Cần tiếp tục duy trì việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ em

Thứ Năm, 30/10/2014, 10:48 [GMT+7]
Dự thảo Luật Hộ tịch và dự thảo Luật Căn cước công dân đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII (tháng 5-2014). Tuy nhiên, đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII vấn đề có nên tiếp tục duy trì việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ em hay không, thay vào đó là cấp Thẻ căn cước công dân ngay từ khi trẻ mới sinh ra là vấn đề nóng, nhận được nhiều ý kiến khác nhau. 
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần tiếp tục duy trì việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ em mới được sinh ra như quy định hiện hành. Việc cấp Thẻ căn cước công dân chỉ nên cấp cho công dân Việt Nam khi đủ 14 tuổi trở lên.
Loại ý kiến thứ hai nhất trí cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em mới được sinh ra khi làm thủ tục đăng ký khai sinh thay cho việc cấp Giấy khai sinh. Ý kiến này cho rằng, việc này là nhằm thống nhất về tên gọi của loại giấy tờ quản lý công dân và không làm phát sinh thêm giấy tờ hành chính, bảo đảm thực hiện cải cách hành chính.
Việc duy trì hay không duy trì cấp Giấy khai sinh, cấp hay không cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi là vấn đề liên quan đến tính đồng bộ, thống nhất giữa hai dự án Luật Hộ tịch và Luật căn cước công dân. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất vẫn là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân, phù hợp với điều kiện nước ta trong giai đoạn hiện nay; phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Với quan điểm đó, cần tiếp tục duy trì việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ em; việc cấp Thẻ căn cước công dân chỉ nên được thực hiện đối với trẻ em đã đủ 14 tuổi bởi những lý do sau:
Một là, khai sinh là quyền nhân thân quan trọng của con người đã được quy định trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà nước ta là thành viên. Bản chất của khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận sự kiện một cá nhân ra đời và bắt đầu được hưởng quyền con người, quyền công dân. Giấy khai sinh là loại giấy tờ gốc về hộ tịch có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác (hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm…). Việc cấp Giấy khai sinh còn có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh quyền được mang quốc tịch của trẻ em theo Luật Quốc tịch Việt Nam. Việc không cấp Giấy khai sinh cho trẻ em sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam khi có những giao dịch cần chứng minh thông tin về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trong bối cảnh hầu hết các nước đều cấp Giấy khai sinh để chứng minh thông tin khai sinh. 
Hai là, việc cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi là chưa bảo đảm phù hợp với khái niệm “căn cước” trong dự thảo Luật. Theo dự thảo Luật, "căn cước công dân là thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác; nhân dạng là những đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người mà nhờ đó có thể phân biệt người này với người khác. Trong khi đó, từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi, các đặc điểm nhân dạng của trẻ em chưa ổn định, việc hình thành căn cước công dân vì thế sẽ không phù hợp. Trong trường hợp này, Nhà nước chỉ nên quản lý về khai sinh có đầy đủ các thông tin, đặc điểm “gốc tích” của trẻ em.
Ba là, theo khuyến nghị của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), việc không được đăng ký khai sinh và không có giấy khai sinh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của trẻ về bản sắc cá nhân; khiến các em có nguy cơ không có bất kỳ một giấy tờ hộ tịch hoặc nhận dạng nào nếu việc cấp căn cước công dân bị gián đoạn hoặc vướng mắc vì thủ tục này không được thực hiện và phát hành ngay tại các bệnh viện như giấy khai sinh, nhất là tại các vùng núi, vùng sâu vùng xa, từ đó trẻ em có nguy cơ bị buôn bán, bắt cóc, không được hưởng các dịch vụ giáo dục và y tế một cách bình thường như những trẻ em được đăng ký khai sinh. 
Bốn là, hiện nay, việc cấp Giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc. Việc thay đổi nêu trên có thể gây ra những xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt bình thường của người dân.
Năm là, nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, cho đến nay rất ít quốc gia trên thế giới bãi bỏ việc đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh. Việc cấp Thẻ căn cước công dân hầu hết đều được áp dụng đối với người có độ tuổi từ 14, 15 hoặc 18 trở lên - khi đặc điểm nhân dạng đã khá ổn định, ít thay đổi.
Sáu là, việc cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi gây tốn kém hơn về mặt kinh phí, vì giá thành làm Thẻ tốn kém hơn in ấn Giấy khai sinh (theo Báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật Căn cước công dân, việc làm thẻ có thể tốn từ 1,5 đô la đến 7 đô la); làm phát sinh thêm thời gian, thủ tục hành chính trong khi hiệu quả mang lại chưa thực sự tương xứng và chưa được đánh giá đầy đủ, toàn diện.
Với những lý do trên, cần tiếp tục duy trì việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ em; việc cấp Thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện đối với trẻ em từ đủ 14 tuổi trở lên - khi các em đã có đủ các đặc điểm nhân dạng ổn định, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Nguyễn Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
;
.