Hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự: Những vướng mắc trong thực tiễn và giải pháp khắc phục

Thứ Bảy, 04/10/2014, 07:40 [GMT+7]

 (BNCTW) - Giám định tư pháp (GĐTP) là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định Tư pháp năm 2012.

Kết luận giám định được Luật tố tụng hình sự ghi nhận là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định kinh tế-chính trị của đất nước.

Cơ quan điều tra tiến hành giám định tư pháp một vụ án
Cơ quan điều tra tiến hành giám định tư pháp một vụ án

Trong thời gian qua, công tác GĐTP nói chung và GĐTP trong tố tụng hình sự nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định: Công tác thể chế từng bước được hoàn thiện, hệ thống các văn bản pháp luật về giám định tư pháp ngày càng được ban hành đầy đủ; số lượng giám định viên tư pháp được nâng lên cả về số lượng và chất lượng; vấn đề kiện toàn tổ chức trong lĩnh vực pháp y và pháp y tâm thần, lĩnh vực kỹ thuật hình sự đã được quan tâm, đầu tư về con người, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc… Tuy nhiên, đến nay, công tác giám định tư pháp trong tố tụng hình sự vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cần sớm được khắc phục, cụ thể:

Việc ban hành nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giám định tư pháp vẫn còn chậm so với yêu cầu; văn bản hướng dẫn của một số bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý chuyên ngành chưa được ban hành kịp thời, đặc biệt là vấn đề quy chuẩn chuyên môn trong giám định thuộc lĩnh vực hình sự.

Chưa có quy định về thời hạn GĐTP khiến thời gian tiến hành tố tụng kéo dài, thậm chí nhiều vụ án bị đình chỉ do hết thời hạn điều tra. Hiện nay, pháp luật quy định thời hạn điều tra vụ án hình sự, nhưng lại không quy định thời hạn giám định, dẫn đến tình trạng nhiều vụ án hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả giám định nên vụ án chưa thể kết thúc. Đặc biệt là việc giám định các tài liệu như kế toán, kiểm toán, giám định các lĩnh vực chuyên ngành như xây dựng, tài chính... thường kéo dài và không biết khi nào kết thúc.

Khi Cơ quan điều tra trưng cầu các Bộ, Sở quản lý chuyên ngành thì việc cử giám định viên của các cơ quan này thường rất lâu, không kịp thời, làm chậm quá trình giải quyết vụ án. Nhiều trường hợp Bộ, ngành, cơ quan được trưng cầu lại cử người giám định không đảm bảo yêu cầu giám định hoặc từ chối tiếp nhận trưng cầu giám định.

Việc thực hiện giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng… thường rất chậm, kéo dài, không đáp ứng yêu cầu về thời gian, ảnh hướng đến tiến độ giải quyết vụ án.

Chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa bảo đảm, một số kết luận giám định còn chung chung, mập mờ, không rõ ràng, không khẳng định đúng – sai khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.

Một số cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng, thiếu quyết đoán trong việc xem xét, đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong vụ việc có nhiều bản kết luận giám định khác nhau về cùng một vấn đề, nhất là khi kết luận giám định là căn cứ mấu chốt, hoặc duy nhất cho việc định tội, định khung hình phạt.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên là do sự nhận thức của lãnh đạo, cán bộ nhiều bộ, ngành chưa đầy đủ, toàn diện về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng; chưa ban hành quy trình giám định, quy chuẩn chuyên môn trong hoạt động giám định hoặc chưa đáp ứng yêu cầu giám định nên khi thực hiện giám định; việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định chưa hiệu quả do nhiều cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán còn thiếu kiến thức cần thiết về giám định tư pháp; chưa bảo đảm kinh phí chi trả chi phí giám định tư pháp; nhân lực trong các tổ chức GĐTP còn thiếu hụt; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của các tổ chức giám định còn lạc hậu; chế độ bồi dưỡng đối với người giám định còn thấp, chi trả không đầy đủ, kịp thời, thậm chí còn nợ đọng khiến không ít giám định viên tư pháp kiêm nhiệm, người giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực tài chính, xây dựng, văn hóa tìm mọi cách từ chối thực hiện giám định.

Để đảm bảo hoạt động giám định tư pháp có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay trong quá trình giải quyết các vụ án, cần có một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong Tố tụng hình sự, cụ thể:

Hoàn thiện chế định giám định tư pháp: Luật Giám định tư pháp năm 2012 là bước phát triển mới, có nhiều nội dung cụ thể hơn so với Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003, do vậy, cần bổ sung sửa đổi một số quy định của Bộ luật TTHS 2003 cho phù hợp; bổ sung quy định về thời hạn giám định vào trong Bộ luật TTHS, cần nghiên cứu việc quy định như thế nào cho phù hợp với thời hạn điều tra, đảm bảo không được quá thời hạn điều tra và giám định viên thực hiện được nhiệm vụ của mình; nghiên cứu để hình sự hóa một số hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực GĐTP.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan và toàn xã hội về vị trí, vai trò và nội dung của công tác giám định tư pháp.

Đảm bảo đội ngũ giám định viên tư pháp phát triển về số lượng và chất lượng; nâng cao đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm đáp ứng yêu cần thực tiễn hiện nay.

Nâng cao chế độ, chính sách đãi ngộ đối với tổ chức, cá nhân thực hiện GĐTP, bảo đảm kịp thời quyền và lợi ích của họ khi GĐTP; trang bị những cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu giám định trong thời kỳ của khoa học công nghệ, cũng như việc đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của xã hội hiện nay.

Nguyễn Hương

;
.