Quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội – Cần phát huy cao nhất vai trò của đại biểu Quốc hội

Thứ Ba, 03/06/2014, 08:56 [GMT+7]
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐĐBQH) là một hình thức tổ chức cho đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoạt động. ĐĐBQH không phải là cơ quan của Quốc hội cũng không phải là cơ quan quản lý đại biểu Quốc hội. Vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội được quy định trong Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 và Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Theo đó, mặc dù theo Luật tổ chức Quốc hội 2001, ĐĐBQH chỉ là một hình thức tổ chức cho đại biểu Quốc hội ở địa phương hoạt động nhưng các quy định trong Quy chế hoạt động của ĐĐBQH lại khiến cho tổ chức này có "dáng dấp" của một pháp nhân công: có Trưởng Đoàn, Phó Trưởng đoàn, có trụ sở, kinh phí hoạt động, con dấu và Văn phòng giúp việc. 
Vấn đề này đã được đặt ra khi sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội Khóa XIII. Có ý kiến cho rằng cần phải khẳng định địa vị pháp lý của ĐĐBQH với nhiệm vụ, quyền hạn độc lập để có thể chủ động hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri tại địa phương. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chỉ nên coi đây là một hình thức để đại biểu Quốc hội cùng được bầu trong một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các hoạt động của đại biểu.
Có thể thấy, trong điều kiện Quốc hội nước ta hoạt động không thường xuyên, số đại biểu chuyên trách chiếm tỷ lệ chưa cao nên trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội thì hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Trong hoạt động tiếp xúc cử tri, ĐĐBQH đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan hữu quan tổ chức tiếp xúc cử tri, lắng nghe và tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến UBND, các sở, ngành hữu quan của địa phương xem xét, giải quyết. Các buổi tiếp xúc dân chủ, cởi mở, ngày càng thu hút được nhiều cử tri tham gia, tạo mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội và cử tri ngày càng gắn bó chặt chẽ. Trong tổ chức tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, ĐĐBQH đã duy trì thường xuyên, định kỳ hàng tháng, thậm chí hàng tuần để nghe ý kiến trình bày, trao đổi giữa người dân và chính quyền, đề ra kiến nghị xử lý phù hợp. Trong hoạt động tham gia xây dựng pháp luật, các ĐĐBQH đã tổ chức Hội nghị, hội thảo lấy ý kiến một cách sâu rộng đối với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các đại biểu Quốc hội và các đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp chịu sự tác động của văn bản để đóng góp xây dựng luật, sau đó ghi nhận, tổng hợp và gửi UBTVQH hoặc Ban soạn thảo để nghiên cứu, xem xét. Trong hoạt động giám sát, ĐĐBQH đã tập trung vào những vấn đề bức xúc trong cuộc sống trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể địa phương, đưa ra nhiều kiến nghị góp phần giúp các cơ quan chịu sự giám sát khắc phục những thiếu sót, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Như vậy, nhìn chung các Đoàn đại biểu Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong cách thức triển khai các hoạt động của Đoàn, ngày càng thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, giữ mối quan hệ công tác và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở địa phương… 
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội trên thực tế còn tồn tại một số bất cập: Mối quan hệ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị địa phương chưa được quy định rõ, do đó trong nhiều trường hợp chưa phát huy được hiệu quả cao nhất; bộ máy tham mưu giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội thiếu ổn định về mô hình tổ chức, nhân sự còn ít, chưa đáp ứng tốt nhất cho công tác tham mưu, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội, nhất là trong lĩnh vực giám sát còn thiếu thống nhất dẫn đến hiệu quả giám sát trong nhiều trường hợp chưa cao… Chính vì những bất cập nêu trên nên có ý kiến đề nghị khẳng định trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) Đoàn đại biểu Quốc hội là một cơ quan, có nhiệm vụ, quyền hạn độc lập để có thể chủ động hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp nhận, xử lý đơn thư…
Tuy vậy, có thể thấy, Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là cơ quan của Quốc hội, không phải là cấp quản lý đại biểu. Đoàn đại biểu Quốc hội chỉ là hình thức tổ chức cho đại biểu Quốc hội hoạt động. Nếu quá nhấn mạnh vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương sẽ không đề cao được trách nhiệm của cá nhân đại biểu Quốc hội và có thể biến diễn đàn của Quốc hội thành diễn đàn của các Đoàn đại biểu Quốc hội; đồng thời, có thể tiềm ẩn rủi ro xung đột lợi ích giữa các nhóm đại biểu ở các địa phương, giữa địa phương và trung ương. Mặt khác, trong quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật của Ban soạn thảo cũng cho thấy, không hành chính hóa hoạt động của đại biểu Quốc hội cũng như tổ chức, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; do đó, cần tiếp tục xác định Đoàn đại biểu Quốc hội là hình thức tổ chức hoạt động của các đại biểu Quốc hội tại địa phương. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của ĐĐBQH thì cần tiếp tục đổi mới công tác tổ chức tiếp xúc cử tri, tổ chức ngày càng nhiều hơn các cuộc tiếp xúc trực tiếp tại xã, phường và đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; nghiên cứu, hoàn thiện quy định về quy trình, thẩm quyền giám sát của Đoàn giám sát của ĐĐBQH, có cơ chế để xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương không thực hiện hoặc không phản hồi những kiến nghị, yêu cầu đã được ĐĐBQH gửi đến; tăng số đại biểu hoạt động chuyên trách của ĐĐBQH; củng cố, đổi mới bộ máy tham mưu, giúp việc cho ĐĐBQH bảo đảm tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động của các cơ quan này./.
Phương Thảo
;
.