Chế độ dưỡng liêm trong lịch sử Việt Nam

Thứ Tư, 15/11/2017, 14:07 [GMT+7]
    Dưỡng liêm là một khái niệm có nguồn gốc lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ chế độ “bổng dưỡng liêm” có từ thời Lý, trải qua các triều đại tiếp theo trong lịch sử với những biến thể như chế độ lộc điền, huệ lộc, dân lộc… thời Hậu Lê hay tiền, gạo dưỡng liêm dưới thời Nguyễn với mục đích nuôi dưỡng sự liêm chính, thanh liêm của giới quan lại, ngăn ngừa nạn tham nhũng.
 
    Trong phạm vi bài viết này chúng tôi nghiên cứu chế độ dưỡng liêm được thực hiện trong lịch sử Việt Nam bởi các triều đại phong kiến như là một bài học quý giá của cha ông trong việc ngăn ngừa nạn tham nhũng, gắn liền với công cuộc xây dựng chính phủ liêm chính, chế độ công vụ liêm chính và cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay.
 
    I. Khái niệm dưỡng liêm
 
    Để hiểu được Dưỡng liêm trước hết cần hiểu khái niệm Liêm chính. Về mặt từ nguyên, liêm chính là một từ Hán Việt. Liêm (廉) có nghĩa là trong sạch, không tham của cải. Chính (正) có nghĩa là ngay thẳng. Liêm chính (廉正) có nghĩa là ngay thẳng và trong sạch. Từ điển Tiếng Việt giải thích: “Liêm” là “không tham lam, trong sạch”(1), “Chính” là “ ngay thẳng, đúng đắn, trái với tà”(2), “liêm chính” là “trong sạch và ngay thẳng”(3).
 
    Trong tiếng Anh, liêm chính (Integrity) cũng có nghĩa là phẩm chất trung thực, ngay thẳng.
 
    Như vậy, về mặt từ nguyên Liêm chính tức là sự ngay thẳng, trung thực, trong sạch, là một phẩm chất cao quý của con người.
 
    Dưới góc độ pháp lý và xã hội: Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cũng đưa ra khái niệm liêm chính, theo đó liêm chính là “hành vi và hành động, phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức và luân lý được các cá nhân cũng như các tổ chức chấp nhận…, tạo ra rào cản đối với tham nhũng”(4).
 
    Hai học giả nổi tiếng Michael Jensen và Werner Erhard quan niệm liêm chính là thuộc tính của môi trường ứng xử được tạo nên bởi các yếu tố, bao gồm: Chuẩn mực đạo đức, đạo lý và các quy phạm pháp luật. Môi trường này mang tính tổng thể, toàn vẹn, hoàn hảo, không thể bị phá vỡ và giúp tạo ra những giá trị mới hoặc lợi ích cho các bên liên quan.
 
    Từ những quan niệm trên có thể hiểu một cách chung nhất về liêm chính là các hành vi ứng xử hoặc hoạt động của các cá nhân, tổ chức có liên quan dựa trên chuẩn mực đạo đức và tuân thủ pháp luật, bảo đảm sự trung thực, ngay thẳng và không vụ lợi.
 
    Đặt trong phạm vi hoạt động công vụ có thể hiểu liêm chính trong hoạt động công vụ là các hành vi ứng xử hoặc hoạt động của các cá nhân, tổ chức có liên quan dựa trên chuẩn mực đức và tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ,  bảo đảm sự trung thực, ngay thẳng và không vụ lợi.
 
    Hệ thống các quy định pháp luật và chuẩn mực đạo đức đó bao gồm sự trừng phạt, lên án đối với các hành vi, hành động đi ngược với liêm chính nhưng cũng bao gồm cả những chính sách, quy định nhằm khuyến khích, bảo đảm, ngợi khen sự thực hành liêm chính (dưỡng liêm).
 
    Từ những phân tích trên có thể hiểu chế độ dưỡng liêm thực chất là chế độ để nuôi dưỡng sự liêm chính, hay diễn giải một cách chi tiết thì Dưỡng liêm là một chính sách của nhà nước bao gồm những lợi ích về vật chất và phi vật chất đáp ứng nhu cầu cuộc sống của những người hoạt động trong bộ máy nhà nước một cách đầy đủ nhằm bảo đảm, khuyến khích họ giữ gìn phẩm chất trong sạch, ngay thẳng và không vụ lợi khi thực hiện công vụ.
 
