Quân ủy trung ương và Ban Nội chính Trung ương: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp

Chủ Nhật, 07/02/2016, 09:58 [GMT+7]
    Trong những năm qua, sự phối hợp công tác giữa Quân ủy Trung ương với các ban, bộ, ngành, địa phương, nhất là với Ban Nội chính Trung ương đã góp phần tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ tình hình đất nước, góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, Ban Nội chính Trung ương và Quân ủy Trung ương (Đảng ủy Quân sự Trung ương trước đây) đã tham gia ký Quy chế phối hợp về công tác nội chính; việc ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nội chính và PCTN và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
 
    Trong lĩnh vực nội chính và PCTN, Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã thực hiện tốt chức năng tham mưu về công tác nội chính và PCTN, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, đã tham gia xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp; theo dõi tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp, luật gia, luật sư; thẩm định các đề án về công tác nội chính trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phối hợp tham gia công tác nhân sự của các cơ quan nội chính thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; theo dõi, đánh giá tình hình, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương và đề xuất các chủ trương, chính sách lớn về công tác nội chính và PCTN. Trong đó, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với các ban, bộ, ngành chuẩn bị, phục vụ tổ chức thành công các hội nghị, phiên họp định kỳ, đột xuất của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; đề xuất nhiều nội dung liên quan đến việc chỉ đạo, định hướng công tác nội chính và PCTN trong phạm vi cả nước; tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu đường lối xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và một số vụ việc, vụ án thuộc lĩnh vực nội chính; công tác xây dựng pháp luật; tổng hợp báo cáo về tình hình công tác nội chính trên phạm vi toàn quốc; góp phần xây dựng bộ máy quản lý nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, tăng cường đoàn kết nội bộ, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. 
 
Lễ diễu binh của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 2-9-2015 tại Quảng trường Ba Đình. (Ảnh TTXVN)
Lễ diễu binh của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 2-9-2015 tại Quảng trường Ba Đình. (Ảnh TTXVN)
    Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Quân ủy Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện nghiêm các quy định về sẵn sàng chiến đấu, chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp xử lý chính xác, kịp thời, có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong đó, thường xuyên nắm chắc tình hình các hoạt động của không quân, hải quân nước ngoài hoạt động trong khu vực, bảo vệ vững chắc vùng trời, biển đảo, phục vụ các hoạt động thăm dò, khai thác, hoạt động đánh bắt hải sản của nhân dân; chủ động phối hợp với Công an và các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng; tăng cường kiểm soát và quản lý biên giới, ngăn chặn các vi phạm chủ quyền lãnh thổ, vượt biên trái phép và đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả, nhất là tội phạm về ma túy.
 
    Nắm chắc tình hình, kịp thời triển khai các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả những âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm trong Quân đội. Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, quản lý chặt chẽ công tác chính trị nội bộ, chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó, đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị toàn quân quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo...; ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, quyết định về thực hiện “Chương trình, mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm trong Quân đội giai đoạn 2012-2015” và “Công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra hình sự các cấp trong Quân đội”; triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và tiến hành rà soát luật, pháp lệnh về lĩnh vực quân sự, quốc phòng để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013; nghiên cứu, xây dựng các dự án luật, pháp lệnh quan trọng liên quan đến lĩnh vực tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng...
 
    Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan tư pháp trong Quân đội đã thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tiếp nhận và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; đồng thời, tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng của các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia ký kết Biên bản ghi nhớ, định kỳ giao ban trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; triển khai mô hình kết nghĩa (bản với bản), nhằm phối hợp tuyên truyền nhân dân hai bên khu vực biên giới tích cực đấu tranh, ngăn chặn hành vi phạm tội; góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn chiến lược.
 
    Quân ủy Trung ương cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo, củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ cán bộ nhằm triển khai, thực hiện hiệu quả công tác nội chính và PCTN trong Bộ Quốc phòng; thành lập lực lượng chuyên trách làm nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển; trong đó, đã thành lập Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Các lực lượng này đều được đầu tư cả về biên chế, tổ chức, phương tiện hoạt động và trang bị kỹ thuật theo hướng chính quy, hiện đại có tính nghiệp vụ cao, đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ được giao và sẵn sàng ứng phó hiệu quả với những diễn biến tình hình phức tạp trên biên giới, biển đảo.
 
    Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ và sự cạnh tranh giữa các nước lớn tăng lên, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Trong nước, tình hình chính trị cơ bản ổn định, kinh tế - xã hội có bước phát triển, đời sống của nhân dân và an sinh xã hội ngày càng được cải thiện; quốc phòng - an ninh, đối ngoại được giữ vững và tăng cường. Tuy nhiên, nước ta đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Tình hình vi phạm chủ quyền lãnh thổ, hiệp định, hiệp nghị, tình hình tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia trên các tuyến biên giới, biển đảo có nhiều diễn biến phức tạp; tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn hết sức nghiêm trọng... Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh, chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kích động, chia rẽ, đòi “phi chính trị hóa” Quân đội, hạ thấp, phủ nhận vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, Quân đội; xóa bỏ mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Tình hình trên đã đặt ra nhiều vấn đề lớn, cấp bách cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, tăng cường phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Quân ủy Trung ương trong việc tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là vấn đề cần thiết, cấp bách hiện nay; trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
 
    Một là, nâng cao chất lượng phối hợp nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng của Đảng về công tác nội chính và PCTN gắn với quốc phòng, an ninh; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gắn với công tác nội chính và PCTN. Trong quá trình xây dựng các chủ trương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Nội chính Trung ương cần chủ trì, phối hợp với Quân ủy Trung ương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các vấn đề về công tác nội chính và PCTN có liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Về phía Quân ủy Trung ương, cần chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, đề xuất các các chủ trương, giải pháp, chính sách của Đảng, xây dựng các phương án xử lý các tình huống về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng liên quan đến công tác nội chính và PCTN, góp phần củng cố trận địa tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
 
    Hai là, phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác nội chính, PCTN và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo; tổ chức tốt công tác đánh giá, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, động viên khen thưởng việc thí điểm thực hiện công tác pháp chế ở các cơ quan, đơn vị; tích cực đấu tranh với các quan điểm sai trái.
    
    Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định các đề án về tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế trong Quân đội. Ban Nội chính Trung ương và Quân ủy Trung ương cần tích cực phối hợp chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật trong Quân đội, phát hiện, xử lý đúng đắn, kịp thời với các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật của Nhà nước; tham gia ý kiến trong việc giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý theo quy định hiện hành; chỉ đạo các cơ quan chức năng trong Quân đội duy trì và thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia.
 
    Bốn là, tăng cường trao đổi thông tin về công tác nội chính, PCTN và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đồng thời, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật. Ban Nội chính Trung ương và Quân ủy Trung ương cần tích cực phối hợp tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin thuộc lĩnh vực phối hợp theo đề nghị bằng văn bản; đồng thời, có trách nhiệm quản lý, sử dụng thông tin, tài liệu về bảo vệ bí mật của Đảng, bí mật của Nhà nước theo quy định.
Đại tá Nguyễn Xuân Nghị
(Phó Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương)
;
.