Dựa vào dân để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Thứ Sáu, 12/02/2016, 08:08 [GMT+7]
    Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước hết là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Đó là vấn đề hệ trọng hàng đầu hiện nay. Đồng thời, đó là vấn đề muôn thuở, vừa cũ mà cũng luôn luôn mới. Cũ là vì, mục đích phấn đấu lâu dài của Đảng được đặt ra ngay từ khi nó ra đời là không thay đổi. Nhưng mới là vì mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi bước đi lại có những yêu cầu khác nhau, đòi hỏi Đảng phải đổi mới cách thức lãnh đạo của mình cho phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn cách mạng.

    Trong quá trình đổi mới đất nước gần 30 năm qua, Đảng ta đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, trong đó tập trung vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên, sự đổi mới đó chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đất nước. Chính vì vậy, hầu hết các nghị quyết Đại hội Đảng các nhiệm kỳ vừa qua đều đề ra nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

    Trước khi bàn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình hiện nay, thiết nghĩ cần quay trở lại xuất phát điểm của vấn đề. Đó là mục tiêu, ý nghĩa tồn tại và bản chất của một đảng cộng sản, trong đó có đảng cộng sản cầm quyền. Bởi vì, trong thực tế hiện nay, nhiều người vô tình hoặc cố ý quên hay “nhầm lẫn” mục tiêu, ý nghĩa tồn tại, bản chất của đảng cộng sản cầm quyền với việc “vào Đảng để làm quan phát tài”. Trước hết cần nhắc lại rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới bất kỳ hình thức nào (bí mật, công khai, khi chưa cầm quyền cũng như khi đã cầm quyền...) thì mục tiêu của Đảng là bất di, bất dịch: Độc lập tự do, thống nhất đất nước gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Một trong những vấn đề cần được nhấn mạnh và khắc phục trong hoàn cảnh hiện nay là: Không được lẫn lộn giữa mục tiêu, mục đích của Đảng với việc coi Đảng là một phương tiện để mưu cầu lợi ích riêng, lợi ích nhóm theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”. Từ khi ra đời đến nay, Đảng luôn luôn nhất quán quan điểm: Đảng không có mục đích tự thân mà mục đích của Đảng là phục vụ lợi ích đại đa số quần chúng nhân dân. Ý nghĩa nhân văn, tinh thần nhân đạo của Đảng nằm ngay trong lý do ra đời, sự tồn tại và trong toàn bộ mục tiêu, bản chất của Đảng.

Bác Hồ thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, tháng 3-1962. (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, tháng 3-1962. (Ảnh tư liệu)

    Ở Việt Nam, 86 năm qua, Đảng Cộng sản đại diện cho lợi ích của các giai cấp, tầng lớp, các tổ chức xã hội (gọi chung lại là nhân dân). Các giai cấp, tầng lớp, các tổ chức xã hội này đoàn kết lại với nhau, gắn tương lai của mình với mục tiêu của Đảng, đặt lợi ích của mình với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và lợi ích của Đảng cũng gắn bó chặt chẽ với lợi ích của nhân dân. Một quan điểm đáng chú ý và cần làm rõ là: Đảng đặt ra cho mình mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đem lại hạnh phúc cho con người, mục tiêu tiên tiến này phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử loài người thì tính trí tuệ của Đảng cũng đại diện cho trí tuệ của các giai cấp, tầng lớp, tổ chức xã hội. Có như vậy thì Đảng mới có thể lãnh đạo được xã hội. Nếu trong Đảng có nhiều đảng viên bị tha hóa, biến chất, lợi dụng chức, quyền để phục vụ lợi ích cá nhân, xa rời quần chúng, không còn chiếm được tình cảm, niềm tin của quần chúng nhân dân thì dần dần Đảng sẽ đánh mất vai trò lãnh đạo của mình.  

    Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước hết là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Đó là vấn đề hệ trọng hàng đầu hiện nay. Đồng thời, đó là vấn đề muôn thuở, vừa cũ mà cũng luôn luôn mới. Cũ là vì, mục đích phấn đấu lâu dài của Đảng được đặt ra ngay từ khi nó ra đời là không thay đổi. Nhưng mới là vì mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi bước đi lại có những yêu cầu khác nhau, đòi hỏi Đảng phải đổi mới cách thức lãnh đạo của mình cho phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn cách mạng. Trước khi Đảng ta ra đời, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, khi đề cập đến mô hình nhà nước trong tương lai và nhiệm vụ của nó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Đảng cầm quyền tổ chức ra Chính phủ công - nông - binh, phát đất cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền... ra sức tổ chức kinh tế mới để thực hành thế giới đại đồng”. Ngay sau khi Cách mạnh Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng ta không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng”. Trước khi vĩnh biệt đồng bào, đồng chí, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói cụ thể đến việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng khi Đảng đã thật sự trở thành Đảng cầm quyền, nhưng vì tiên đoán được những hạn chế, yếu kém, thậm chí cả thói hư, tật xấu của không ít cán bộ, đảng viên, cho nên, Người căn dặn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi. (...). Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

