Nhận dạng một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến"' "tự chuyển hóa" trong nhận thức và học tập lý luận chính trị hiện nay

Thứ Ba, 31/01/2017, 19:26 [GMT+7]
Vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được Đảng ta thường xuyên quan tâm và có những biện pháp phòng, chống, đấu tranh trong mỗi giai đoạn nhằm làm trong sạch Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, vấn đề này có ở tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, trong những giai đoạn, với phạm vi và mức độ khác nhau. Trong lĩnh vực học tập lý luận chính trị, một lĩnh vực với chức năng nhiệm vụ bồi đắp lý tưởng cách mạng, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, được coi là biện pháp hữu hiệu với tư cách là “xây” để “chống” , cũng đã xuất hiện những biểu hiện của suy thoái, “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây là biểu hiện thứ 3 trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đề cập.
 
    Từ khi đất nước tiến hành đổi mới đến nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, từ lãnh đạo cao cấp nhất đến lãnh đạo cơ sở, đồng thời, đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ kế cận của Đảng là thanh niên, sinh viên và học sinh. Đảng ta đã ban hành văn bản quy định về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, quy định về xác định trình độ lý luận chính trị và nhiều văn bản khác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; các học viện khu vực; hệ thống trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; các trường đại học, cao đẳng, … có những đổi mới về nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên. Hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị luôn được đổi mới, cập nhật ngày càng đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Trong 30 năm đổi mới, đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, rèn luyện đạo đức lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, một số cán bộ, đảng viên có nhận thức lệch lạc, chưa coi trọng việc học tập, rèn luyện nên chất lượng chính trị thấp, một bộ phận có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
 
    Qua một số kỳ Đại hội của Đảng gần đây đã khẳng định điều đó, như Đảng ta đã đưa ra 4 nguy cơ trong Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, trong đó nhấn mạnh tới nguy cơ “diễn biến hòa bình”. Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII năm 1996 đưa ra nhiệm vụ phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên, trong đó nhấn mạnh: “… Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, cũng là biểu hiện của sự thoái hóa”. Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX năm 2001: Toàn Đảng nghiêm túc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Các cấp ủy và chi bộ tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra đảng viên học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức lãnh đạo quản lý và công tác vận động nhân dân, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu. Xây dựng, chỉnh đốn hệ thống các học viện, trường và trung tâm chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước hết đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp; chống các biểu hiện tiêu cực trong giảng dạy và học tập. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) cho rằng, cần: Thực hiện nghiêm túc các quy định đánh giá kết quả học tập; gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với việc bố trí, sử dụng cán bộ. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) năm 2007 “về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” đánh giá hạn chế, khuyết điểm, đó là: “... Chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, những quan điểm mơ hồ, sai trái; thiếu quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống”. Đại hội XI của Đảng đánh giá: Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng có đổi mới. Coi trọng hơn nhiệm vụ xây dựng đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên: “Tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng còn hạn chế; thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”.
 
    Đại hội XI cũng tập trung nhấn mạnh những hạn chế yếu kém của công tác xây dựng Đảng, trong đó có nguyên nhân từ hạn chế của công tác giáo dục lý luận chính trị dẫn đến sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã ban hành Kế hoạch xây dựng chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho các đối tượng từ đảng viên cao cấp tới đảng viên thường.
 
    Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng… Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã thảo luận và đưa ra biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị trong nhận thức và học tập lý luận chính trị là: Nhận thức không đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, xem thường lý luận, lười học chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng.
 
 
    Trong lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị, tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những biểu hiện chủ yếu sau đây:
 
    1. Biểu hiện ở mục đích, động cơ, thái độ trong học tập lý luận chính trị
 
    Một là, quan niệm cho rằng cán bộ chỉ cần giỏi chuyên môn, coi nhẹ học lý luận chính trị. Trong hệ thống giáo dục quốc dân, biểu hiện này xuất hiện ở một bộ phận học sinh, sinh viên, kể cả một bộ phận quản lý giáo dục có thái độ coi nhẹ việc học những môn giáo dục công dân, các môn khoa học xã hội và nhân văn. Trong hệ thống cán bộ, công chức, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện ngại học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, không am hiểu thực tiễn; ngại học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.  
 
    Hai là, biểu hiện sai lệch về động cơ vào Đảng. Một bộ phận thanh niên bị sai lệch về mục đích phấn đấu trở thành đảng viên, vào đảng để có việc làm, để được phát triển lên vị trí này, vị trí khác, nên học tập lý luận chính trị qua loa, cốt lấy chứng nhận đã học qua chương trình đối tượng Đảng, chương trình lớp đảng viên mới.
 
