Kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư

Thứ Tư, 05/09/2018, 15:44 [GMT+7]
    Bài viết dưới đây tổng hợp kinh nghiệm của một số nước trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực tư, dựa trên tài liệu được trình bày tại Hội thảo về tham nhũng trong khu vực tư được tổ chức bởi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc và Đại sứ quán Anh tại Hạ Long những ngày cuối tháng 8-2018.
 
    1. Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) 
 
    Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng có hiệu lực thực thi đối với Việt Nam kể từ năm 2009 và là văn bản pháp lý quốc tế phổ cập nhất trong lĩnh vực PCTN. Công ước đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý tối thiểu chung cho các quốc gia thành viên trong phòng, chống tham nhũng, nhất là trong khu vực tư. Khoản 1 Điều 12 Công ước quy định các quốc gia thành viên Công ước, trên cơ sở luật pháp quốc gia, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng liên quan đến lĩnh vực tư, tăng cường các chuẩn mực kế toán, kiểm toán liên quan đến lĩnh vực tư; ban hành các chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự có hiệu lực đối với các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, Công ước UNCAC không có hiệu lực áp dụng trực tiếp ở Việt Nam. Để thực thi Công ước UNCAC, đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành nội luật hóa, chuyển các quy định của Công ước UNCAC thành pháp luật thực định Việt Nam. 
Theo quy định của Công ước UNCAC, chủ thể của tội phạm tham nhũng trước hết là “công chức” và khái niệm công chức trong phạm vi điều chỉnh của Công ước UNCAC là tương đối toàn diện, bao gồm cả hai đối tượng: Công chức của quốc gia; công chức của nước ngoài và công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công (Điều 2 Công ước). Ngoài ra, cũng theo Công ước thì các hành vi như hối lộ công chức nước ngoài, đưa và nhận hối lộ trong lĩnh vực tư đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 16 Công ước UNCAC quy định về hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công và Điều 21 Công ước UNCAC quy định hành vi hối lộ trong lĩnh vực tư.
 
    Căn cứ vào các quy định của Công ước, Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc (The UN Compact) mà Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã tham gia về phát triển kinh doanh bền vững đã bổ sung Nguyên tắc thứ 10: Các doanh nghiệp cần nỗ lực để chống tham nhũng dưới mọi hình thức, bao gồm cả vòi vĩnh và hối lộ. Mặc dù được nêu ra với tính chất là chuẩn mực tối thiểu, tuy nhiên những quy định, nguyên tắc trên cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. 
 
    2. Quy định của một số nước về PCTN trong khu vực tư
 
    Nội luật hóa UNCAC, pháp luật nhiều nước trên thế giới đã xây dựng một hệ thống pháp luật, gồm nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành hoặc một luật chuyên ngành để điều chỉnh vấn đề này. 
 
    - Vương quốc Anh
 
    Luật chống hối lộ 2010 là công cụ pháp lý quan trọng nhất trong việc PCTN của Vương quốc Anh. Sự ra đời của Luật được đánh giá là việc thể hiện vai trò hàng đầu của Anh trong việc xóa bỏ tham nhũng và hỗ trợ sự phát triển thương mại quốc tế. Luật cũng thể hiện chính sách xử lý nghiêm khắc và toàn diện đối với các hành vi hối lộ nói chung và hối lộ trong kinh doanh nói riêng (tăng mức phạt tù cao nhất lên 10 năm so với 7 năm theo Luật cũ).
 
