Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 04/11/2019, 13:40 [GMT+7]
    Hỏi: Cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp có trách nhiệm thế nào đối với công tác phòng, chống tham nhũng?
 
    Trả lời: Ngày 20/11/2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Luật có 10 chương, 96 điều luật, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/17/2019. Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
 
    Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có nhiều quy định mới, trong đó có nội dung về  PCTN  trong doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, Điều 4 của luật quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
 
    Luật quy định, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng. Các cơ quan này phải xử lý kịp thời phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng; phải kịp thời cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng.
 
Hội nghị quán triệt Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 tại Thanh tra Chính phủ
Hội nghị quán triệt Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 tại Thanh tra Chính phủ
    Đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức.
 
    Các doanh nghiệp, tổ chức này phải kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.
 
    Mặt khác, Điều 76 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định: Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tuyên truyền, động viên người lao động, thành viên, hội viên thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; kịp thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi tham nhũng.
 
    Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm kiến nghị với cơ quan nhà nước thẩm quyền để hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
 
    Ngoài ra, luật quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tổ chức diễn đàn để trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.
                                                                                                       P.V
.