    II. Chế độ dưỡng liêm trong lịch sử Việt Nam
 
    Trong lịch sử chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều những bài học về quản trị nhà nước bằng chế độ dưỡng liêm nhằm ngăn ngừa nạn tham nhũng của quan chức. Chế độ dưỡng liêm đã được thực thi từ rất lâu, ngay từ những ngày đầu xây dựng nền độc lập của quốc gia sau một ngàn năm Bắc thuộc. Vào thời Lý, Vua Lý Thánh Tông đã đặt ra “bổng dưỡng liêm” để cấp cho các quan chức trông coi việc hình pháp, xét xử, giam giữ… nhằm nuôi dưỡng đức tính liêm khiết, trong sạch của quan lại trong bộ máy tư pháp, ngăn chặn nạn hối lộ trong hoạt động chấp pháp. Trong Đại Nam quốc sử diễn ca có ghi lại việc này như sau:
 
    “Ân riêng mưa móc đượm nhuần
    Đã tiền lại lúa ân cần dưỡng liêm”
 
    Trong phạm vi của bài viết chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu chính sách của 2 triều đại nổi bật nhất là nhà Hậu Lê mà tiêu biểu là thời Lê Thánh Tông và nhà Nguyễn.
 
    1. Chế độ khuyến khích sự thanh liêm, liêm chính của quan lại thời hậu Lê
 
    Một là, đề cao quan lại liêm khiết
Sự đề cao đó thể hiện ở việc đưa ra các tiêu chí ưu tiên sự liêm khiết, ngay thẳng trong việc lựa chọn, thăng chức quan lại.
 
    + Ưu đãi trong việc cất nhắc bổ nhiệm chức vụ mới: Thông qua các biện pháp khảo hạch, thanh tra, giám sát cũng như lấy tín nhiệm trong dư luận về quan lại, về những việc họ đã làm nếu vị quan nào có tài đức, chính trực thì lựa chọn, cất nhắc lên những chức vụ cao hơn để tỏ rõ sự khuyến khích người tài năng, liêm khiết. Vua Lê Thánh Tông đã ra sắc lệnh: “Từ nay, Cấp sự trung trong Lục khoa và Giám sát ngự sử nếu có khuyết ngạch thì bộ Lại chọn các quan trong kinh sư, ngoài các đạo... là người liêm khiết, cần mẫn, cứng rắn, ngay thẳng, có thành tích về chính trị, thì cất nhắc lựa bổ”(5).
 
    + Ưu đãi trong luân chuyển quan chức: Đối với các chức quan ở miền biên viễn, nếu là quan thanh liêm, không nhũng nhiễu dân chúng, hoàn thành tốt chức trách thì được thuyên chuyển về nơi tốt hơn: “Phàm các quan viên giữ việc nơi biên viễn, làm chướng, người nào hết lòng vỗ về thương yêu nhân dân, không nhũng nhiễu về việc thúc giục tô thuế mà thuế vẫn đủ số, thì khi mãn hạn 6 năm chuẩn cho được đổi về chỗ thủy thổ lành”(6).
 
    Tuy nhiên, sự liêm khiết đó cũng cần phải có một “quy trình” để kiểm tra, thử thách. Những viên quan dù đã được đề cử vào chức vụ mới do sự liêm khiết mà có vẫn buộc phải thử việc một năm, sau đó nếu xứng đáng với chức vụ mới thì mới chắc chắn được bổ nhiệm.
 
    + Khen thưởng quan lại liêm khiết: Các quan lại liêm khiết không chỉ được nhà Vua ban cho các chức vụ xứng đáng với tài năng, đức độ đi liền nhiều bổng lộc mà còn được nhà Vua khen thưởng cho sự thanh liêm của mình. Sử sách còn lưu trường hợp Ngự sử quan Nguyễn Thiện đã được Lê Thánh Tông khen thưởng do hết lòng việc nước, ngay thẳng không bợ đỡ, không nao núng trước uy quyền để cầu lợi.
 
    Hay như một trường hợp khác là Nguyễn Phục do hay nói lời ngay thẳng mà được thăng làm Tham chính Thanh Hóa và thưởng nhiều vàng bạc.
 
    + Cơ chế bảo cử, tiến cử người tài đức, thanh liêm: Dưới thời Lê Thánh Tông việc lựa chọn quan lại bên cạnh chế độ khoa cử còn đặt thêm lệ bảo cử và tiến cử. Theo đó bảo cử hoặc tiến cử là việc “lấy người tài đức hơn hẳn mà không cứ thân phận, hai là bảo cử thì lấy người danh vọng rõ rệt mà phải theo tư cách”(7).
 
