuẩn mực trong hoạt động công vụ thì nó có thể được chia thành hai nhóm cơ bản, có nội dung gắn bó khăng khít với nhau:
 
    1. Nhóm giá trị, chuẩn mực liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ và quyền hạn của cán bộ, công chức
 
    Đó là nhóm nội dung quan trọng của liêm chính trong hoạt động công vụ. Nó là những giá trị, chuẩn mực được thể hiện trực tiếp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong mối quan hệ với cơ quan, đơn vị và với việc công: 
 
    + Thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện:
 
    Mỗi cá nhân cán bộ, công chức được pháp luật trao cho các quyền và gắn với nó là các nghĩa vụ mà cán bộ, công chức phải thực hiện một cách đúng đắn, đầy đủ. Cán bộ, công chức chỉ thực hiện và phải thực hiện những gì mà pháp luật cho phép và yêu cầu. Nghĩa vụ của người cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ không chỉ được hiểu là nghĩa vụ trong quá trình thực thi công vụ mà nó còn bao gồm nghĩa vụ chung của người cán bộ, công chức trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân, nghĩa vụ gắn với vai trò của người đứng đầu hoặc người thừa hành công vụ. Bên cạnh các quyền và nghĩa vụ chung, gắn với mỗi vị trí công việc cán bộ, công chức cũng sẽ được giao các nhiệm vụ cụ thể. Để bảo đảm cho hoạt động công vụ được diễn ra bình thường, có hiệu quả, mỗi cán bộ, công chức phải thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ được giao. Hiểu một cách đơn giản nhất thì biểu hiện này có nghĩa là không làm “tắc trách”, qua loa, đại khái hay là những biểu hiện trốn tránh trách nhiệm. Đối với công việc phải tận tụy, mẫn cán và tuyệt đối chấp hành những chỉ đạo, mệnh lệnh theo thứ bậc hành chính. Đó là biểu hiện mang tính chất nền tảng của liêm chính trong hoạt động công vụ. Có được điều này rồi mới có thể phát triển thêm các biểu hiện khác bởi nếu ngay cả điều cơ bản nhất là quyền hạn, nghĩa vụ, nhiệm vụ không thể thực hiện đúng thì khó có thể có được sự trong sạch khi đứng trước sự lựa chọn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của Nhà nước trong quá trình thực thi công vụ. Bên cạnh đó, liêm chính cũng đòi hỏi cán bộ, công chức phải tự ý thức, có tinh thần trách nhiệm với kết quả thực thi công vụ của mình, sẵn sàng chịu trách nhiệm về kết quả đó, không thoái thác trách nhiệm của bản thân, không đổ lỗi cho người khác, cho tập thể. Nội dung này được pháp luật đưa vào các quy định cụ thể về nghĩa vụ của cán bộ, công chức cũng như các chế định riêng như trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức.
    
    - Thực hiện nhiệm vụ một cách trung thực, tránh xung đột lợi ích, không vụ lợi cá nhân:
 
    Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cán bộ, công chức còn phải đối mặt với một thực tế là trong nhiều trường hợp, lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức có thể mâu thuẫn với việc thực hiện đúng đắn, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được nhà nước giao. Lúc này cán bộ, công chức phải có sự lựa chọn khó khăn giữa lợi ích cá nhân hay lợi ích của cơ quan, của Nhà nước, của công việc. Liêm chính đòi hỏi cán bộ, công chức luôn luôn phải đặt lợi ích của cơ quan, của nhà nước lên trên lợi ích cá nhân mà thực hiện một cách trung thực nghĩa vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được nhà nước giao. Tránh lợi dụng quyền hạn, địa vị của bản thân để làm những việc trái với quy định của nhà nước hoặc thực hiện những việc để đạt được lợi ích của cá nhân mình mà phương hại đến lợi ích của nhà nước. Đặc biệt là, cán bộ, công chức công tác trong các lĩnh vực dễ dẫn đến xung đột lợi ích như cung cấp dịch vụ công, tuyển dụng và bổ nhiệm, đấu thầu, cấp phép và phê duyệt dự án, thanh tra và kiểm tra, xử lý vi phạm… Nội dung này có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động công vụ. Cán bộ, công chức đứng trước xung đột lợi ích mà đặt lợi ích của cá nhân mình lên trên có thể làm phương hại tới lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người dân từ mức độ thấp đến mức độ rất cao mà bản thân cá nhân họ lúc thực hiện hành vi có thể cũng không lường trước hết hậu quả xảy ra. Chính vì vậy, nội dung này cần được luật hóa thành các quy định hết sức chặt chẽ, không chỉ đơn thuần là các quy định mang tính ràng buộc về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức mà còn cần đến các quy định nhằm phòng ngừa trước các tình huống xung đột lợi ích có thể xảy ra trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhằm không tạo ra cơ hội để cán bộ, công chức đứng trước nguy cơ xung đột lợi ích. Đối với các nguy cơ khó phòng tránh trước bằng các quy định cụ thể thì cần phải đưa ra các chế tài xử lý vi phạm một cách nghiêm minh để cán bộ, công chức từ bỏ ý định vụ lợi.
 
