Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

Thứ Tư, 23/05/2018, 14:06 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết quy định của pháp luật về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của những tổ chức này?
 
    Trả lời:
 
    Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2017 (thay thế cho Luật TGPL năm 2006). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2018.
 
    Luật TGPL quy định: Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Sở Tư pháp công bố danh sách các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
 
Cục Trợ giúp pháp lý kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý tại tỉnh Thái Nguyên
Cục Trợ giúp pháp lý kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý tại tỉnh Thái Nguyên
    Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có thể có Chi nhánh.
 
    Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được thành lập tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh. Căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
 
    Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý: Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp theo quy định của Luật này. Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này.
 
    Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ:
 
    a) Thực hiện trợ giúp pháp lý;
 
    b) Đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý;
 
    c) Bồi thường thiệt hại do lỗi của người thuộc tổ chức mình gây ra trong khi thực hiện trợ giúp pháp lý;
 
    d) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, truyền thông về trợ giúp pháp lý;
 
    đ) Giải quyết khiếu nại theo quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật này;
 
    e) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý.
 
    Ngoài ra, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước còn thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ủy quyền hoặc yêu cầu.
 
    Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý còn được nhận thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Chính phủ; đồng thời có quyền và nghĩa vụ khác theo hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.
 
    Ngoài quyền và nghĩa vụ theo quy định như trên, Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý theo nội dung đăng ký.
Trung Kiên
(Theo Luật trợ giúp pháp lý 2017 và Tài liệu giới thiệu Luật của Bộ Tư pháp)
;
.