    Pháp luật Anh quy định bốn loại hành vi: (1) đưa hối lộ, (2) nhận hối lộ, (3) đưa hối lộ cho công chức nước ngoài để đạt được hoặc duy trì công việc hoặc một lợi ích trong hoạt động kinh doanh, (4) không ngăn ngừa hối lộ của tổ chức thương mại. Trách nhiệm về tội “không ngăn ngừa hối lộ của tổ chức thương mại” không thay thế cho trách nhiệm về các tội hối lộ khác nếu các tội phạm đó được thực hiện nhân danh tổ chức và vì lợi ích của tổ chức. Chủ thể chịu trách nhiệm hình sự về tội “không ngăn ngừa hối lộ của tổ chức thương mại” chính là các tổ chức thương mại. Đây có thể xem là một điển hình của việc quy định trách nhiệm của pháp nhân về sự tắc trách để xảy ra tham nhũng. 
 
    Bên cạnh đó, năm 2011, Bộ Tư pháp Anh đã ban hành Hướng dẫn về những thủ tục (biện pháp) mà các tổ chức thương mại liên quan có thể áp dụng để ngăn ngừa hối lộ. Hướng dẫn được áp dụng đối với các tổ chức thương mại thuộc mọi khu vực và mọi quy mô. Mục đích của việc ban hành hướng dẫn này là để giúp các tổ chức thương mại phòng ngừa nguy cơ hối lộ khiến họ trở thành chủ thể của tội “không ngăn ngừa hối lộ”. Hướng dẫn xác định các chính sách, biện pháp phòng ngừa hối lộ cần được thực thi một cách thích đáng, thường xuyên và có kiểm soát cũng như các thủ tục (biện pháp) phải rõ ràng, khả thi, dễ tiếp cận và có thể thực thi một cách hiệu quả. Trong đó, Hướng dẫn đưa ra các nguyên tắc bắt buộc các tổ chức thương mại phải áp dụng, bao gồm: Các thủ tục (biện pháp) tương xứng; Cam kết cấp cao; Đánh giá nguy cơ; Cẩn trọng thích đáng ; Truyền thông (gồm cả tập huấn; Kiểm soát và giám sát.
 
    - Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức
 
    Pháp luật của CHLB Đức về PCTN trong kinh doanh được xác định trên cơ sở một số văn bản quan trọng nhất là: Bộ luật Hình sự (BLHS), Luật về vi phạm hành chính, Luật chống cạnh tranh không lành mạnh và các luật khác có liên quan như Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã... 
 
    BLHS của CHLB Đức quy định về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư gồm các tội phạm về cạnh tranh (Điều 299); nhận và đưa hối lộ trong giao dịch kinh doanh (Điều 300). Những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng của nhận và đưa hối lộ trong giao dịch kinh doanh. Hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù giam và tịch thu tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, BLHS Đức không quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân, pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính của công ty đối với các tội phạm tham nhũng thực hiện nhân danh công ty. Chế tài phạt tiền lên đến 10 triệu eur đối với vi phạm cố ý và 5 triệu eur đối với vi phạm vô ý; tịch thu những lợi ích có được từ các tội phạm tham nhũng (do cá nhân thực hiện đem lại cho công ty).
 
    Ngoài ra, các luật khác có liên quan như Luật doanh nghiệp (Điều 405), Luật hợp tác xã (Điều 152) quy định các vi phạm hành chính về đưa, nhận lợi ích có liên quan đến phiếu bầu tại các đại hội cổ đông của doanh nghiệp, của hợp tác xã.
 
    Luật chống cạnh tranh không lành mạnh (các Điều 3, 4, 5, 9) quy định cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quy định về trách nhiệm bồi thường dân sự trong đó bên được bồi thường là chủ sở hữu hoặc người quản lý của người phạm tội hoặc đối thủ cạnh tranh bị thiệt hại, bên phải bồi thường là người đưa hối lộ hoặc người nhận hối lộ.
 