    Ba là, học lý luận chính trị để trang trí, hoàn thiện điều kiện cho mục đích khác. Một bộ phận cán bộ, đảng viên học tập lý luận chính trị cốt lấy chứng nhận trình độ lý luận chính trị để thi nâng ngạch lương, quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ. Số khác cho rằng, đã đầy đủ văn bằng, chứng chỉ điều kiện thì không tự học, tự bồi dưỡng, tự đào tạo rèn luyện nên trình độ lý luận chính trị ngày càng mai một, lạc hậu so với yêu cầu của thực tiễn.
 
    Bốn là, trong học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, một số cán bộ, đảng viên, chưa coi trọng việc nghiên cứu sâu, học qua loa, đại khái, “học cho xong”, nên trong quá trình chỉ đạo triển khai, trực tiếp triển khai  nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng khó vào thực tiễn hoặc bị sai lệch trong thực tế.
 
    Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh ở một số nơi hiệu quả chưa như mong muốn, vẫn còn hình thức, nhất là khâu làm theo. Thực tế này do hạn chế trước hết ở khâu nhận thức, không thấy rõ ý nghĩa sâu sắc, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, không nghiên cứu sâu, nắm vững các nội dung trong tư tưởng của Bác về những vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam và ý nghĩa của những tư tưởng đó đối với thực tiễn đất nước hiện nay.
 
    2. Nhận thức sai lệch về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về đảng Cộng sản và vai trò lãnh đạo của đảng; công cuộc đổi mới; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; quan điểm của đảng về văn hóa; dân tộc, tôn giáo; quốc phòng, an ninh; hội nhập quốc tế,…
 
    Thứ nhất, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã tham gia học lý luận chính trị, nhưng do thiếu ý thức trong học tập, nắm không sâu, hiểu không chắc, thậm chí mơ hồ, hời hợt nên có biểu hiện không tin vào con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, cho rằng, làm gì có chủ nghĩa xã hội; hoặc có nhưng còn rất lâu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên cho rằng nước ta nên lựa chọn con đường phát triển khác, nhất là ca ngợi mô hình xã hội dân chủ và cho rằng, nước ta nên đi theo mô hình xã hội này, từ đó đồng nghĩa với việc từ bỏ con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Một dạng ý kiến cho rằng, chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là trái với tự nhiên, là duy ý chí.
 
    Thứ hai, trong thời gian đầu những năm đổi mới, nhiều quan điểm đổi mới của Đảng cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đầy đủ, nhưng do thiếu ý thức học tập một cách nghiêm túc, cho nên một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có nhận thức chưa đầy đủ, bị cuốn theo những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, nên đã có biểu hiện nghi ngờ về công cuộc đổi mới, cho rằng chúng ta đi theo tư bản chủ nghĩa do áp dụng kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.
 
    Thứ ba, cũng do việc nghiên cứu, học tập không đến nơi đến chốn, bị tác động của mặt trái cơ chế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, dập khuôn máy móc theo các mô hình của nước ngoài, một biểu hiện khác ngay cả những cán bộ, đảng viên đã học tập lý luận chính trị và thậm chí có những người học rất cao có những phát ngôn hoặc có những bài viết đòi đa nguyên, đa đảng, đòi bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng trong  Điều 4 Hiến pháp, đòi bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, cho rằng một đảng sẽ dẫn đến độc quyền, độc tài, làm chậm sự phát triển; phủ nhận quan điểm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo hoặc đánh đồng kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước và từ những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước để phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Biểu hiện suy thoái rõ nét nhất trong nhận thức và học tập quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước hoặc tách rời mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, cho rằng cần áp dụng tam quyền phân lập vào xây dựng Nhà nước pháp quyền.
 
    Thứ tư, một số biểu hiện khác như phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội, công an, đòi phi chính trị hóa quân đội, công an; trong quan hệ quốc tế do chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nhất là quan điểm về đối tác, đối tượng nên có thái độ muốn ngả về bên này, bên kia, liên minh với bên này, bên khác. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn phụ họa cho các quan điểm dân chủ tư sản, tự do tư sản, cho rằng Việt Nam không có dân chủ; không có tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo,…
 
