So sánh tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ trong Bộ luật hình sự Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và kiến nghị

Thứ Bảy, 05/07/2014, 07:25 [GMT+7]
1. Tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ trong Bộ luật hình sự Việt nam
 
Hai tội phạm này được quy định tại các Điều 289 và 290 thuộc Chương XXI - Các tội phạm về chức vụ của Bộ luật hình sự (BLHS). Chương XXI được chia thành 2 mục: Mục A - Các tội phạm về tham nhũng; Mục B - Các tội phạm khác về chức vụ.
Mặc dù cùng là các tội phạm về hối lộ nhưng tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ được xếp ở Mục B, còn tội nhận hối lộ (Điều 279) lại đặt ở Mục A. Điều này có nghĩa các nhà làm luật Việt Nam chỉ coi tội nhận hối lộ là tội phạm về tham nhũng, còn hai tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ không phải là các tội phạm về tham nhũng.
Quan điểm đó xuất phát từ cơ sở quy định của Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 trước đây: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi” (Điều 1). Theo định nghĩa này, hành vi tham nhũng được xác định bởi ba yếu tố căn bản: Thứ nhất, chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn; thứ hai, có yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó; thứ ba, có động cơ vụ lợi. 
Các tội phạm về tham nhũng nói chung, tội nhận hối lộ nói riêng theo quy định của BLHS Việt Nam phải có chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, chủ thể của tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ có thể là bất kỳ người nào, không nhất thiết phải có chức vụ, quyền hạn, nên các tội phạm này không được xếp vào nhóm tội phạm về tham nhũng nhưng vẫn thuộc nhóm tội phạm khác về chức vụ vì chúng có liên quan chặt chẽ đến hành vi nhận hối lộ, hơn nữa chúng còn liên quan đến việc thực thi công vụ của chính bản thân người có chức vụ, quyền hạn. 
Ngoài ra, BLHS không mô tả hành vi đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ. Hai tội này chỉ được nêu tội danh và định nghĩa dựa trên mô tả hành vi của tội nhận hối lộ để tránh sự trùng lặp không cần thiết. Vì vậy: 
- Tội đưa hối lộ là hành vi cố ý của một người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đưa một lợi ích vật chất có giá trị theo quy định của BLHS dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
- Tội làm môi giới hối lộ là hành vi cố ý làm trung gian giúp người đưa hối lộ và người nhận hối lộ thỏa thuận về việc người nhận hối lộ thực hiện một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ để đổi lấy một lợi ích vật chất có giá trị theo quy định của BLHS do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện.
Từ hai khái niệm trên, có thể chỉ ra những dấu hiệu pháp lý cơ bản của hai tội phạm này như sau:
Thứ nhất, về khách thể của tội phạm, hành vi đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ đều xâm hại một loại khách thể đó là những quan hệ xã hội bảo đảm cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, qua đó làm giảm uy tín của các cơ quan, tổ chức này.  
Thứ hai, về mặt khách quan của tội phạm, cho thấy: 
- Hành vi đưa hối lộ chỉ được gọi tên tại Điều 289: “Người nào đưa hối lộ…”. Như vậy, hành vi ở đây chỉ gồm có hành vi “đưa” của hối lộ chứ chưa bao gồm các hành vi “gợi ý đưa”, “hứa đưa” của hối lộ. Hành vi đưa của hối lộ đó có thể được thực  hiện dưới bất kể hình thức nào, có thể do người đưa hối lộ trực tiếp đưa hoặc đưa qua người làm môi giới, có thể đưa trao tay có thể gửi qua các dịch vụ chuyển gửi v.v…
Theo quy định này, tội đưa hối lộ chỉ cấu thành khi người đưa hối lộ đó có hành vi đưa “của hối lộ”. Điều này đã thể hiện sự không thống nhất với Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ vì được xác định là hành vi “đã nhận hoặc sẽ nhận” của hối lộ. 
