Quyền yêu cầu bồi thường và căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Thứ Sáu, 18/05/2018, 15:16 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định như thế nào về quyền yêu cầu bồi thường và căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước?
 
    Trả lời: 
 
    Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2017 (thay thế cho Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2018.
 
    Luật quy định những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường:
 
    - Người bị thiệt hại (cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này);
 
    - Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;
 
Tòa án nhân dân tối cao Tập huấn trực tuyến Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017
Tòa án nhân dân tối cao Tập huấn trực tuyến Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017
    - Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;
 
    - Cá nhân, pháp nhân được những người trên ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
 
    Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:
 
    - Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng (hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật);
 
    - Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;
 
    - Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
 
    Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:
 
    - Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường. (Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường là văn bản đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, trong đó xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc là bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường);
 
    - Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;
 
    - Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Trung Kiên
(Theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017)
;
.