Xác định phạm vi bí mật Nhà nước để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân

Thứ Năm, 16/11/2017, 16:51 [GMT+7]
    Quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân được quy định tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013. Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan và đây được coi là một trong những phương thức để nhân dân tham gia quản lý nhà nước nhằm thực hiện chế độ dân chủ được Đảng và Nhà nước đặt ra trong hoạt động của bộ máy nhà nước.
 
    Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân đã được quy định một cách khá đầy đủ, chi tiết trong Luật tiếp cận thông tin năm 2016 (Điều 34, Điều 35). Tuy nhiên, Luật tiếp cận thông tin cũng quy định quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng trong đó có quyền tiếp cận thông tin (Khoản 2, Điều 14); đồng thời, xác định rõ thông tin thuộc bí mật nhà nước bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật thì công dân không được tiếp cận (Khoản 1, Điều 6).
 
    Chính vì vậy, bảo vệ bí mật nhà nước và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân thường có sự xung đột, kể cả trong các quy định của pháp luật và trong thực tiễn áp dụng, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nhiều nước trên thế giới. Việc mở rộng phạm vi bí mật nhà nước (BMNN), không những làm yếu đi khả năng bảo vệ các thông tin đó, mà còn hạn chế quyền tiếp cận thông tin - quyền cơ bản của công dân; ngược lại, nếu mở rộng theo hướng tự do tiếp cận thông tin sẽ dẫn đến lộ, lọt, mất BMNN và có thể gây ra những thiệt hại cho lợi ích quốc gia. Vì vậy, việc xác định đúng phạm vi BMNN và phạm vi thông tin được công khai là rất quan trọng. Nếu làm được điều đó, sẽ tạo lập được sự cân bằng đúng mức giữa quyền được tiếp cận thông tin và quyền được bí mật thông tin. 
 
    Theo thống kê từ năm 2001 đến nay, tình hình lộ, lọt BMNN thời gian qua diễn biến phức tạp, đã phát hiện hơn 844 vụ lộ, lọt BMNN; trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo(1). Một trong những nguyên nhân của tình hình trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ BMNN chưa được đồng bộ, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình áp dụng Pháp lệnh bảo vệ BMNN năm 2000, cụ thể:
 
    Một là, khái niệm BMNN quy định trong Pháp lệnh năm 2000 còn chung chung; quy định theo phương pháp định tính dẫn đến việc xác định phạm vi BMNN cụ thể theo từng độ mật quá rộng, gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ BMNN.
 
    Hai là, một số nội dung của công tác bảo vệ BMNN đã được quy định trong Pháp lệnh năm 2000, nhưng chưa cụ thể, đầy đủ như: Trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ BMNN; in, sao, chụp, truyền nhận, tiêu hủy BMNN... dẫn đến việc thực hiện không thống nhất.
 
    Ba là, Pháp lệnh năm 2000 chưa quy định về thay đổi độ mật BMNN (giải mật, giảm mật, tăng mật). Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20-7-2015 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn một số điều của Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28-3-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ BMNN có quy định về thay đổi độ mật, nhưng chưa quy định về thời hạn giải mật BMNN, chỉ giao thẩm quyền quyết định giải mật cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương nên không khả thi, khó thực hiện.
 
    Bốn là, Pháp lệnh năm 2000 chưa có quy định cụ thể về bảo vệ BMNN trên lĩnh vực thông tin và truyền thông; sở hữu trí tuệ... trong khi đó, các vụ thông tin có nội dung BMNN trên Internet, báo chí, xuất bản, hội thảo quốc tế... có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.
 
    Năm là, theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; việc hạn chế tiếp cận thông tin liên quan đến BMNN sẽ phải được quy định bằng hình thức luật. Ngoài ra, việc ban hành dự án Luật thay thế Pháp lệnh hiện hành để bảo đảm đồng bộ và tương thích với Luật an toàn thông tin mạng, Luật tiếp cận thông tin.
 
    Sáu là, chưa có quy định về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy, biên chế làm công tác bảo vệ BMNN ở các bộ, ban, ngành, địa phương, dẫn đến việc triển khai không đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả bảo vệ BMNN không cao.
 
    Để bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, hiệu lực và hiệu quả cho việc tổ chức và thực hiện công tác bảo vệ BMNN, việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ BMNN nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trong thời gian tới cần phải đáp ứng các yêu cầu sau:
 
    Thứ nhất, cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa bảo vệ BMNN với bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; bảo vệ BMNN là một trong những nội dung quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, liên quan đến sự ổn định và phát triển bền vững của Tổ quốc. Đồng thời, cần phải thấy rằng việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân cũng là vấn đề mang tính nguyên tắc đã được Hiến pháp và luật quy định. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là người làm chủ mọi mặt của đất nước; quyền con người, quyền công dân ngày càng được đề cao và ở vị trí trung tâm của mọi chính sách phát triển; nhu cầu thông tin của công dân ngày càng gia tăng, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
 
    Thứ hai, cần quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”; cần ưu tiên hoàn thiện các luật về quyền con người. Việc ban hành Luật tiếp cận thông tin trong đó có quy định về trường hợp hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân (với thông tin thuộc bí mật nhà nước) chính là một nội dung để thực hiện quy định của Hiến pháp. Sớm ban hành Luật bảo vệ bí mật nhà nước (thay thế Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000) để quy định về BMNN và thông tin thuộc phạm vi BMNN sẽ không được tiết lộ, không được cung cấp cho người không có trách nhiệm. 
 
    Thứ ba, cần xác định phạm vi BMNN phù hợp, bảo đảm vừa bảo vệ được các thông tin bí mật quan trọng; vừa thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Khi xác định phạm vi BMNN cần tránh hai khuynh hướng: 
 
    (1) Xác định phạm vi BMNN tràn lan, quá rộng, không phải là BMNN cũng cho là bí mật và đóng dấu mật... Điều này sẽ dẫn đến tình trạng BMNN quá nhiều, quá rộng không bảo vệ được hết; lộ, lọt, mất BMNN xảy ra nhiều mà không xử lý được hết làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Mặt khác, xác định như vậy sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân, hạn chế việc mở rộng dân chủ, nhân quyền và có thể lợi dụng BMNN để che dấu hành vi vi phạm pháp luật.
 
    (2) Xác định phạm vi BMNN quá hẹp, quá cứng nhắc, dẫn đến sót, lọt những bí mật quan trọng cần phải bảo vệ; nếu mở rộng quyền tiếp cận thông tin theo hướng hoàn toàn tự do tiếp cận thông tin sẽ dễ dẫn đến lộ, lọt, mất BMNN, là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thu thập BMNN và có thể gây ra những thiệt hại cho lợi ích quốc gia.
 
    (Tham khảo Trung tâm nghiên cứu khoa học lập pháp, Chuyên đề nghiên cứu: Xác định bí mật nhà nước và bảo vệ bí mật nhà nước để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước, Hà Nội, tháng 10/2017).
(1) Bộ Công an – Tờ trình dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước, trang 2.
Nguyễn Mai Trang
(Ban Nội chính Trung ương)
;
.