Việc đưa tin của cơ quan báo chí, nhà báo về phòng, chống tham nhũng

Thứ Tư, 23/03/2016, 14:01 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết một số nội dung mà pháp luật quy định về việc đưa tin của cơ quan báo chí, nhà báo về phòng, chống tham nhũng?
 
    Trả lời: Điều 12 Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27-3-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng quy định cụ thể vấn đề bạn hỏi như sau:
 
    1. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng. Khi đưa tin về vụ việc tham nhũng, người có hành vi tham nhũng, cơ quan báo chí, nhà báo phải đưa tin trung thực, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đưa tin đó.
 
    Cơ quan báo chí phát hiện hoặc nhận được tố cáo của công dân về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì phải báo ngay cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân bằng văn bản. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết. Cơ quan báo chí có quyền đưa tin về vụ việc có dấu hiệu tham những từ các thông tin, tài liệu mà mình có được và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin được đăng tải trên báo chí.
 
    Trường hợp có căn cứ cho rằng kiến nghị, phản ánh, tin, bài, tố cáo của công dân về vụ việc tham nhũng không có cơ sở thì cơ quan báo chí thông báo cho công dân về việc không đưa tin và nêu rõ lý do.
 
Một buổi giao ban báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông
Một buổi giao ban báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông
    2. Tổng biên tập, nhà báo chịu trách nhiệm về việc đưa tin và chấp hành pháp luật về báo chí, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí.
 
    3. Cơ quan báo chí, nhà báo không được đưa tin về những vụ việc không có căn cứ rõ ràng; đưa tin sai sự thật; phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân; không được tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.
 
    4. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền và nghĩa vụ từ chối tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo, người cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng, về người có hành vi tham nhũng nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên để phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử.
 
    5. Khi đưa tin trên báo chí về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, cơ quan báo chí, nhà báo đưa tin sai sự thật phải cải chính, xin lỗi theo quy định của pháp luật về báo chí. Nếu lợi dụng quyền thông tin báo chí để xuyên tạc, vu khống thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Thu Hà
;
.