- Hành vi làm môi giới hối lộ cũng được  Điều 280 BLHS nêu tên: “Người nào làm môi giới hối lộ…”. Như vậy, người làm môi giới hối lộ chỉ cần truyền đạt thỏa thuận hối lộ giữa các bên đưa hối lộ và nhận hối lộ là tội phạm đó hoàn thành. Tuy nhiên, trong thực tiễn, do mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa tội làm môi giới hối lộ với tội đưa hối lộ và nhận hối lộ nên thời điểm hoàn thành của tội phạm này phải tương ứng với thời điểm hoàn thành hai tội phạm trên mới chính xác. Tính chất nguy hiểm của hành vi
làm môi giới hối lộ chỉ thể hiện khi có hành vi hối lộ (đưa hoặc nhận hối lộ). 
Ngoài ra, hành vi làm môi giới hối lộ còn có đặc điểm là nó được chủ thể (người môi giới) thực hiện một cách khách quan, theo sự yêu cầu của các bên, thể hiện vai trò làm cầu nối của chủ thể đối với việc đưa và nhận hối lộ. Hành vi làm môi giới chủ yếu nhằm giúp các bên đi đến thỏa thuận hối lộ chứ không can thiệp vào nội dung thỏa thuận. Nếu người thực hiện vai trò trung gian hối lộ xuất phát từ lập trường chủ quan của mình (không phải do yêu cầu của người đưa hoặc nhận hối lộ) thì đó là người đồng phạm đưa hối lộ hoặc nhận hối lộ chứ không phải người làm môi giới hối lộ.
Đối tượng tác động của hành vi đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ hết sức đặc biệt, chính là chủ thể của tội nhận hối lộ, là người có chức vụ, quyền hạn. Theo quy định tại Điều 277 BLHS, người có chức vụ là “người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”. Bên cạnh đó, những đối tượng cụ thể được coi là người có chức vụ, quyền hạn còn được xác định theo Điều 1 Luật PCTN năm 2005, sửa đổi năm 2007, 2012 còn bao gồm: 
a) Cán bộ, công chức, viên chức; 
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; 
c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; 
d) Người được giao nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. 
Như vậy, người có chức vụ, quyền hạn ở đây là những người công tác trong cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội nhưng được giao thực hiện công vụ hoặc đại diện cho quyền lực công. Dấu hiệu pháp lý đặc trưng tiếp theo thuộc mặt khách quan của tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ là “của hối lộ”. Trong các tội phạm này, “của hối lộ” được xem như một dạng công cụ, phương tiện để thực hiện mục đích phạm tội. “Của hối lộ” được xác định từ Điều 279 BLHS (tội nhận hối lộ) bao gồm: Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Ngoài tiền, tài sản còn có thể là bất kỳ lợi ích trị giá được thành tiền như: Giấy tờ có giá trị thanh toán, quyền hưởng dịch vụ không mất phí, quyền mua tài sản, hàng hóa với giá rẻ hơn thực tế… thể hiện rất phong phú và khác nhau trong thực tế. “Của hối lộ” không nhất thiết là của người đưa hối lộ, nhưng đối với người nhận hối lộ thì nó được xem là “vật có được”. Lưu ý, các lợi ích về tinh thần không được các nhà làm luật nước ta coi là “của hối lộ” (ví dụ: Cho quan hệ tình dục, thành tích khen thưởng, việc tạo điều kiện tốt cho người thân… không phải là “của hối lộ”). Ngoài ra, “của hối lộ” là một lợi ích vật chất, đồng thời còn phải có giá trị hai triệu đồng trở lên. Nếu “của hối lộ” có giá trị dưới hai triệu đồng thì hành vi đưa hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A của Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Thứ ba, về mặt chủ quan của tội phạm, Điều 289 và 290 BLHS không nêu cụ thể hình thức lỗi. Tuy nhiên, từ hành vi khách quan, tên tội danh… đã phản ánh tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp. 
