Hình thức kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Thứ Sáu, 21/02/2020, 14:57 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết, cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có thể sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật nào?
 
    Trả lời: Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, ngày 12/02/2020 của Chính phủ về Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định:
 
    Cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có thể sẽ bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật như: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc. Cụ thể là:
 
    Điều 24, Nghị định này nêu rõ hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng theo quy định pháp luật; Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt; việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện; Tiết lộ thông tin, tài liệu về kết luận kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức; Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra; Không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính. 
 
Bộ phận “một cửa hiện đại” tại Văn phòng HĐND – UBND thành phố Pleiku. (Ảnh minh họa)
Bộ phận “một cửa hiện đại” tại Văn phòng HĐND – UBND thành phố Pleiku. (Ảnh minh họa)
    Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây: Tiết lộ thông tin, tài liệu về kết luận kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức; Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra; Không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính. 
 
    Hình thức cảnh cáo được quy định cụ thể tại Điều 25 như sau: Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật; Áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính; Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra; Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung kiểm tra; Thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra. 
 
    Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật; Áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính; Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra; Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung kiểm tra; Không thực hiện kết luận kiểm tra. 
 
    Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây: Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính; Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra; Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung kiểm tra; Không thực hiện kết luận kiểm tra; Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra.
 
    Điều 26 quy định về hình thức hạ bậc lương áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
 
    Hình thức kỷ luật giáng chức (Điều 27) áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi không thực hiện kết luận kiểm tra.
 
    Hình thức kỷ luật cách chức (Điều 28) áp dụng đối với cán bộ có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra; Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính; về thẩm quyền, thủ tục, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính; Không thực hiện kết luận kiểm tra; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.
 
    Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính.
 
    Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với viên chức quản lý có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây: Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính; về thẩm quyền, thủ tục, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính; Không thực hiện kết luận kiểm tra.
 
    Điều 29, Nghị định nêu rõ, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, công chức, viên chức sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc nếu có một trong các hành vi vi phạm sau: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.
(Phương Anh)
.