    Cũng không phải đợi đến khi đất nước ta hoàn toàn hòa bình, thống nhất mà từ năm 1947, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó đúc rút nhiều nội dung, kinh nghiệm sâu sắc được rút ra trong suốt cuộc đời tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng của Người, đồng thời là cả những tiên đoán thử thách đối với một đảng cầm quyền trong tương lai. “Cách lãnh đạo” của Đảng là một nội dung mà cho đến nay tư tưởng này vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Với việc coi quần chúng nhân dân là chủ thể xã hội, là đối tượng lãnh đạo, là mục tiêu phục vụ, đồng thời là người thẩm định mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút ra ba vấn đề rất cơ bản, mấu chốt trong công tác lãnh đạo của Đảng:

    Thứ nhất, xác định cho rõ lãnh đạo thế nào là đúng? Có thể nói, những yếu tố bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của tổ chức Đảng, cấp ủy cũng như của cán bộ lãnh đạo các cấp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra luôn đúng đắn cho mọi thời kỳ cách mạng. Người cho rằng, bất kỳ công việc gì cũng phải dùng hai cách lãnh đạo, một là “liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng”, hai là, “liên hợp người lãnh đạo với quần chúng”. Bất kỳ việc gì nếu không có chính sách chung, kêu gọi chung thì không thể động viên được đông đảo quần chúng. Song nếu người lãnh chung, làm tràn lan ở tất cả các nơi một lúc mà không trực tiếp nhằm vào một nơi cụ thể nào (tức là không có trọng tâm, trọng điểm) để thực hành cho kỳ được, rồi đúc rút kinh nghiệm nơi đó mà chỉ đạo ra nơi khác thì không thể biết chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đúng hay sai và cũng không làm cho chủ trương, nghị quyết được đúng đắn, hoàn chỉnh. Có một vấn đề quan trọng để công tác lãnh đạo luôn đúng đắn là cách vừa lãnh đạo vừa học tập. Đó là học tập cấp dưới; học hỏi quần chúng và học hỏi trong thực tế cuộc sống để rút ra kinh nghiệm, bổ sung vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

    Một trong những yếu tố rất quan trọng, lấy đó làm thước đo sự đúng đắn trong công tác lãnh đạo trong mọi lĩnh vực công tác là phải “từ trong quần chúng ra và trở lại nơi quần chúng”. Điều này có nghĩa là, cán bộ lãnh đạo, tổ chức, cấp ủy Đảng cần phải hỏi ý kiến quần chúng; gom góp những ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp xếp, hệ thống rồi đem ra tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, làm nó trở thành ý kiến của quần chúng đông đảo rồi đem ra thực hành những ý kiến đó trong thực tế. Trong quá trình thực hiện phải xem xét lại, xem có đúng hay không, một lần nữa tập trung ý kiến quần chúng nhân dân, phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, yếu kém và tiếp tục tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân giữ vững lập trường để thực hành. Bác Hồ cho “đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt”. Lãnh đạo phải biết gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem ra làm ý kiến chung, rồi lại đem ý kiến, kinh nghiệm chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận khác. Sau đó, đem kinh nghiệm chung và mới đúc kết thành đường lối, chỉ thị, nghị quyết. Cứ thế làm mãi. Bác Hồ khẳng định: “Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo”.    

    Thứ hai, lãnh đạo cần theo quan điểm quần chúng là một trong những nguyên tắc trong việc thực hiện sự lãnh đạo của Đảng. Đảng đề ra chủ trương, đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ đúng đắn để tập hợp, động viên quần chúng nhân dân thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng và phải hiểu dân chúng. Dân chúng đồng lòng thì bất cứ việc gì cũng làm được; dân chúng không ủng hộ, thì việc gì cũng không nên. “(1) Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. (2) Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. (3) Phải tổ chức kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”.

    Dưới góc độ lãnh đạo từ góc nhìn dân chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ những nguyên tắc trong việc thực hiện sự lãnh đạo của Đảng. Đó là: (1) Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng hiểu. (2) Tin vào dân chúng, đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. (3) Luôn luôn phải theo tinh thần thiết thực của dân chúng, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tự nguyện của dân chúng mà tổ chức họ. (4) Tuyệt đối không theo đuôi quần chúng, nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. (5) Ngày xưa, việc gì cũng “từ trên dội xuống”, từ nay, việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”. Làm được như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng.  

    Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý, bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có “ba hạng người: Hạng hăng hái, hạng vừa vừa và hạng kém”. Do đó, người lãnh đạo phải “dựa vào những quần chúng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo” từ đó nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém lên. Trong quá trình thực hiện đường lối, chủ trương của chung, Đảng cần tổng kết kinh nghiệm, thấy rõ cái gì đúng, cái gì sai để bổ sung, điều chỉnh chủ trương, đường lối cho đúng đắn, đầy đủ hơn. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”. “Mỗi khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng. Mà muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rút ra kinh nghiệm rằng: Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những tập thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Tuy vậy, Người cũng lưu ý cán bộ chúng ta rằng, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo mà cần chọn ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng.

    Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay ở nhiều nơi, cán bộ không bàn bạc, không giải thích, không vận động nhân dân, không để cho dân phát biểu ý kiến, nhiều vấn đề chỉ giải quyết theo mệnh lệnh. Có khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi, chỉ làm theo ý kiến của riêng mình. Kết quả là làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn, thậm chí phản ứng gay gắt.

    Thứ ba, muốn lãnh đạo phải dựa vào quần chúng nhân dân để kiểm tra, giám sát. Từ năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực, phẩm chất cũng như khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, muốn “kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: Một là, kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là người có uy tín”. Đồng thời, “kiểm soát phải có hai cách: Một cách từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sai lầm đó”. Người còn khẳng định cách thứ hai này là “cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”. Đồng thời, Người cũng chỉ ra rằng, kiểm tra phải có hệ thống, nghĩa là: Khi đã có nghị quyết, thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết; kiểm tra không nên chỉ căn cứ vào các báo cáo mà phải đến tận nơi và kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình.

    Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã rút ra kết luận: “Đã lãnh đạo thì phải kiểm tra; không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Tuy nhiên, mấy chục năm qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng vẫn chưa thực hành đúng như lời dạy của Hồ Chủ tịch. Cho đến nay, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức, cấp ủy đảng vẫn còn bị động và nặng về giải quyết những vụ vi phạm kỷ luật trước mắt, chưa chủ động về giải quyết toàn diện vấn đề giữ gìn kỷ luật và chấp hành Điều lệ của Đảng. Việc xử lý kỷ luật, xem xét đơn thư tố cáo, khiếu nại còn nhiều hạn chế. Việc kiểm tra, xử lý đảng viên phạm sai lầm còn chưa chủ động. Việc hướng dẫn vận dụng phương châm kỷ luật chưa được chặt chẽ dẫn tới tình trạng kỷ luật của Đảng có chỗ bị buông lỏng, thiếu tác dụng giáo dục và ngăn ngừa đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng. Đặc biệt, Đảng chưa có cơ chế để huy động được quần chúng nhân dân tham gia công tác kiểm tra, giám sát công tác của Đảng, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Cách kiểm tra vẫn nặng về nghe báo cáo của tổ chức, cấp ủy đảng, chưa sâu sát, chưa lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân. Do đó, nếu huy động được lực lượng đông đảo đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thì “cũng như ngọn đèn pha. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ hết”.

    Có thể nói, nét nổi bật nhất, đồng thời cũng là khuyết điểm phổ biến nhất khi nói về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chính là sự trùng lặp chức năng của tổ chức Đảng và chính quyền cũng như với một số tổ chức chính trị khác, thậm chí trong nhiều trường hợp, tổ chức Đảng trở thành người đại diện và làm thay chức năng của chính quyền và một số chức năng của tổ chức chính trị - xã hội khác. Do đó, một trong những điều cần chú ý tháo gỡ trong tình hình hiện nay là khắc phục sự trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của các ban, của cấp ủy Đảng với các cơ quan chính quyền nhà nước; phân biệt mối quan hệ giữa các chức năng của Đảng và chức năng của Nhà nước và mối tương quan giữa các cơ quan đảng và cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước có chức năng đặc thù nằm trong chức năng và hoạt động thực tiễn của Nhà nước. Còn các cơ quan của Đảng đều cùng chung thực hiện chức năng đặc thù của Đảng, chỉ khác nhau ở phạm vi. Vì vậy, khác với cơ quan nhà nước, nói chung giữa các cơ quan của Đảng không có sự phân công lao động. Đối với quần chúng, với xã hội, Đảng không có chức năng ra lệnh mà chỉ có chức năng tuyên truyền, thuyết phục, vận động, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết; bố trí, thông qua đảng viên lãnh đạo hệ thống chính trị. Thực tiễn cho thấy, cần xác định thẩm quyền của Nhà nước. Thẩm quyền này không chỉ được thừa nhận ở quan niệm mà phải trở thành quy chế pháp lý. Hoạt động của Đảng cũng vậy, phải được đưa vào Hiến pháp và pháp luật. Cần đặc biệt lưu ý, Đảng, với tư cách là người tiên phong, người lãnh đạo, người đày tớ của nhân dân thì không bao giờ được tự coi mình là người đứng trên pháp luật, có quyền ở ngoài quy định, kỷ cương chặt chẽ của pháp luật. Đảng viên phải là người đầu tiên thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu “trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng”. Như vậy, ở đây Đảng là người tiên phong trong việc xây dựng và thực thi nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Vũ Ngọc Lân
(Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân vận)
;
.