    Tuy nhiên, để tránh lạm dụng việc bảo cử, tiến cử triều đình đặt ra nguyên tắc người tiến cử, bảo cử phải chịu trách nhiệm về người mà mình tiến cử hay bảo cử. Nếu tiến cử, bảo cử đúng thì được trọng thưởng, nếu sai sẽ bị trừng phạt. Có thể nói đây là những quy định chặt chẽ gắn kết giữa người đứng ra bảo cử, tiến cử nên giúp tìm được những người tài đức và hạn chế được những người bất tài vào đội ngũ quan lại phục vụ triều đình. Khi người đứng ra bảo cử, tiến cử làm tròn chức phận, tuân theo những quy tắc thì sẽ giúp triều đình lựa chọn được những quan lại tài đức, hạn chế quan lại bất tài vô đức lọt vào bộ máy, qua đó góp phần ngăn ngừa tham ô, tham nhũng. Điều này đúng như sử gia Phan Huy Chú đã đánh giá, dưới thời Hồng Đức việc bảo cử và tiến cử “làm thận trọng mà trừng phạt lại nghiêm nên không ai dám bảo cử thiên tư, các chức đều xứng đáng, rốt cùng thu được hiệu quả là chọn được người”(8).
 
    Trong lịch sử thời Lê Thánh Tông từng ghi nhận nhiều trường hợp bị phạt, bãi bỏ do tiến cử, bảo cử không đúng.
 
    Đặc biệt đối với những chức vụ quan trọng, nhạy cảm trong triều đình thì chính quyền thời Vua Lê Thánh Tông càng đề cao việc bảo đảm cho cá nhân khi bảo cử và tiến cử.
 
    Hai là, có chế độ lương bổng, đãi ngộ xứng đáng/chế độ dưỡng liêm
 
    Nếu như ngày nay chúng ta thường nói đến Singapore như một ví dụ điển hình trong phòng, chống tham nhũng ở chính sách đối với cán bộ của họ tương xứng đến mức làm cho quan chức “không cần tham nhũng/không muốn tham nhũng” thì cách đây 5 thế kỷ Vua Lê Thánh Tông đã nhận thức và thực hiện điều này. Ngài đặt ra chế độ lương bổng hợp lý để dưỡng người tài đức, bởi lẽ  “Người làm quan có đầy đủ thì mới bắt đầu làm điều thiện” và triều đình “có gia ơn cho người làm quan thì người làm quan mới gia ơn cho dân”; đặt quan để làm việc “tất phải có lương bổng để nuôi, rồi sau mới bắt phải thanh liêm được”(9).
 
    Năm 1473, Vua Lê Thánh Tông định chế độ bổng lộc cho quan lại trong kinh, ngoài trấn. Theo đó, việc phân cấp bổng lộc được thực hiện dựa theo nguyên tắc: “Những nơi ít việc và nơi rất ít việc, những chức thong thả và những chức rất thong thả tiền bổng có khác nhau”(10). Đối với các quan cùng phẩm hàm nhưng giữ các trọng trách ở địa phương số tiền lương cũng không có sự khác biệt so với các quan trong triều nhằm khuyến khích các quan làm việc ở lộ, phủ và để quan lại không vì lương bổng quá thấp so với quan trong kinh mà sinh ra vơ vét của dân, sinh ra nhũng lạm.
 
    Ngoài lương bổng, để tăng nguồn thu cho quan lại, Vua Lê Thánh Tông còn ban cấp cho quan lại nhiều loại lộc như: Lộc điền, huệ lộc, dân lộc... và việc ban cấp này rất hậu. Việc phân cấp bổng lộc đã “cân nhắc được người khó nhọc, người tài năng mà quyết định được bổng lộc cho đích đáng. Phép tắc, thể lệ thật là đầy đủ”(11). Có thể nói chính việc có các chính sách, cơ chễ đãi ngộ theo cách gọi ngày nay, dành cho quan lại như vậy, Vua Lê Thánh Tông đã tạo ra sự khuyến khích người làm quan “yên tâm công tác”, công tâm hết lòng vì công việc, từ đó mà phần nào giảm bớt tệ tham ô, tham nhũng trong giới quan trường.
 
