Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ: Phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 08/02/2016, 10:29 [GMT+7]
    Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ phối hợp tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng (Có dấu hiệu tham nhũng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, dư luận xã hội quan tâm...) được phát hiện qua hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Một số vụ việc được Thanh tra Chính phủ thanh tra, kết luận chuyển Cơ quan điều tra và Ban Nội chính Trung ương phối hợp đưa vào danh sách các vụ việc, vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo theo dõi, đôn đốc.

    Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên nhiều mặt công tác, trong đó có việc bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với ngành thanh tra, hoạt động quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ trên các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN. Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ phối hợp trong công tác là yêu cầu tất yếu của hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, nhất là trong giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và PCTN. Phối hợp công tác tốt chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước nói chung và hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan nói riêng.

1. Một số kết quả phối hợp công tác chủ yếu
 
    Kể từ năm 2013 đến nay, Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp trong công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và PCTN, trọng tâm là các hoạt động phối hợp sau:
 
    Một là, phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những chủ trương, chính sách, pháp luật, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN. Điển hình là phối hợp trong xây dựng, ban hành Luật tiếp công dân; Chỉ thị số 35CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; xây dựng Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng”; chuẩn bị xây dựng dự án Luật PCTN sửa đổi.
 
    Hai là, phối hợp tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác nội chính và PCTN. Ban Nội chính Trung ương tổ chức tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương. Ban Tiếp công dân Trung ương của Thanh tra Chính phủ đón tiếp, phân loại ban đầu vụ việc, hướng dẫn công dân. Tiếp đó, thường trực tiếp công dân Ban Nội chính Trung ương tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực nội chính và PCTN; hai bên phối hợp đề xuất vụ việc, chuẩn bị nội dung để đơn vị đầu mối của Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương tổ chức buổi tiếp công dân của Trưởng Ban Nội chính Trung ương tại Trụ sở khi có yêu cầu. 
 
Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ ký Quy chế phối hợp
Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ ký Quy chế phối hợp
    Ba là, phối hợp tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng (có dấu hiệu tham nhũng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, dư luận xã hội quan tâm…) được Thanh tra Chính phủ phát hiện qua hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN. Một số vụ việc được Thanh tra Chính phủ thanh tra, kết luận, chuyển Cơ quan điều tra và Ban Nội chính Trung ương phối hợp đưa vào danh sách các vụ việc, vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc. Qua đó, đã thúc đẩy việc xử lý nghiêm và đẩy nhanh tiến độ xem xét, xử lý của các cơ quan chức năng.
 
    Bốn là, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra, PCTN. Điển hình là việc phối hợp xây dựng chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN hàng năm; xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra công tác PCTN; chỉ đạo rà soát các cuộc thanh tra kinh tế xã hội theo Hướng dẫn số 06HD/BNCTW ngày 16-4-2015 của Ban Nội chính Trung ương. Góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản của ngành thanh tra đối với các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tham nhũng và dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
 
    Năm là, phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác nội chính và PCTN. Hai cơ quan thường xuyên cử lãnh đạo, chuyên gia tham gia rất nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hội thảo, hội nghị do hai bên tổ chức, viết bài trên Tạp chí Nội chính, Báo, Tạp chí Thanh tra…; phối hợp thành lập nhiều tổ công tác khảo sát, nghiên cứu đề tài khoa học về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, PCTN… điển hình như các chương trình “Sáng kiến PCTN Việt Nam”; nghiên cứu về thu hồi tài sản tham nhũng; về mô hình cơ quan đầu mối giúp việc về PCTN ở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương…
 
    Sáu là, phối hợp trong việc tham mưu sơ, tổng kết việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN. Nhiều nhiệm vụ lớn về sơ kết, tổng kết các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN đã và đang được Thanh tra Chính phủ hoặc Ban Nội chính Trung ương chủ trì thực hiện có sự tham gia phối hợp, tích cực hỗ trợ lẫn nhau như: Tổng kết một số vấn đề lý luận thực tiễn qua 30 năm đổi mới; tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN; sơ kết 3 năm hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN…
 
    Ngoài ra, hai cơ quan còn có một số hoạt động phối hợp trong các công tác khác như hợp tác quốc tế, thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN. Nhìn chung, hoạt động phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN đã ngày càng chặt chẽ và chất lượng hơn; tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan. Sự tích cực, chủ động của lãnh đạo, các vụ, cục, đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức thuộc hai cơ quan cũng ngày càng rõ rệt hơn, hiệu quả hơn trên tinh thần hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.
 
