Sự cần thiết phải ban hành Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ Sáu, 15/09/2017, 15:25 [GMT+7]

Sau hơn 30 năm đổi mới, nhất là từ khi có Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị (Khóa VI) về một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) về công tác dân tộc, tình hình vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã có bước chuyển biến quan trọng.

Nền kinh tế nhiều thành phần ở miền núi và các vùng dân tộc từng bước hình thành và phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chuyển dịch theo hướng tích cực. Các chính sách, chương trình, dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả to lớn. Giáo dục phát triển, mặt bằng dân trí được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe có bước chuyển biến căn bản...

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo về phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo về phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Tuy nhiên, vùng DTTS và miền núi vẫn còn rất nhiều khó khăn. Qua kết quả điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 cho thấy: 65 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; gần 1500 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia; 80.096 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở; 221.754 hộ thiếu đất sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 23,1%, cận nghèo chiếm 13,6%, cao gấp 4 lần so với mức bình quân chung của cả nước; cá biệt có nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, thậm chí 70%. Một bộ phận đồng bào vẫn còn thiếu đói; chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số rất thấp, đa số chưa qua đào tạo. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết chữ phổ thông là 20,8%, có 6 dân tộc trên 50%. Tỷ lệ tảo hôn DTTS chiếm 26,6%. Văn hóa của một số dân tộc có nguy cơ bị mai một. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS trong hệ thống chính trị có chiều hướng giảm. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn còn thiếu cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh và cán bộ y tế. Tình trạng vượt biên trái phép, lừa gạt mua bán phụ nữ, trẻ em, buôn lậu hàng hóa, buôn bán ma túy khối lượng lớn, chặt phá rừng trái phép, di cư không theo kế hoạch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp...

Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật đề cập đến chính sách dân tộc, chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi (70 luật gồm 206 điều, khoản và 200 văn bản dưới luật). Hệ thống văn bản pháp luật này đã thể chế hóa một phần quan điểm của Đảng, Nhà nước về chăm lo, đầu tư phát triển về mọi mặt cho đồng bào DTTS, góp phần bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc và tăng cường sự hợp tác, giúp đỡ giữa các dân tộc.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có luật chuyên ngành điều chỉnh tổng thể, toàn diện chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các luật hiện hành chưa quy định rõ các chính sách dân tộc và chưa có cơ chế, biện pháp bảo đảm thực hiện một cách có hiệu quả các chính sách dân tộc. Thiếu cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái, kết nối sản phẩm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi với thị trường. Các văn bản dưới luật tuy linh hoạt trong điều chỉnh chính sách hỗ trợ nhưng tính ổn định không cao hiệu lực pháp lý thấp, thường tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt, cấp bách, mang tính tình huống; mặt khác, do nhiều chủ thể ban hành nên nhiều quy định thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo, triệt tiêu hiệu lực của nhau. Việc thực hiện các chính sách còn rời rạc, bị chia cắt, manh mún, có tính nhiệm kỳ, cơ chế phối hợp chưa rõ ràng; nguồn lực tài chính chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 14-8-2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại Hội nghị lần thứ 7 về công tác dân tộc; Nghị quyết số 48- NQ/TW ngày 26-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã chủ trương "Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân tộc, tôn giáo theo hướng tăng cường đoàn kết đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên cơ sở đại đoàn kết toàn dân tộc. Thể chế hóa toàn diện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, cùng phát triển của cộng đồng các dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc...". Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định "Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên...".

Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 quy định về chính sách dân tộc (Điều 5, Điều 42, Điều 58, Điều 61, khoản 5 Điều 70), về quyền con người, quyền công dân (Điều 16, 34, 37, 38, 40, 41) trên tinh thần bảo đảm quyền bình đẳng trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ hiến định của đối tượng cần được hỗ trợ, trong đó có người dân tộc thiểu số, trong mối tương quan với các đối tượng khác trong xã hội, nhằm hỗ trợ các dân tộc sinh sống ở những vùng, khu vực khó khăn, thu hẹp khoảng cách với các vùng phát triển.

Mặt khác, trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến khó lường về xung đột sắc tộc, tôn giáo, việc nội luật hóa và bảo đảm thực hiện nghiêm túc các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực dân tộc mà Việt Nam là thành viên (Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, các điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề dân tộc trong khuôn khổ các nước ASEAN...); việc thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của quốc tế về lĩnh vực dân tộc mà Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện thiện chí và sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ta trong thực hiện pháp luật quốc tế về bảo đảm quyền con người, quyền công dân và đối thoại nhân quyền của Việt Nam.

Tham khảo kinh nghiệm thế giới cho thấy, một số quốc gia dân tộc đã ban hành Luật về lĩnh vực dân tộc, trong đó đều ghi nhận những quyền của người thuộc DTTS trên cơ sở các quyền và tự do cơ bản của chế định nhân quyền quốc tế, ghi nhận nguyên tắc bình đẳng, chống phân biệt đối xử, và trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo việc thực thi các quyền này đối với người, cộng đồng DTTS. Tình hình dân tộc ở các quốc gia này cơ bản có sự ổn định, các dân tộc đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Với những lý do trên, cần thiết phải ban hành dự thảo Luật hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi, thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu giảm nghèo, phát triển bền vững.

Nguyễn Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.