    3. Biểu hiện nghi ngờ, phủ nhận nền tảng tư tưởng của đảng
 
    Việc triển khai học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thực hiện sâu rộng trong tất cả các cấp học, bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ quan đào tạo, bồi dưỡng của Đảng, đoàn thể... Bên cạnh những kết quả đạt được không thể phủ nhận, vẫn có tình trạng nghiên cứu, học tập chiếu lệ, qua loa đại khái, không đủ nền kiến thức cơ bản để cắt nghĩa, lý giải một cách thuyết phục những vấn đề đặt ra từ thực tiễn hoặc có khả năng đề kháng trước những luận điệu xuyên tạc, nói xấu của các thế lực thù địch, cơ hội. Tình trạng học chay, không nghiên cứu tài liệu, học vì động cơ, mục đích không rõ ràng, chương trình trùng lắp, chậm đổi mới,... đã dẫn tới tình trạng một số cán bộ, đảng viên do nhận thức mơ hồ hoặc cố tình cho rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin không phù hợp với Việt Nam vì có nguồn gốc từ phương Tây; một số học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, đấu tranh giai cấp, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã lỗi thời, lạc hậu, không còn là động lực cho phát triển xã hội hiện nay, giai cấp công nhân không phải là lực lượng lãnh đạo, mà là trí thức mới, là lực lượng lãnh đạo xã hội,… Một dạng khác cho rằng, nước ta cần từ bỏ chủ nghĩa MácLênin, chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ và nâng tư tưởng Hồ Chí Minh thành Học thuyết Hồ Chí Minh, để từ đó phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời phủ nhận luôn tư tưởng Hồ Chí Minh.  
    
    4. Biểu hiện vô cảm, chưa chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động; phụ họa theo các quan điểm lệch lạc
 
    Trong thời gian qua, lực lượng thù địch có nhiều bài viết sai trái, phản động với những thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Trên thực tế, chúng ta đã có những bài viết đấu tranh, phản bác lại, một số bài có nội dung tốt vạch trần rõ âm mưu, thủ đoạn của chúng. Tuy nhiên, một đội ngũ lớn cán bộ, đảng viên được đào tạo về mặt lý luận nhưng số lượng bài viết đấu tranh, phản bác không có nhiều. Lý do là một bộ phận cán bộ, đảng viên tuy có trình độ cao về lý luận, nhưng vô cảm, coi đây là công việc của người khác, một bộ phận do thiếu trình độ hoặc thiếu thông tin nên không có bài viết đấu tranh phản bác, hoặc đấu tranh nhưng tính thuyết phục không cao. Điều đáng nhấn mạnh là một bộ phận cán bộ, đảng viên còn phụ họa cho các quan điểm sai trái, lấy đó là căn cứ để thể hiện sự hiểu biết của mình đối với người khác.
 
    5. Bệnh thành tích trong học tập lý luận chính trị
 
    Trong học tập lý luận chính trị nổi lên là bệnh thành tích. Một số cơ quan, đơn vị lấy số lượng lớp đào tạo, bồi dưỡng, số học viên tham gia đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị là thành tích để báo cáo, không coi trọng chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Một số cán bộ, đảng viên ít coi trọng công việc cơ quan, đơn vị, tập trung nhiều thời gian để học được càng nhiều văn bằng, chứng chỉ càng tốt để thuận lợi cho việc quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, đề bạt,… Trong học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, một số biểu hiện làm qua loa, sao cho đúng tiến độ, mở được nhiều lớp, không có sự đổi mới về hình thức, phương pháp, dẫn đến chất lượng học tập, quán triệt không cao.
 
    6. Biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nhận thức và học tập lý luận chính trị
 
    Suy thoái về tư tưởng chính trị trong học tập lý luận chính trị đến một mức độ nhất định sẽ chuyển thành “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do nhận thức trong học tập lý luận chính trị còn hạn chế, bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động cũng sẽ dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ, đảng viên tuy đã được đào tạo lý luận chính trị bài bản, trình độ cao, do không chịu thường xuyên học tập lý luận chính trị, không chịu nghiên cứu dẫn đến lạc hậu cũng dễ dẫn tới tin theo vào thông tin sai trái, bịa đặt.
 
    Biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là có những bài viết trực tiếp hoặc cổ vũ nhằm phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; phủ nhận thành quả cách mạng và sự nghiệp đổi mới; phủ nhận đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng,…
 
    Như vậy, mức độ hiệu quả của học tập lý luận chính trị thể hiện ở mức độ tin tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong Đảng; còn mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng thể hiện ở mức độ yếu kém, bất cập trong công tác giáo dục lý luận chính trị.
 
    Trên đây là, một số biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nhận thức và học tập lý luận chính trị. Suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nhận thức và trong học tập lý luận chính trị là vấn đề đặc biệt nguy hiểm đối với sự tồn vong của chế độ. Trong học tập lý luận chính trị nếu không có sự đổi mới, quản lý nghiêm túc cũng dễ dẫn đến một số căn bệnh khác, đó là bệnh quan liêu, lãng phí, chạy bằng cấp, là cơ sở để tham nhũng, nhất là tham nhũng vị trí, chức vụ,…
 
    Đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “xây” để “chống”, nếu bị nguy hại ở khâu đầu sẽ kéo theo hành loạt những hệ lụy về sau. Vì vậy, cần khẩn trương chấn chỉnh lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị, nhất là xây dựng cơ chế để khắc phục ngay từ đầu các căn nguyên của sự suy thoái và các căn bệnh trong lĩnh vực này.
PGS. TS. Phạm Văn Linh
(Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương)
;
.