    Từ yêu cầu công tác của mỗi cơ quan và qua thực tiễn phối hợp công tác, Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp số 03QCPH/BNCTW-BCSĐTTCP ngày 12-3-2015 trong công tác nội chính và PCTN. Việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp từ đó đến nay tiếp tục thể hiện ý nghĩa quan trọng cũng như sự tích cực của hai cơ quan trong việc phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN.
 
    2. Một số hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân
 
    Bên cạnh những ưu điểm là chủ yếu thì mối quan hệ phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ cũng còn có một số hạn chế, vướng mắc nhất định, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, như:
 
    - Hai cơ quan đã ban hành quy chế phối hợp và mỗi cơ quan đều có kế hoạch công tác quý, 6 tháng, năm nhưng các hoạt động phối hợp lại chưa được hệ thống thành chương trình kế hoạch để thông báo sớm đến các đơn vị, cá nhân liên quan, dẫn đến trong nhiều trường hợp cơ quan được đề nghị phối hợp đã bị động, không đáp ứng tốt yêu cầu của cơ quan chủ trì hoạt động.
 
    - Trong một số hoạt động cụ thể, việc phối hợp chưa được chú trọng đúng mức, cả ở phía cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp nhưng nhất là phía cơ quan phối hợp, dẫn đến khi triển khai thiếu sự đồng bộ, khó khăn cho các đơn vị, cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc nêu trên chủ yếu do Quy chế phối hợp mới được triển khai thực hiện, chưa có bước sơ kết, đánh giá để hoàn thiện và rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Ngoài ra, cũng do một số cán bộ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phối hợp giữa hai cơ quan, còn có tâm lý chú trọng công việc do mình chủ trì và thiếu coi trọng những việc mình tham gia phối hợp.
 
    3. Kiến nghị đề xuất
 
    - Mỗi cơ quan tiếp tục quán triệt, triển khai trong nội bộ quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ trong công tác nội chính và PCTN. Phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc, nhất là đơn vị đầu mối phối hợp; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị thực hiện nhiệm vụ phối hợp và cán bộ, công chức trực tiếp tham gia phối hợp.
 
    - Căn cứ Chương trình, Kế hoạch công tác hàng năm của các cơ quan cấp trên và của hai cơ quan, cần xây dựng khung chương trình phối hợp, xác định rõ những hoạt động cần phối hợp trong năm, dự kiến thời gian thực hiện, những yêu cầu đối với việc phối hợp, nhất là việc sử dụng cán bộ, công chức tham gia hoạt động phối hợp.
 
    - Cần định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp công tác. Trước mắt, Ban Nội chính Trung ương cần chủ trì đánh giá, sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp; định kỳ hàng năm hoặc 6 tháng, hai cơ quan sẽ luân phiên chủ trì tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phối hợp.
 
    - Đối với những nội dung phối hợp cụ thể có phạm vi ảnh hưởng rộng thì cần sớm triển khai việc phối hợp ngay từ khi chuẩn bị hoạt động để tạo sự thống nhất, đồng bộ khi triển khai thực hiện.
 
    - Tăng cường và chủ động hơn nữa trong việc gặp gỡ, làm việc, trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin, tài liệu giữa các đơn vị trực thuộc của hai cơ quan và các cán bộ, công chức thường xuyên được giao nhiệm vụ phối hợp.
Ngô Mạnh Hùng
(Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ )
;
.