Quyền, nghĩa vụ của cử tri và nguyên tắc bỏ phiếu trưng cầu ý dân

Thứ Hai, 19/09/2016, 17:20 [GMT+7]
    Hỏi: Những quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của cử tri và nguyên tắc bỏ phiếu trưng cầu ý dân?
 
    Trả lời: Theo Điều 39 Luật trưng cầu ý dân được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25-11-2015 thì quyền, nghĩa vụ của cử tri và nguyên tắc bỏ phiếu trưng cầu ý dân được quy định cụ thể là:
 
    1. Bỏ phiếu trưng cầu ý dân là quyền và nghĩa vụ của cử tri; mọi cử tri có trách nhiệm tham gia đầy đủ.
 
    2. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu trưng cầu ý dân.
 
    3. Cử tri phải tự mình bỏ phiếu trưng cầu ý dân, không được nhờ người khác bỏ phiếu thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này. Khi bỏ phiếu trưng cầu ý dân, cử tri phải xuất trình thẻ cử tri.
 
Hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại tỉnh Sơn La
Hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại tỉnh Sơn La
    4. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu trưng cầu ý dân được thì Tổ trưng cầu ý dân mang hòm phiếu phụ và phiếu trưng cầu ý dân đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu trưng cầu ý dân và thực hiện việc bỏ phiếu. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không thành lập khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ trưng cầu ý dân mang hòm phiếu phụ và phiếu trưng cầu ý dân đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu và thực hiện việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
 
    5. Khi cử tri viết phiếu trưng cầu ý dân, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ trưng cầu ý dân.
 
    6. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu trưng cầu ý dân khác.
 
    7. Cử tri không thể tự viết được phiếu trưng cầu ý dân thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu trưng cầu ý dân của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật mà không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
 
    8. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ trưng cầu ý dân có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
 
    9. Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
Duy Phương
(Theo Luật trưng cầu ý dân)
;
.