    2. Giáo dục đức liêm thời nhà Nguyễn
 
    Nhà Nguyễn đặc biệt chú trọng về giáo dục đức Liêm cho đội ngũ quan lại bên cạnh những quy định nghiêm khắc của pháp luật. Đây được coi là giải pháp nền tảng, cơ chế kiểm soát từ bên trong từ ý thức, sự giác ngộ và hiểu biết của bản thân mỗi quan chức nhằm ngăn ngừa sự tham nhũng. Cụ thể:
 
    Một là, chú trọng giáo hóa tư tưởng thanh liêm cho quan lại
 
    Dưới thời Nguyễn, Nho giáo là tư tưởng chính thống, đội ngũ quan lại đều thấm nhuần học thuyết Nho giáo. Trong Nho giáo tư tưởng về bậc chính nhân quân tử, những người có thể đứng ra làm quan giúp vua cai quản đất nước đặc biệt đề cao chữ Liêm, đức Liêm. Chữ Liêm thành “Lục kế” mà người làm quan phải thi hành. Đó là Liêm thiện (Thanh liêm và lương thiện), Liêm năng (Thanh liêm và năng động), Liêm kính (Thanh liêm và kính cẩn), Liêm chính (Thanh liêm và chân chính), Liêm pháp (Thanh liêm và pháp độ), Liêm biện (Thanh liêm và biết cách tổ chức).
 
    Thời Nguyễn rất chú trọng việc giáo hóa đạo đức cho quan lại, thường xuyên dạy bảo về sự liêm khiết, trong sạch cho giới quan trường. Năm 1827, nhà vua viết cáo dụ: “Trẫm nửa đêm nghĩ ngợi, rất tức giận, muốn sửa chữa một phen để trừ tệ hại lâu ngày, nhưng còn nghĩ chính trị của vương giả là trước giáo hóa mà sau hình phạt, cho nên dạy bảo cặn kẽ, nói không ngại phiền. Quan lớn nhỏ cùng nhân dân trong thành hạt các ngươi giữ đạo thương yêu, đức tốt, sẵn có lương tâm, tự nay nên rửa lòng đổi lỗi để cho người trên giữ phép, người dưới thanh liêm, yên dân giặc tắt, từ đây đổi thói bạc thành thuần hậu, để cùng hưởng phúc thăng bình”(12).
 
    Hai là, tinh thần nêu gương đức thanh liêm
 
    Ngoài việc giáo dục đức thanh liêm cho người làm quan thì ngay cả người đứng đầu nhà nước cũng phải là tấm gương sáng. Minh Mạng, một ông vua hết sức chú ý đến hành xử và lối sống của mình để khuyên răn quan lại. Trong tiêu dùng cá nhân, ông luôn nhắc nhở không được lạm dụng của công bởi đó là tiền bạc, công sức của dân “không phải thiên hạ đóng góp để cung phụng một người”. Ông đã nói với Kiến An  - người con cả sau này có thể nối nghiệp rằng: “Bổng lộc của ngươi là dầu mỡ của dân. Ngươi nên nghĩ cách kiệm ước để nối nghiệp nhà, cẩn thận chớ có xa xỉ mà làm hại đức tính”.
 
    Ba là, chế độ đãi ngộ để dưỡng liêm
 
    Về chế độ đãi ngộ quan lại, ngoài những ưu đãi về tinh thần và vật chất mà quan lại trong nhà nước phong kiến được thụ hưởng, các vua thời Nguyễn còn quy định một khoản cấp thêm ngoài lương bổng để nuôi lòng liêm khiết của quan lại, còn gọi là tiền dưỡng liêm. Lúc đầu khoản tiền này chỉ để dành cho quan lại đứng đầu cấp phủ, huyện như Tri phủ, Tri huyện, bởi theo quan điểm của Vua Gia Long thì “Phủ, huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng việc nhiều, ngoài bổng chính ra, cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm để tỏ đặc cách”(13). Sau này dưới thời Vua Minh Mạng đối tượng được hưởng khoản tiền dưỡng liêm này được mở rộng hơn, ngoài Tri phủ, Tri huyện thì các quan giữ chức Tri Châu, Đồng tri phủ cũng được cấp loại tiền này, vì theo Vua Minh Mạng thì “tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch”. Đặc biệt, dưới thời Vua Tự Đức, tiền dưỡng liêm còn được cấp cho các phái viên thu thuế quan. Chế độ tiền dưỡng liêm chỉ được áp dụng cho các quan lại các cấp ở địa phương, quan chức thuộc bộ máy Trung ương ở kinh thành đều không nằm trong chế độ ưu đãi này.
 