    - Cộng hòa Pháp
 
    Quy định về tham nhũng trong khu vực tư của Cộng hòa Pháp được đưa vào Bộ luật lao động. Điều L.152-6 Bộ luật lao động tội phạm hóa cả hành vi đưa và nhận hối lộ với chủ thể nhận hối lộ là nhân viên hoặc người quản lý. Hình phạt chính được quy định là phạt tù đến 2 năm và phạt tiền tới 30.000 eur và hình phạt bổ sung là tịch thu của hối lộ và tài sản do phạm tội mà có; cấm tham gia các hoạt động nghề nghiệp hoặc xã hội; công khai bản án. Năm 2016, Luật PCTN được ban hành với rất nhiều chính sách nghiêm khắc chống tham nhũng trong khu vực tư. Theo đó những công ty, tập đoàn lớn (có hơn 500 nhân viên và doanh thu hơn 100 triệu euro/1 năm- Pháp có khoảng 1600 công ty có quy mô này) bắt buộc phải thực hiện 08 biện pháp gồm: Thông qua một bộ quy tắc ứng xử; Đánh giá rủi ro tham nhũng đối với cty; Đào tạo nhân viên và báo cáo nội bộ... Pháp cũng có hoạt động thanh tra và có hình phạt rất nghiêm để xử lý tham nhũng trong các công ty này, hình phạt tiền có thể lên đến 1 triệu eur nếu các công ty không áp dụng biện pháp này, chưa nói đến các hình phạt khác áp dụng cho các cá nhân khi thực hiện hành vi tham nhũng. Ngoài ra, Pháp cũng đang xem xét thông qua Luật chống hối lộ với những tinh thần và nội dung tương tự như Luật chống hối lộ của Vương quốc Anh. 
 
    - Liên bang Nga
 
    Những công cụ pháp lý quan trọng đối với việc PCTN trong kinh doanh của Liên bang Nga bao gồm: Luật chống tham nhũng, Bộ luật hình sự, Bộ luật về vi phạm hành chính.
 
    Luật chống tham nhũng quy định các hành vi tham nhũng, bao gồm: Lạm dụng chức vụ hoặc quyền hạn, Đưa hối lộ cho công chức quốc gia hoặc công chức nước ngoài/công chức của tổ chức quốc tế công, Hối lộ thương mại (gồm cả đưa và nhận), Hỗ trợ (môi giới) hối lộ. Theo quy định của Luật chống tham nhũng, chủ thể của các hành vi tham nhũng trong kinh doanh bao gồm: Thành viên của HĐQT; Thành viên của ban giám đốc; Người đang thực hiện một công việc hoặc trách nhiệm thường xuyên hoặc tạm thời đối với những chức năng tổ chức, kỉ luật, hành chính hoặc kinh tế của tổ chức. 
 
    Luật chống tham nhũng còn có quy định về trách nhiệm của các tổ chức trong việc thực hiện các biện pháp chống tham nhũng yêu cầu các công ty hoạt động tại Nga thực hiện các chương trình tuân thủ chống tham nhũng, bao gồm: Xác định trách nhiệm của các bộ phận và nhân viên đối với việc tuân thủ pháp luật chống tham nhũng; Ban hành các biện pháp hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật; Phát triển và thực hiện những chuẩn mực, biện pháp bảo đảm hoạt động kinh doanh có đạo đức; Ban hành bộ quy tắc nghề nghiệp và quy tắc ứng xử cho đối với tất cả nhân viên; Xây dựng chính sách kiểm soát và chống xung đột lợi ích; Ngăn ngừa việc sử dụng các giấy tờ, văn bản giả mạo, trong đó có các báo cáo tài chính. Việc không thực thi tuân thủ theo quy định này có nguy cơ chịu phạt tiền rất nặng theo quy định của Bộ luật về các vi phạm hành chính: mức cao nhất lên tới 100 lần giá trị của hối lộ (Điều 19.28). Trách nhiệm hành chính theo Bộ luật này áp dụng đối với cả thể nhân và pháp nhân.
 
