Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014

Thứ Tư, 02/09/2015, 00:40 [GMT+7]
    (BNCTW) - Ngày 17-10-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 820/NQ-UBTVQH13, thành lập Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014". Qua giám sát cho thấy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường, các công ty nông, lâm nghiệp được quan tâm và được triển khai ở hầu hết các địa phương. Việc thanh tra, kiểm tra thi hành pháp luật đất đai đối với đất nông, lâm trường đã phát hiện và xử lý nhiều sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Các địa phương đã có nhiều cố gắng trong quản lý đất đai nông, lâm trường: Tổ chức rà soát quỹ đất đai, điều chỉnh quy hoạch, phương án sử dụng đất; xác định ranh giới sử dụng; đo đạc lập bản đồ, thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất… Một số nông, lâm trường đã được sắp xếp, chuyển đổi để phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ công ích. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường, cụ thể như sau:
 
    Một là, hạn chế trong việc quy hoạch sử dụng đất, rừng. 
 
    Công tác quy hoạch đất và quy hoạch 3 loại rừng ở địa phương chưa sát thực tế và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa nghiêm. Trong giai đoạn 2004-2014, do chính sách đầu tư phát triển rừng phòng hộ của Nhà nước nên nhiều nông, lâm trường đã tranh thủ nguồn vốn trồng rừng phòng hộ, biến một lượng lớn diện tích đất trong các lâm trường thành diện tích đất rừng phòng hộ. Mặt khác, hiện nay, việc quy hoạch đất rừng phòng hộ lớn nhưng ngân sách không đủ đầu tư phát triển rừng, nên các Ban quản lý rừng đã để đất hoang hóa, chưa đưa vào sử dụng, bị người dân xâm canh, lấn chiếm. Một số diện tích đất rừng phòng hộ ít xung yếu, nhưng do đã được quy hoạch, nên phải quản lý theo quy chế của đất rừng phòng hộ, trong khi đó người dân cần đất rừng sản xuất nhưng chính quyền không thể chuyển giao.
 
    Hai là, hạn chế về hiệu quả sử dụng đất.
 
    Các nông, lâm trường hiện nay quản lý diện tích đất đai khá lớn, song sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn phổ biến; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực, nhất là phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang thuê đất; các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt; vẫn còn để tình trạng đất hoang hóa chưa sử dụng.
 
Phiên giải trình
Phiên giải trình "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014" của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    Ba là, hạn chế trong việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. 
 
    Việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 28-NQ/TW thực hiện chậm, chất lượng và hiệu quả đạt được thấp; nhiều nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn tồn tại; hầu hết các nông, lâm trường mới thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty hoặc Ban quản lý mà chưa có sự thay đổi trong quản lý, sử dụng đất đai; việc rà soát hiện trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường mới chủ yếu thực hiện trên sổ sách mà không được rà soát trên thực địa, không rà soát xác định, cắm mốc và đo đạc ranh giới đất; phần lớn các nông, lâm trường khi chuyển đổi thành doanh nghiệp đã không làm thủ tục chuyển sang giao  đất có thu tiền hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.
 
    Bốn là, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp đã cổ phần hóa.
 
    Tại một số đơn vị sau khi cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai tiếp tục còn lỏng lẻo, không được tăng cường; trong đó 03 đơn vị có phần lớn diện tích đất của nông, lâm trường trước đây giao khoán cho người lao động, do không quản lý chặt đã bị chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng trái phép từ trước khi cổ phần hóa, không thu hồi được(1) ; 10 đơn vị khác do tình trạng khoán trắng nên việc quản lý đất cũng rất khó khăn, khó định hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khó thu hồi đất đã khoán. Có 11/32 đơn vị sau khi cổ phần hóa đã không thực hiện rà soát, quy hoạch sử dụng đất và làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.
 
    Năm là, hạn chế trong việc giao khoán đất trong các nông, lâm trường. 
 
    Nhiều nông, lâm trường nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép sang làm nhà ở, công trình dịch vụ gây nhiều bức xúc. Một số nông, lâm trường để người nhận khoán chuyển nhượng đất cho người ở các thành phố, địa phương khác không nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh nông nghiệp mà để đầu cơ, chờ cơ hội bán đất kiếm lời. Nhiều nông, lâm trường thực hiện bán vườn cây, hoặc khoán trắng cho người lao động dẫn đến không quản lý được sản xuất do người nhận khoán cho rằng vườn cây, đất giao khoán là của người lao động tự đầu tư nên không chấp nhận việc quản lý về đất đai và điều hành sản xuất của nông, lâm trường.
 
    Sáu là, hạn chế trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
 
    Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường ở các địa phương còn chậm, đến nay còn 43,5% số đơn vị với 54,2% diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ngoài ra, nhiều nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi được sắp xếp lại theo Nghị quyết 38-NQ/TW, sau khi sắp xếp lại đã chuyển đổi loại hình tổ chức, thay đổi chế độ sử dụng và thu hẹp quy mô đất đai nưhng chưa làm thủ tục điều chỉnh hoặc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên nhân chậm chủ yếu do việc rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, xác định và cắm mốc ranh sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính chậm được thực hiện. Một số nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây có diện tích cấp lơn hơn diện tích hiện nay đang quản lý, sử dụng, do hồ sơ giao đất không sát thực tế.
.
    Bảy là, hạn chế trong việc bàn giao đất cho địa phương quản lý. 
 
    Việc bàn giao đất cho địa phương quản lý thực hiện còn chậm, hiệu quả thấp. Theo báo cáo của các địa phương, trong 10 năm qua, các nông, lâm trường, ban quản lý rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia đã bàn giao cho địa phương quản lý 883.012 ha và dự kiến tiếp tục bàn giao khoảng 380.000 ha. Tuy nhiên, so với quy định của pháp luật đất đai và Nghị quyết số 28-NQ/TW thì diện tích đất đã bàn giao cho địa phương còn thấp so với yêu cầu; nhiều nông, lâm trường chủ yếu mới thực hiện việc bàn giao trên giấy tờ mà chưa hoàn thành việc bàn giao trên thực địa; việc thu hồi đất của các nông, lâm trường quốc doanh sau khi sắp xếp lại thực hiện còn chậm, dẫn đến tình trạng đất "vô chủ" kéo dài, làm gia tăng tình trạng lấn chiếm đất trái phép; diện tích đất bàn giao cho địa phương chủ yếu là đất các công trình hạ tầng công cộng hoặc đất xa, xấu, khó canh tác, đất đang có tranh chấp hoặc vi phạm khó giải quyết nên chính quyền địa phương không muốn tiếp nhận. Một số nơi bàn giao đất tốt, trên đất đang có vườn cây, rừng trồng nhưng địa phương còn lúng túng do không xác định được nguồn vốn trồng rừng, trữ lượng rừng để bàn giao và cách thức tính toán giá trị tài sản đền bù hoặc bên nhận đất không có  khả năng thanh toán tiền đền bù giá trị tài sản trên đất.
Phương Thảo
(1) - Công ty  cổ phần Gà giống Ba Vì; công ty cổ phần giống nông – lâm nghiệp Quảng Nam; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông – lâm sản chế biến thuộc Tổng công ty rau quả - nông sản.
;
.