    - Bảo vệ và sử dụng an toàn, tiết kiệm tài sản công, không tham nhũng:
 
    Nếu như trong sạch là một trong các giá trị biểu hiện cơ bản của liêm chính nói chung thì trong sạch trong hoạt động công vụ chính là việc không tham, không lấy tài sản công, bảo vệ và sử dụng tài sản công một cách tiết kiệm, hiệu quả. Tài sản công là tài sản được hình thành từ thuế mà người dân đóng góp cho ngân sách nhà nước, các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước, các khoản đóng góp của các tổ chức và cá nhân, các khoản viện trợ,… mà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cán bộ, công chức được phép sử dụng. Cán bộ, công chức phải hình thành ý thức không chiếm dụng tài sản công bằng cách này hay cách khác và ở mức độ cao hơn nó đòi hỏi cán bộ, công chức phải có ý thức bảo vệ các tài sản công không bị thất thoát, lãng phí và sử dụng tài sản công được giao một cách tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả. Chính vì vậy, các yêu cầu này cần được thể chế hóa thành các quy tắc đạo đức ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức. Ngoài ra, các quy định pháp luật chuyên ngành phải lưu ý đến nguy cơ thất thoát, lãng phí, chiếm dụng tài sản công để đưa ra các quy định, quy chế, định mức liên quan đến quản lý, sử dụng… tài sản công một cách chặt chẽ, các chế độ, định mức cũng vừa phải tạo điều kiện cho cán bộ, công chức chủ động sử dụng tiết kiệm tài sản được giao, vừa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm một cách nghiêm khắc.
 
    - Tận dụng tối đa thời gian cho công việc:
 
    Ăn cắp thời gian làm việc cũng là một biểu hiện không liêm chính, nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công vụ, đồng nghĩa với việc lấy không một phần tiền lương và các chế độ chính sách mà Nhà nước trả cho cán bộ, công chức. Do đó, liêm chính đòi hỏi cán bộ, công chức phải sử dụng hết thời gian quy định để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ở mức độ cao hơn nó đòi hỏi cán bộ, công chức còn phải tận dụng thời gian đó để làm việc một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất để không lãng phí thời gian và nguồn lực mà nhà nước đã bỏ ra để trả công cho cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức cần phải tự ý thức được vấn đề này để giữ gìn đạo đức liêm chính của chính bản thân mình. Bên cạnh các quy định về thời gian làm việc, làm thêm giờ…, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần phải có biện pháp cụ thể để kiểm soát thời gian và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức. Các vị trí công việc cần được bố trí, sắp xếp hợp lý, có bảng mô tả công việc để kiểm soát khối lượng công việc của từng vị trí. Cách kiểm soát tốt nhất không phải là kiểm soát quá trình làm việc của cán bộ, công chức mà chính là kiểm soát đầu ra công việc, tức là định ra khối lượng công việc ứng với số chỉ tiêu biên chế phù hợp để tránh tình trạng thừa người, với số lượng công việc được giao hợp lý với thời gian làm việc, cán bộ, công chức buộc phải cân đối thời gian để hoàn thành mà không cần tập trung vào kiểm soát quá trình. Như vậy, để bảo
đảm được các yếu tố này cần phải có các biện pháp, quy định liên quan đến tổng thể nền hành chính, liên quan đến việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm biên chế, sắp xếp các vị trí việc làm và mô tả công việc, trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc.
    
    2. Nhóm các giá trị, chuẩn mực về đạo đức công vụ, nghề nghiệp
 
    Đây là nhóm nội dung các giá trị, chuẩn mực phần lớn bị ràng buộc bởi các chuẩn mực đạo đức xã hội, nhiều khi nó không mang tính bắt buộc phải tuân thủ nhưng lại là những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp cần được hình thành trong niềm tin, ý thức của cán bộ, công chức để xây dựng môi trường làm việc liêm chính, nó điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh từ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới và với người dân trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức:
 
    - Giữ gìn sự trong sạch, tránh nhận hối lộ, quà biếu của tổ chức, công dân:
 
    Cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ nắm trong tay quyền lực công do đó có thể dẫn đến khả năng cán bộ, công chức nhận quà biếu, hối lộ của tổ chức, công dân, lợi dụng quyền lực mình nắm trong tay để làm trái các quy định của Nhà nước hoặc tạo điều kiện nhất định cho tổ chức, công dân. Chính vì vậy, một nội dung quan trọng của liêm chính trong thực thi công vụ của cán bộ công chức là giữ gìn sự trong sạch, tránh nhận quà biếu, hối lộ của tổ chức, công dân. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi nếu cán bộ, công chức nhận quà biếu, hối lộ của tổ chức, công dân, có nhiều hệ quả và tác động xấu tới nền công vụ có thể xảy ra như sau: Cán bộ, công chức làm trái các quy định của Nhà nước; cán bộ, công chức làm đúng các quy định của Nhà nước nhưng vì tạo điều kiện thuận lợi cho người này mà gây ra bất bình đẳng với người khác trước pháp luật, gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước, tác động đến niềm tin của người dân với cơ quan công quyền.
 
    Để thực hiện được nội dung quan trọng này của liêm chính trong hoạt động công vụ, cơ quan có thẩm quyền cũng cần thể chế hóa thành các quy định của pháp luật nhằm ngăn cấm hành vi cán bộ, công chức nhận hối lộ, quà biếu của tổ chức, công dân, các quy định về kê khai, khuyến khích cán bộ, công chức nộp lại quà tặng, quà biếu. Bên cạnh việc phát huy tinh thần tự nguyện và chủ động ngăn cấm hành vi nhận quà biếu, hối lộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng phải xây dựng các biện pháp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hành vi nhận quà biếu, hối lộ của cán bộ, công chức để tạo ra tính răn đe và xử lý các cán bộ, công chức cố tình vi phạm. Các biện pháp này liên quan đến nghiệp vụ thanh tra, điều tra, tuy tố, xét xử dựa trên các quy định chặt chẽ của pháp luật, hành vi nhận hối lộ, quà biếu được thể chế hóa thành hành vi tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các chế tài nghiêm khắc để giữ gìn sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, công chức.
 
    - Phục vụ nhân dân với thái độ đúng mực và công bằng:
 
    Trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ, công chức ở nhiều vị trí sẽ phải làm việc, tiếp xúc trực tiếp với người dân. Liêm chính trong quá trình giải quyết công việc cho người dân được thể hiện ở thái độ phục vụ đúng mực, lịch sự và công bằng. Đó là thái độ gần gũi với người dân, khi giao tiếp với công dân phải có thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn, tôn trọng, lắng nghe, ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ; công tâm, khách quan, tận tình hướng dẫn nhân dân thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định khi giải quyết công việc cho tổ chức, công dân, không thiên vị, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Để những nội dung này được cán bộ, công chức quán triệt thực hiện trong quá trình thực thi hoạt động công vụ, nó cần được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Nội dung các quy định càng cụ thể càng dễ dàng để kiểm soát hành vi ứng xử và đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ, công chức với người dân.
 
    - Tự phê bình và phê bình, không xu nịnh cấp trên, nói sai sự thật cho đồng nghiệp, đặt điều cho cấp dưới:
 
    Ngay thẳng và trung thực là đòi hỏi cơ bản của liêm chính nói chung và trong hoạt động công vụ cũng vậy. Chính vì vậy, cán bộ, công chức cần phải biết tự nhìn nhận các sai lầm của bản thân, tự phê bình mình để có thể tiến bộ hơn trong công việc, hoàn thiện bản thân tốt hơn. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức cũng cần phải nhìn nhận và thẳng thắn phê bình các khuyết điểm của đồng nghiệp, của cấp dưới và cả của cấp trên. Tự phê bình và phê bình phải dựa trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, nghiêm túc, không bao che cho khuyết điểm của người khác nhưng cũng không bới móc, mỉa mai với mục đích thiếu tích cực như hạ nhục, bôi nhọ người khác để người mắc khuyết điểm dễ tiếp nhận và cầu thị sửa chữa. Nội dung này cần được cơ quan có thẩm quyền thể chế hóa thành một nội dung của quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm  điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức góp phần tạo dựng môi trường làm việc liêm chính.
 
    Sự ngay thẳng trong hoạt động công vụ còn đồng nghĩa với việc cán bộ, công chức không được vì lợi ích của cá nhân mình mà có biểu hiện xu nịnh với cấp trên nhằm lấy lòng cấp trên, nói sai sự thật, đặt điều cho đồng nghiệp để nhằm mục đích xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người khác, ảnh hưởng đến cả môi trường làm việc của cơ quan, đơn vị nói chung. Nếu không xem xét kỹ có thể cho rằng đây là một nội dung không mấy quan trọng, mang tính đạo đức là chính, không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả thực hiện công vụ. Nhưng nếu xem xét kỹ các khía cạnh của vấn đề có thể thấy rằng, các biểu hiện như xu nịnh, đặt điều… trong mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường làm việc liêm chính, các cá nhân nghi kỵ, tranh giành, thiếu tin tưởng, hợp tác với nhau sẽ làm cho chất lượng thực thi việc công bị ảnh hưởng, lãnh đạo phân phối việc công và quyền lợi không hài hòa sẽ tạo ra tâm lý không thoải mái, chống đối của người thừa hành, nó còn có thể hình thành nên các nhóm lợi ích giữa các cán bộ, công chức, cấp dưới, cấp trên cấu kết với nhau vì vụ lợi cá nhân. Chính vì vậy, liêm chính đòi hỏi một môi trường làm việc mà các cán bộ, công chức phải thẳng thắn, thật thà, trung thực với nhau. Nội dung này cũng cần được thể chế hóa thành một nội dung của quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức.
 