    III. Kết luận
 
    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng xảy ra ở ở mức độ nghiêm trọng như hiện nay là do đời sống của cán bộ, công chức, viên chức không đảm bảo(14). Mức lương và các khoản phụ cấp hàng tháng mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu cuộc sống cơ bản(15). Trong một nghiên cứu ở Hong Kong, Ấn Độ và Indonesia, giáo sư Leslie Palmier (Đại học Bath, Anh quốc) xác định một trong ba yếu tố chính tạo nên tham nhũng chính là chế độ lương bổng. Khi lương của nhân viên quá thấp, họ dễ dàng dùng vị trí của mình để nhận hối lộ(16). Singapore được đánh giá là nước có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới bởi bên cạnh một hệ thống pháp luật nghiêm minh thì Singapore còn thực hiện “chính sách dưỡng liêm”, trả lương và đãi ngộ để cán bộ không muốn tham nhũng. Xuất phát từ nhận thức “Singapore chỉ giữ được sự trong sạch và lương thiện khi trả một mức lương tương xứng với những gì mà một người có khả năng và liêm chính có thể được hưởng khi đang điều hành một công ty lớn hay đang làm những công việc có tính chuyên môn khác”(17); chính vì vậy Singapore đã đảm bảo một mức lương thỏa đáng đối với các công chức nhà nước. Singapore đã tạo ra sự yên tâm cho cán bộ trong bộ máy nhà nước, hạn chế tham nhũng, đồng thời tạo đà cho cán bộ nhà nước dành hết tâm sức cho việc quản lý, phục vụ nhân dân. Hiện nay, Thủ tướng, các Bộ trưởng, cán bộ cấp cao, nhân viên Chính phủ Singapore được hưởng mức lương vào hạng cao nhất thế giới, so với những người cùng cấp bậc ở các nước khác.
 
    Nhìn vào lịch sử và thực tế Việt Nam hiện nay có thể thấy, vấn đề dưỡng liêm không phải là mới, nhưng cần được quan tâm và thực hiện, nhằm bảo vệ, đề cao sự liêm khiết, ngăn chặn tệ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy công quyền. Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao mức sống cho cán bộ, tạo điều kiện để họ dưỡng liêm, vượt qua cám dỗ, tiêu cực là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, dưỡng liêm cho cán bộ không hẳn chỉ là những lợi ích vật chất mà còn cần chú trọng đến những lợi ích phi vật chất khác như sự trọng dụng nhân tài trong việc cất nhắc, sử dụng cán bộ và chú trọng đến cả sự rèn luyện để có đạo đức trong sạch, xứng đáng là “công bộc” của dân.
(1) Đại Từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý (chủ biên), NXB Văn hóa – Thông tin, 1999, tr.1018
(2) Đại Từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý (chủ biên), NXB Văn hóa – Thông tin, 1999, tr.367
(3) Đại Từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý (chủ biên), NXB Văn hóa – Thông tin, 1999, tr. 1018
(4) Tài liệu hướng dẫn Ngôn ngữ đơn giản của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, 2009. (Dẫn theo Báo cáo “Liêm chính trong thanh niên Việt Nam: Khảo sát thí điểm của tổ chức Minh bạch quốc tế” năm 2014)
(5) Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển thứ XXIV.
(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.1.031
(7) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Phần Quan chức chí, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.689.
(8) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Phần Quan chức chí, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.690.
(9) Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Phần quan chức chí, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.642, 643.
(10) Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Phần quan chức chí, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.644.
(11) Quốc sử quán triều Nguyễn - Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.1.095.
(12) Đại nam thực lục, t2; tr 457.
(13) “Quốc sử quán triều Nguyễn”. Đại Nam thực lục, tập IV. Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1963, tr. 341-342
(14) Lương không đủ sống nên công chức dễ nảy sinh tham nhũng. Xem: http://thanhnien.vn/doi-song/luong-khong-du-song-nen-cong-chuc-de-nay-sinh-tham-o-tham-nhung-754373.html
(15) Lương công chức chỉ đủ sống… 50%. Xem: http://thanhnien.vn/doi-song/luong-cong-chuc-chi-du-song-50-754532.html
(16) 6 bài học tham nhũng từ Singapore. Xem: http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20060323/sau-bai-hoc-chong-tham-nhung-tu-Singapore/128905.html
(17) Lý Quang Diệu (2001), Bí quyết hóa rồng: Lịch sử Singapore 1965 - 2000, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr.170.
 ThS. Vũ Đức Hoan
(Viện Khoa học Thanh tra)
;
.