Thứ tư, về chủ thể của tội phạm, hai tội này có chủ thể có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện. Trên thực tế, có những trường hợp chủ thể thực hiện hành vi hối lộ vì lợi ích của cơ quan, tổ chức, theo quyết định của cơ quan, tổ chức nhưng BLHS Việt Nam hiện hành không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Nếu dùng tài sản Nhà nước để đưa hối lộ, thì người đưa hối lộ sẽ bị xử lý theo khoản 2 Điều 289 BLHS; còn nếu biết của hối lộ là tài sản Nhà nước, thì người làm môi giới hối lộ cũng bị xử lý theo khoản 2 Điều 290 BLHS. Còn trường hợp hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ nếu được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương của mình vì vụ lợi thì bị coi là hành vi tham nhũng và bị xử lý theo Luật PCTN (khoản 8 Điều 3).
 
2. So sánh các quy định của Bộ luật hình sự Việt nam về tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ với những quy định tương ứng trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng
 
- Những điểm tương đồng Một là,sự tương đồng lớn trong việc ghi nhận tính chất nguy hiểm cho xã hội của các hành vi phạm tội về hối lộ và hình sự hóa các hành vi này. Công ước yêu cầu việc hình sự hóa các hành vi hối lộ tại các Điều 15, 16, 21 của Công ước; đồng phạm hối lộ tại Điều 27. Tương ứng, các hành vi này được quy định cụ thể tại các Điều 279 (tội nhận hối lộ), Điều 289 (tội đưa hối lộ), Điều 290 (tội môi giới hối lộ) của BLHS Việt Nam; Hai là, đều thừa nhận bản chất của hối lộ là việc trao đổi một lợi ích nào đó (“của hối lộ”) được cung cấp bởi người đưa hối lộ lấy hành vi của người nhận hối lộ nhằm thực hiện yêu cầu của người đưa hối lộ. Cụ thể, hành vi hối lộ trong BLHS khác với Công ước khi mô tả trong Công ước như sau: 
a) “Hứa hẹn, chào mời hay cho, trực tiếp hay gián tiếp, công chức bất kỳ một lợi ích không chính đáng cho chính bản thân công chức ấy hay cho một người hoặc một tổ chức khác, để công chức này làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ” (điểm a Điều 15 của Công ước); 
b) “Hứa hẹn, chào mời hay cho, trực tiếp hay gián tiếp, công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công một lợi ích không chính đáng cho bản thân công chức hoặc người hay tổ chức khác, để công chức đó làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ, nhằm có được hoặc duy trì công việc kinh doanh hay lợi thế không chính đáng khác liên quan đến hoạt động kinh doanh quốc tế” (điểm a Điều 16 của Công ước);
c) “Hứa hẹn, chào mời hay cho một lợi ích không chính đáng, trực tiếp hay gián tiếp cho người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc khu vực tư vì lợi ích của chính người đó hay của người hoặc tổ chức khác, để người đó vi phạm nhiệm vụ của mình bằng cách làm hoặc không làm một việc gì” (điểm a Điều 21 của Công ước). Như vậy, Công ước cũng thừa nhận bản chất hối lộ là hành vi trao đổi lợi ích lấy hành vi thực hiện hay không thực hiện một nhiệm vụ nào đó của người có chức vụ, quyền hạn (trong lĩnh vực công hoặc tư);
Ba là, đều xác định hình thức lỗi của các hành vi phạm tội hối lộ là cố ý (Điều 15, 16 và 21 của Công ước).
Bốn là, đều xác định đối tượng nhận hối lộ là những người có chức vụ, quyền hạn nhất định như: Công chức quốc gia (Điều 15 của Công ước), công chức nước ngoài, công chức của các tổ chức quốc tế (Điều 16 của Công ước), người điều hành hay có cương vị có ảnh hưởng ở các tổ chức tư (Điều 21 của Công ước). Những khái niệm này được giải thích tại Điều 2 - Sử dụng thuật ngữ trong Công ước. Còn theo BLHS, người có chức vụ là “người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ” (khoản 2 Điều 277 BLHS). 
