Phạm vi điều chỉnh của Luật tiếp cận thông tin

Thứ Bảy, 17/03/2018, 06:11 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết phạm vi điều chỉnh của Luật tiếp cận thông tin và “thông tin” theo quy định của Luật này được hiểu như thế nào?
 
    Trả lời:
 
    Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 11, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2018. Đây là Luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
 
Bình Thuận tập huấn Luật tiếp cận thông tin
Bình Thuận tập huấn Luật tiếp cận thông tin
    Luật tiếp cận thông tin tập trung vào việc giải quyết những vấn đề liên quan nhằm bảo đảm một người dân bình thường có thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình, bao gồm các nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền.
 
    Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật tiếp cận thông tin, “thông tin” là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra.
 
    Như vậy, Luật này chỉ quy định về các thông tin được chứa đựng trong các văn bản, hồ sơ, tài liệu do cơ quan nhà nước tạo ra trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, mà không phải là thông tin nói chung, thông tin truyền miệng hay các thông tin do chủ thể ngoài nhà nước tạo ra. 
 
    “Thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra” là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản.
 
    Quy định này còn nhằm phân biệt với các trường hợp thông tin do cơ quan nhà nước trao đổi, trả lời kiến nghị, hỏi đáp của công dân về một vấn đề cụ thể liên quan tới lĩnh vực quản lý, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó, ví dụ: nội dung hướng dẫn về thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, về nhận nuôi con nuôi, về cho thôi quốc tịch... Đây là trường hợp cơ quan nhà nước trả lời phản ánh, kiến nghị của công dân và để trả lời được thì cơ quan đó phải nghiên cứu các quy định của văn bản pháp luật cụ thể và tổng hợp thành nội dung để gửi tới công dân, nội dung trả lời đó không thuộc nội hàm của khái niệm “thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra” tại Luật tiếp cận thông tin.
Trung Kiên
(Theo Luật tiếp cận thông tin & Tài liệu Hỏi - đáp về Luật tiếp cận thông tin)
;
.