Một số góp ý về thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và phát triển án lệ

Thứ Ba, 23/09/2014, 10:37 [GMT+7]
(BNCTW) - Đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án là một yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng vị trí, vai trò của Tòa án trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm cho Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người và là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm. 
Do đó, Đảng ta đã sớm ban hành những chủ trương về đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án. Phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đã được xác định tại Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII ngày 23-01-1995 và tiếp tục được khẳng định, bổ sung trong các nghị quyết của Đảng sau này. Đặc biệt, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp và việc tổ chức tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội Khóa XIII xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Về việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực
Chủ trương thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được đưa ra trong Dự luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) là vấn đề hệ trọng, nhưng chưa có tiền lệ trong thực tiễn tổ chức ngành tòa án nước ta và cũng chưa có điều kiện thí điểm để đánh giá một cách toàn diện trước khi thực hiện. Phương án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có những ưu điểm như sau:
Thứ nhất, việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ làm giảm số lượng các Toà án nhân dân cấp huyện hiện nay. Từ đó, góp phần tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho các tòa án cấp này, tránh đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí.
Thứ hai, tổ chức theo phương án này sẽ góp phần tăng cường tính độc lập, khách quan và tuân theo pháp luật trong xét xử của tòa án. Hiện nay, tổ chức tòa án theo đơn vị hành chính cấp huyện nên các ngành, các cấp có nhận thức và coi Tòa án nhân dân cấp huyện tương đương với các cơ quan hành chính cùng cấp khác. 
Thứ ba, Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có quy mô lớn hơn về cơ cấu tổ chức và biên chế so với Tòa án cấp huyện hiện nay và có các Tòa chuyên trách, do vậy, sẽ bảo đảm để Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có đủ điều kiện, năng lực xét xử, giải quyết hầu hết các vụ việc về dân sự, hình sự, lao động, hành chính, hôn nhân, gia đình theo trình tự sơ thẩm.
Thứ tư, một trong những hạn chế cơ bản của việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực là gây khó khăn trong việc đi lại cho người dân do địa bàn rộng. Tuy nhiên, hạn chế này có thể khắc phục được, đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng, hệ thống giao thông, liên lạc không thuận lợi thì trụ sở của Tòa án cấp huyện ở những huyện này được giữ lại làm trụ sở chi nhánh của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực để khắc phục khó khăn cho nhân dân có công việc cần đến Tòa án.
Thứ năm, về mô hình tổ chức Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử đối với Tòa án nhân dân khi tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực đã được Kết luận số 79-KL/TW ngày 28-7-2010 của Bộ Chính trị xác định rõ theo hướng “Thành lập Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh (gồm các tổ chức đảng của Tòa án nhân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực). Các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Tòa án nhân dân cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo của Đảng bộ cấp tỉnh và sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh…”. Tinh thần này đã được cụ thể hóa trong Đề án của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực như sau:
- Thành lập Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tổ chức cơ sở Đảng ở Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực trực thuộc Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
- Chánh án Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực báo cáo công tác với Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh báo cáo công tác của Tòa án cấp mình và của các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực trong địa bàn tỉnh trước Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. 
Về nhiệm vụ phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao
Để phù hợp với truyền thống pháp luật và thực tiễn của Việt Nam, theo quan điểm đề xuất của TANDTC, án lệ được xây dựng trên cơ sở lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC để làm chuẩn mực cho các tòa án nghiên cứu, làm theo trong công tác xét xử. Quy định này là thể chế hóa quan điểm phát triển án lệ nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Án lệ được xác định là các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về một vụ việc cụ thể có nội dung lập luận, làm rõ những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau, đánh giá những sai lầm nghiêm trọng về việc áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Xây dựng án lệ và phạm vi hiện nay chỉ là các quyết định giám đốc thẩm được lựa chọn bởi Hội đồng Thẩm phán TANDTC để trở thành án lệ là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc phát triển án lệ cần lưu ý các nội dung sau:
Thứ nhất, nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC là vấn đề mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam và việc xây dựng án lệ theo đặc thù Việt Nam thì vẫn cần phải dựa trên những giá trị pháp lý cơ bản của pháp luật quốc tế và các nước áp dụng án lệ. Do vậy, TANDTC cần nghiên cứu và lý giải để làm rõ những nội dung liên quan đến việc phát triển án lệ tại Việt Nam để đảm bảo tính thuyết phục hơn.
Thứ hai, cần có thuật ngữ giải thích “án lệ” là gì? bởi nội hàm của án lệ tại mỗi nước là khác nhau và việc phát triển án lệ trong điều kiện đặc thù của Việt Nam. Đồng thời, làm rõ giá trị pháp lý của án lệ, án lệ có phải là một nguồn luật hay không? Còn nếu chỉ coi là nguồn để các tòa án "nghiên cứu, làm theo trong công tác xét xử" như dự thảo Luật thì có thể dẫn đến việc tùy nghi trong xét xử hay không? đặc biệt, trong hoàn cảnh tại Việt Nam khi chất lượng xét xử, năng lực, sự độc lập và khách quan của các tòa án và các thẩm phán là chưa cao và chưa thể “ngày một ngày hai” cải thiện được.
Thứ ba, cần phải chi tiết hóa các tiêu chí, điều kiện, thủ tục lựa chọn, công bố án lệ, việc thay đổi, hủy bỏ án lệ. Hơn nữa, theo chúng tôi, dự thảo Luật cần bổ sung điều khoản liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội trong việc xử lý các án lệ mà Quốc hội cho rằng chúng không đúng pháp luật. Theo kinh nghiệm một số nước áp dụng án lệ, cơ quan lập pháp có thẩm quyền giám sát hoạt động ban hành án lệ và nếu cơ quan này cho rằng một án lệ là không đúng pháp luật thì cơ quan này có thẩm quyền ban hành một văn bản pháp luật thay thế cho án lệ này.
Thứ tư, cần phải đổi mới và nâng cao chất lượng, nội dung các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Thực tế hiện nay, nội dung và kết cấu của một quyết định giám đốc thẩm là tương đối đơn giản, gồm 03 phần chính: Nhận thấy, Xét thấy và Quyết định; đặc biệt thiếu các căn cứ, lập luận thuyết phục. Trong khi đó, để đảm bảo trở thành án lệ, theo chúng tôi, quyết định giám đốc thẩm cần có phải có những luận cứ xác đáng, luận giải rõ ràng, đánh giá những sai lầm nghiêm trọng trong tố tụng hoặc áp dụng pháp luật và đưa ra đường lối cụ thể trong xử lí vụ án, vụ việc. Đây chính là những điểm mấu chốt để các tòa án nghiên cứu, làm theo trong quá trình xét xử.
Ngoài ra, TANDTC cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp, hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật dưới hình thức ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và được coi là văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta. Đây chính là một dạng "án lệ”, rất có hiệu quả, được thực tiễn kiểm nghiệm, cần được tiếp tục phát huy.
Hà Thanh
;
.