- Một số điểm khác biệt
Một là, vị trí, phân loại của các tội phạm về hối lộ. Theo đó, BLHS xác định tội nhận hối lộ là tội phạm về tham nhũng, còn các tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ không phải là các tội phạm về tham nhũng, mà xếp vào các tội phạm khác về chức vụ, trong khi Công ước coi cả ba hành vi này đều là hành vi tham nhũng cần phải hình sự hóa. Hành vi đưa hối lộ cùng với hành vi nhận hối lộ cùng được gọi chung là hối lộ quy định tại các Điều 15, 16 và 21 của Công ước. Công ước cũng không quy định về
hành vi làm môi giới hối lộ một cách độc lập (tội làm môi giới hối lộ) như BLHS mà đưa nó vào các hành vi đồng phạm tại Điều 27 của Công ước.
Hai là, mô tả hành vi phạm tội. BLHS không mô tả hành vi phạm tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ mà được nhận biết thông qua (suy ra) từ sự mô tả của hành vi nhận hối lộ. Trong khi đó, Công ước đã ghi nhận đầy đủ và chi tiết hành vi đưa hối lộ một cách cụ thể và riêng biệt với hành vi nhận hối lộ. Theo các điểm a Điều 15, 16 và 21 của Công ước đó trích dẫn trên thì khái niệm chung về hành vi đưa hối lộ là: Hứa hẹn, chào mời hay cho, trực tiếp hay gián tiếp, người có chức vụ (trong lĩnh vực công hoặc tư, của quốc gia, của nước ngoài hoặc quốc tế) bất kỳ một lợi ích không chính đáng cho chính bản thân người có chức vụ ấy hay cho một người hoặc một tổ chức khác, để người có chức vụ này làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ.
Ba là, tội làm môi giới hối lộ. Tội phạm này không được Công ước khuyến nghị như một tội phạm độc lập nên không có khái niệm hành vi làm môi giới hối lộ. Hành vi làm môi giới hối lộ được khuyến nghị hình sự hóa chung trong các hành vi đồng phạm, nỗ lực phạm tội tại Điều 27 của Công ước ghi: “Phù hợp với pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để quy định là tội phạm, hành vi tham gia với bất kỳ tư cách nào vào việc phạm những tội được quy định theo Công ước này, như đồng phạm, người giúp sức hay người xúi giục”. Theo đó, “hành vi tham gia với bất kỳ tư cách nào vào việc phạm những tội được quy định theo Công ước này” chắc chắn bao gồm hành vi tham gia với tư cách trung gian vào việc thực hiện tội đưa và tội nhận hối lộ. Theo đó, hành vi làm môi giới hối lộ được hiểu là hành vi tham gia vào việc phạm tội hối lộ
với tư cách người đồng phạm. Đây cũng chính là một điểm khác biệt nữa giữa Công ước với BLHS. Ngoài ra, Công ước đồng nhất hành vi môi giới hối lộ với đồng phạm trong việc thực hiện tội nhận và đưa hối lộ trong khi BLHS có sự phân biệt rạch ròi giữa các hành vi này chính là ba hành vi phạm tội tương ứng với ba tội danh độc lập của Bộ luật - tội nhận hối lộ (Điều 279), tội đưa hối lộ (Điều 289) và tội làm môi giới hối lộ (Điều 290).
