Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Tòa án

Thứ Tư, 29/06/2016, 14:10 [GMT+7]

Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của tòa án được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 7 về Phòng chống tội phạm và đối xử với người phạm tội, tổ chức tại Milan từ ngày 26-8 đến 6-9-1985, sau đó được thông qua bằng Nghị quyết 40/32 ngày 29-11-1985 và Nghị quyết 40/146 ngày 13-12-1985 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc

Những nguyên tắc cơ bản dưới đây, được xây dựng để hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc bảo đảm và đề cao tính độc lập của tòa án, phải được các chính phủ tôn trọng và tính đến trong khuôn khổ luật pháp và thông lệ quốc gia, và cần được phổ biến đến các thẩm phán, luật sư, nhân viên các ngành hành pháp, lập pháp và công chúng nói chung. Những nguyên tắc này được hình thành chủ yếu cho các thẩm phán chuyên nghiệp, tuy nhiên, nếu cần thiết, chúng cũng được áp dụng cho các thẩm phán không chuyên nghiệp.

Tính độc lập của tòa án

Tính độc lập của tòa án phải được nhà nước bảo đảm và được ghi nhận chính thức trong hiến pháp hay pháp luật quốc gia. Nhiệm vụ của tất cả các cơ quan của chính phủ và những cơ quan khác là phải tôn trọng và tuân thủ tính độc lập của tòa án.

Tòa án phải quyết định các vấn đề một cách vô tư, không thiên vị dựa trên sự việc và theo luật pháp mà không chịu những hạn chế, những ảnh hưởng không phù hợp, dụ dỗ, sức ép, đe dọa hay can thiệp sai trái, trực tiếp hay gián tiếp từ bất cứ một nguồn nào hay vì bất cứ một lý do nào.

Tòa án phải có quyền tài phán đối với mọi vấn đề có tính chất xét xử và phải có quyền lực riêng để quyết định xem một vấn đề được trình lên tòa án có thuộc thẩm quyền của tòa theo như luật pháp quy định hay không.

 Không được can thiệp không thỏa đáng hay không có lý do xác đáng vào quá trình xét xử, cũng như không được xét lại các phán quyết của tòa án. Nguyên tắc này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử phúc thẩm hay việc các cơ quan có thẩm quyền giảm nhẹ các bản án mà tòa án đã tuyên phù hợp với luật pháp.

Mọi người đều có quyền được xét xử bởi các tòa án thông thường sử dụng những thủ tục pháp lý đã được ấn định. Tòa án nào không sử dụng những thủ tục đã được ấn định một cách hợp lệ trong quá trình xét xử sẽ không được thiết lập để thay thế quyền tài phán của tòa án hoặc cơ quan xét xử thông thường.

Nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án cho phép và yêu cầu tòa án bảo đảm rằng các thủ tục xét xử đều được tiến hành một cách đúng đắn và quyền của các bên đều được tôn trọng.

Nhiệm vụ của mỗi Quốc gia thành viên là phải cung cấp đầy đủ các nguồn lực để ngành tòa án có thể thực hiện tốt những chức năng của mình.

Tự do biểu đạt và giao kết

Theo Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, thành viên của tòa án cũng như các công dân khác có quyền được tự do biểu đạt, tín ngưỡng, kết giao, hội họp, miễn là trong khi thực hiện các quyền như vậy, thẩm phán phải luôn hành động và cư xử theo cách thức duy trì phẩm giá của công chức cũng như sự vô tư và tính độc lập của tòa án.

Thẩm phán phải được tự do thành lập và tham gia hiệp hội của thẩm phán hay các tổ chức khác đại diện cho quyền lợi của họ để xúc tiến việc đào tạo chuyên môn và để bảo vệ quyền độc lập xét xử của họ.

Tiêu chuẩn tuyển chọn và đào tạo

Những người được chọn vào làm việc ở cơ quan xét xử phải là các cá nhân liêm khiết, có khả năng với sự đào tạo thích hợp và có chuyên môn về luật pháp. Bất cứ cách thức lựa chọn cán bộ tòa án nào cũng phải bảo đảm không có sự bổ nhiệm cán bộ tòa án vì những động cơ không chính đáng. Trong việc lựa chọn thẩm phán không được phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị và các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân, trừ yêu cầu rằng, một ứng viên được chọn vào cơ quan xét xử phải là công dân của quốc gia có liên quan và yêu cầu đó, không bị coi là có tính chất phân biệt đối xử.

Các điều kiện dịch vụ và nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ của thẩm phán, sự độc lập, an ninh, thù lao thích đáng, các điều kiện dịch vụ, lương hưu và tuổi về hưu phải được pháp luật bảo đảm.

Thẩm phán dù được bổ nhiệm hay bầu ra đều phải được bảo đảm thời gian làm việc cho đến tuổi về hưu bắt buộc hay hết nhiệm kỳ ở những nơi có chế độ như vậy.

Việc đề bạt thẩm phán, ở nơi có chế độ như vậy, phải dựa vào những yếu tố khách quan, đặc biệt là năng lực, tính liêm khiết và kinh nghiệm.

Trong tòa án nơi thẩm phán làm việc, việc phân công thẩm phán xét xử các vụ việc là vấn đề nội bộ quản lý điều hành xét xử.

Bí mật nghề nghiệp và quyền miễn trừ

Tòa án phải thực hiện các quy định về bí mật nghề nghiệp liên quan đến quan điểm và những thông tin mật thu thập trong quá trình thực thi nhiệm vụ không thuộc quá trình xét xử công khai và không bị bắt buộc phải làm chứng về những vấn đề đó.

Phù hợp với luật pháp quốc gia, thẩm phán được hưởng quyền miễn trừ trong các vụ kiện dân sự vì những thiệt hại về tiền bạc gây ra bởi những hành động không đúng hoặc những sai sót trong khi thực hiện chức năng xét xử, và việc được hưởng quyền miễn trừ này không ảnh hưởng gì đến bất kỳ thủ tục kỷ luật nào hoặc quyền kháng án nào cũng như đến việc bồi thường từ phía nhà nước.

Kỷ luật, đình chỉ và cách chức

Bất cứ một lời kết tội hay khiếu nại chống lại thẩm phán về khả năng xét xử hay chuyên môn của họ phải được xử lý ngay và công minh theo một thủ tục thích hợp. Thẩm phán có quyền đòi hỏi được xét xử công bằng. Sự xem xét vấn đề ở giai đoạn đầu phải được giữ bí mật, trừ khi thẩm phán có đề nghị khác.

Thẩm phán phải bị đình chỉ hay cách chức do không có năng lực hoặc vì những hành vi khiến họ không phù hợp với việc thực hiện các nhiệm vụ của thẩm phán.

Tất cả các thủ tục kỷ luật, đình chỉ hay cách chức phải được quyết định theo các tiêu chuẩn đạo đức đã được quy định.

Những quyết định về thủ tục kỷ luật, đình chỉ hay cách chức phải được xem xét lại một cách độc lập. Nguyên tắc này có thể không áp dụng cho những quyết định của tòa án tối cao, hay những quyết định của cơ quan lập pháp trong thủ tục kết tội hoặc các thủ tục tương tự.

Nguyễn Hà Thanh

;
.