    - Có tinh thần hợp tác, tương trợ lẫn nhau khi thi hành nhiệm vụ, không phê phán công việc của người khác và phàn nàn về công việc của mình:
 
    Ở mức độ cao hơn của việc trung thực, thật thà với nhau, liêm chính còn đòi hỏi các cán bộ, công chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ lẫn nhau khi thi hành nhiệm vụ. Sức mạnh của tinh thần làm việc tập thể từ lâu đã được công nhận. Một cá nhân có thể đạt đến hiệu quả công việc nhất định, nhưng nếu kết hợp với một đội/nhóm, hiệu quả ấy có thể gia tăng theo cấp số nhân. Trong môi trường làm việc tập thể, mỗi cá nhân tin rằng việc duy trì, lập kế hoạch, quyết định và hành động sẽ đạt hiệu quả cao hơn khi chúng ta cùng ngồi lại và hợp tác cùng nhau. Làm việc theo tinh thần tập thể là một nét đẹp nơi công sở, mang giá trị gắn kết rất cao đối với mỗi cá nhân, nhất là trong điều kiện nền công vụ Việt Nam còn mang nặng tính tập thể, làm việc và quyết định theo đa số. Trước nhất, cán bộ, công chức cần xác định rõ vị trí, nhiệm vụ của mình, hoàn thành thật tốt công việc ở vị trí trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm này, sau đó cần phải có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp trong việc chung, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Bên cạnh đó, luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao kỹ năng, kiến thức cũng như thái độ làm việc, nếu các thành viên khác gây ra sai sót cần nhiệt tình giúp đỡ họ. Ngoài ra, mỗi cán bộ, công chức cần có thái độ cầu thị đối với công việc được giao, không kêu ca, phàn nàn về công việc của bản thân mình cũng như không phê phán về công việc của người khác, mỗi vị trí việc làm có nhiệm vụ, quyền lợi riêng, không đem ra so sánh thiệt hơn, gây không khí nặng nề, kém chuyên nghiệp trong môi trường công vụ. Nội dung này cũng cần được thể chế hóa thành quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức để tăng cường ý thức và định hướng chặt chẽ hành vi của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.
 
    Đạo đức nghề nghiệp còn được thể hiện cụ thể qua những quy tắc ứng xử riêng đối với các mối quan hệ đặc trưng từ môi trường công tác. Nó phải trở thành niềm tự hào của mỗi con người về công việc mình đang làm, trở thành những yêu cầu “từ bên trong” đòi hỏi mỗi người công chức, viên chức luôn giữ gìn trong quan hệ ứng xử. Một cán bộ thanh tra phải giữa được bản lĩnh vững vàng, tránh được mọi sự cám dỗ, phải thực sự “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, đủ bản lĩnh để bảo vệ lẽ phải, kiên quyết nhưng nhân ái bao dung với đối tượng thanh tra; một cán bộ tòa án phải tự hào và biết trân quý cái mà xã hội kỳ vọng với mình, đó là tính vô tư, khách quan mỗi khi “phụng công thủ pháp”, không thể cho phép mình cà kê với đương sự; một bác sỹ phải tận tâm, nhân ái, hy sinh vì người bệnh, xứng với danh hiệu “lương y kiêm từ mẫu”; một thày giáo giữ được chuẩn mực trong quan hệ thày trò, phải trở thành tấm gương cho giới trẻ… chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp còn vượt lên trên cả những gì gọi là trách nhiệm công vụ, là sự thôi thúc bên trong mà mỗi công chức trên cương vị công tác của mình phải tự vượt lên để thể hiện sự liêm chính. Họ không chỉ giữ gìn cho bản thân họ mà phải hiểu rằng mỗi cử chỉ, hành vi hay thái độ của mình là hình ảnh của cả một nền công vụ đầy trách nhiệm trước nhân dân… mà họ có trách nhiệm phải giữ gìn như con ngươi của đôi mắt mình…
Ts. Đinh Văn Minh
(Thanh tra Chính phủ)

 

;
.