Bốn là, hành vi thuộc mặt khách quan của các tội hối lộ được Công ước quy định rộng hơn BLHS. Như đã phân tích ở trên, hành vi thuộc mặt khách quan của tội đưa hối lộ tại Điều 289 BLHS chỉ gồm hành vi “đưa” (cho) của hối lộ và điều này không thống nhất ngay cả với Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ (“đã nhận hoặc sẽ nhận”) cũng như với Công ước. Công ước xác định các hành vi “hứa hẹn, chào mời hay cho” đều là đưa hối lộ, có nghĩa đưa hối lộ gồm các hành vi “hứa cho”, “gợi ý cho” và “cho” (đưa) của hối lộ. Cách quy định này khiến thời điểm hoàn thành tội đưa hối lộ trong Công ước khác với BLHS. Theo BLHS thì tội đưa hối lộ chỉ hoàn thành khi người đưa hối lộ đó có hành vi đưa (cho) “của hối lộ”, còn theo Công ước tội đưa hối lộ hoàn thành khi người đưa hối lộ có một trong các hành vi đó nêu trên. Giải thích theo BLHS thì làm môi giới hối lộ là làm cầu nối thực hiện việc cho, nhận của hối lộ. Giải thích theo Công ước thì hành vi này là một loại đồng phạm hối lộ biểu hiện bằng việc làm cầu nối để cho, nhận của hối lộ, hứa hẹn, gợi ý, đòi hỏi việc cho, nhận của hối lộ.
Năm là, quan điểm về “của hối lộ” giữa BLHS với Công ước cũng rất khác nhau. BLHS quy định “của hối lộ” chỉ bao gồm các giá trị vật chất như: Tiền, tài sản và các lợi ích vật chất khác. Công ước xác định
“của hối lộ” là “bất kỳ một lợi ích không chính đáng” nghĩa là tất cả các lợi ích vật chất hay tinh thần thể hiện dưới bất kỳ một dạng thức nào, có thể trị giá bằng tiền, có thể không. Vì vậy, BLHS đã quy định giá trị tối thiểu của “của hối lộ” còn trong Công ước không xác định điều này.
Sáu là, đối tượng hối lộ, BLHS và Công ước có cách nhìn nhận không giống nhau. Theo đó, BLHS quy định đối tượng được hối lộ là các cán bộ, công chức của Nhà nước hay những người khác được giao thực hiện công vụ, đại diện cho quyền lực công. Điều này có nghĩa, đối tượng hối lộ gồm những người có quyền hạn, ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực công quyền của quốc gia. Trong khi đó, các Điều 15, 16, 21 của Công ước thể hiện đối tượng được hối lộ gồm: Công chức quốc gia; công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công; người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc khu vực tư. Tương tự, Công ước xác định đối tượng được hối lộ là những người có chức vụ, quyền hạn ở cả khu vực công (của quốc gia, của nước ngoài, của tổ chức quốc tế) và khu vực tư.
Bảy là, người được hưởng lợi từ việc hối lộ. BLHS không quy định cụ thể, còn Công ước xác định rất rõ ràng lợi ích không chính đáng - “của hối lộ” là “cho chính bản thân công chức ấy hay cho một người hoặc một tổ chức khác” (Điều 15, 16) “vì lợi ích của chính người đó (người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức tư) hay của người hoặc tổ chức khác” (Điều 21). Theo mô tả này người hưởng “lợi ích không chính đáng” với tư cách của hối lộ có thể là chính người được hối lộ, cũng có thể là người khác, tổ chức khác. Hành vi đưa hối lộ được cấu thành cho dù người hưởng lợi là chính người được hối lộ hay người khác. Tương ứng với đó, công việc mà người được hối lộ thực hiện theo yêu cầu của người đưa hối lộ có thể vì lợi ích của chính người đưa hối lộ hoặc vì lợi ích của người khác, tổ chức khác. 
Tám là, về chủ thể của các tội phạm về hối lộ.Công ước không xác định, Công ước chỉ yêu cầu việc hình sự hóa các hành vi hối lộ mà không đề cập đến việc hành vi đó được thực hiện bởi ai. Sở dĩ như vậy, vì đây là một văn bản pháp lý quốc tế có giá trị đối với nhiều quốc gia mà quan điểm về chủ thể của tội phạm ở các quốc gia là khác nhau. 
Còn BLHS, theo quan điểm của các nhà làm luật Việt Nam quy định chủ thể của tội phạm là cá nhân. Trong khi đó, Công ước tại Điều 26 quy định trách nhiệm của pháp nhân: “1. Mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật của mình, để quy định trách nhiệm của pháp nhân về việc tham gia vào các tội phạm được quy định theo Công ước này...”. 
 
3. Một số kiến nghị hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự Việt nam về tội đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ
 
Thứ nhất, bổ sung (tội phạm hóa) vào BLHS một hành vi tham nhũng đã ghi nhận trong Luật PCTN năm 2005, sửa đổi năm 2007, 2012 (khoản 8 Điều 3) có liên quan đến hành vi đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ, đó là hành vi đưa hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương mình vì vụ lợi do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện thành một tội trong Mục A - Các tội phạm về tham nhũng để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN hiện nay.
Thứ hai, cần mô tả trong nội dung điều luật về hành vi đưa hối lộ và hành vi làm môi giới hối lộ chứ không nên để tình trạng giải thích thông qua sự mô tả của hành vi nhận hối lộ. Hơn nữa, trong định nghĩa cần xác định rõ dấu hiệu người được hưởng lợi từ việc hối lộ. Dấu hiệu này không được xác định rõ có thể gây ra hiện tượng nhầm lẫn về chủ thể của tội phạm hoặc bỏ lọt tội phạm.
Thứ ba, cần phải mở rộng phạm vi trấn áp đối với các hành vi “gợi ý”, “hứa hẹn” hối lộ chứ không phải chỉ với hành vi đưa hối lộ như hiện nay. Ngoài ra, do chính sách hình sự của Nhà nước ta đặt nhiệm vụ đấu tranh phòng và chống cả hai hành vi “đưa” và “nhận hối lộ” nên cần ghi nhận thời điểm hoàn thành của tội đưa hối lộ không chỉ “đưa” mà còn cả “sẽ” đưa cho tương ứng với thời điểm hoàn thành của tội nhận hối lộ (“đã” nhận và “sẽ” nhận) theo cách quy định của Công ước. 
Thứ tư, khái niệm “của hối lộ” mặc dù cần được hiểu rộng hơn theo Công ước, tuy nhiên, để thống nhất với các tội phạm khác, nên “của hối lộ” vẫn được xác định là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, chứ không phải là “bất kỳ lợi ích không chính đáng nào” như Công ước đã ghi nhận.  
Thứ năm, trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay nên mở rộng phạm vi đối tượng được hối lộ đến các khu vực quốc tế và khu vực tư để không bỏ lọt tội phạm và phù hợp với luật pháp quốc tế. 
Như vậy, chúng tôi xin đề xuất xây dựng một tội phạm mới trong Mục A - Các tội phạm về tham nhũng và sửa đổi, bổ sung hai tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ ở Mục B - Các tội phạm khác về chức vụ
trong BLHS như sau:
Mục A: Các tội phạm về tham nhũng Bổ sung thêm điều mới có nội dung: tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Điều 289 và Điều 290 Bộ luật này để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi, thì bị phạt...
Mục B: Các tội phạm khác về chức vụ điều 289. tội đưa hối lộ. Sửa khoản 1 là: Người nào vì lợi ích của chính mình hoặc của người khác mà mời chào, hứa hẹn hoặc đưa cho, trực tiếp hay gián tiếp, người có chức vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực công hoặc tư, của Việt Nam hoặc của nước ngoài, của tổ chức quốc tế, của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, cho chính bản thân người có chức vụ, quyền hạn ấy hay cho một người hoặc một tổ chức khác, để người có chức vụ, quyền hạn này làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công việc trong chức trách, quyền hạn thì bị phạt…
Điều 290. Tội làm môi giới hối lộ. Sửa khoản 1 là: Người nào làm trung gian để thực hiện việc chào mời, hứa hẹn hoặc cho, đòi hỏi hoặc nhận của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, bất kỳ giữa người có chức vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực công hoặc tư, của Việt Nam hoặc của nước ngoài, của tổ chức quốc tế với người khác mà theo yêu cầu của người này, người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công việc trong chức trách, quyền hạn thì bị phạt..
TS. Trịnh Tiến Việt
(Đại học Quốc gia Hà Nội)

 

;
.