    Bên cạnh Luật chống tham nhũng, Bộ luật Hình sựcủa Nga quy định các tội xâm phạm lợi ích dịch vụ trong các tổ chức thương mại và các tổ chức khác, bao gồm: Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn (Điều 201); Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn của công chứng tư hoặc giảng viên tư (Điều 202); Tội hối lộ trong thương mại (gồm cả đưa và nhận hối lộ) (Điều 204). Chủ thể nhận hối lộ là người giữ vị trí lãnh đạo trong tổ chức kinh doanh hay tổ chức khác là người thực hiện vai trò thành viên HĐQT, ban điều hành hoặc đang được giao thường xuyên hoặc tạm thời chuyên trách việc tổ chức phân phối sản phẩm hoặc quản lý kinh tế trong các tổ chức đó. Hình phạt đối với tội phạm này là phạt tiền, phạt bằng lương hoặc thu nhập trong một thời gian, phạt tù có thời hạn (cao nhất là 12 năm đối với tội nhận hối lộ trong thương mại), phạt cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định.
 
    - Nhật Bản
 
    Nhật Bản có một hệ thống pháp luật chống tham nhũng trong khu vực tư khá toàn diện và chặt chẽ, gồm: Luật công ty, Luật về các công cụ và giao dịch công cụ tài chính, Luật phá sản, Hướng dẫn phòng ngừa hối lộ công chức nước ngoài - Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.
 
    Trong Luật công ty, quy định một số tội phạm về tham nhũng trong kinh doanh như: các tội phạm bội tín (Điều 960, Điều 961); tội sử dụng tài liệu giả mạo (Điều 964); tội đưa hoặc nhận hối lộ (Điều 967); tội đưa hoặc nhận hối lộ liên quan tới việc thực hiện quyền của cổ đông (Điều 168).Tương tự như vậy, Luật về các công cụ tài chính và giao dịch công cụ tài chính cũng quy định tội đưa và nhận hối lộ (Điều 203). Luật phá sản có những quy định tương tự tại Chương XIV (Các quy định về hình sự) về hai tội nhận hối lộ (Điều 273) và tội đưa hối lộ (Điều 275). Ngoài ra, Hướng dẫn phòng ngừa hối lộ công chức nước ngoài (sửa đổi mới nhất năm 2015) đã quy định khá chi tiết về hệ thống tuân thủ để phòng ngừa hối lộ công chức nước ngoài (tương tự với nội dung của Hướng dẫn của Bộ Tư pháp Anh).
 
    - Trung Quốc
 
    Những công cụ pháp lý quan trọng nhất đối với việc PCTN trong kinh doanh của Trung Quốc là BLHS và Luật chống cạnh tranh không lành mạnh.
 
    BLHS (sửa đổi năm 2009) đã quy định các hành vi phạm tội trong một chuỗi có liên quan, thể hiện đầy đủ cả khía cạnh phòng ngừa và chống tham nhũng: từ cung cấp báo cáo kế toán hoặc sổ sách kế toán gian dối đến giấu giếm tài sản hoặc phân chia tài sản sai trái trong quá trình thanh lý (có bản chất như tham ô tài sản), từ nhận và đưa hối lộ đến hành vi có tính chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn khác trục lợi cho cá nhân. Luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc cấm các nhà quản lý doanh nghiệp không được sử dụng tiền hoặc tài sản hoặc các phương tiện khác để hối lộ người khác để bán hoặc mua hàng hóa. Hành vi sẽ bị coi là đưa hối lộ nếu những người quản lý đưa khoản hoa hồng bí mật cho các tổ chức hoặc cá nhân khác mà không có chứng từ kế toán thông thường. Hành vi sẽ bị coi là nhận hối lộ nếu các tổ chức hoặc cá nhân nhận khoản hoa hồng bí mật mà không có chứng từ kế toán (Điều 8). Hành vi đưa hối lộ theo Điều 8 nếu chưa cấu thành tội phạm trong Bộ luật hình sự sẽ bị phạt tiền và bị tịch thu tài sản bất chính theo Luật này (Điều 22).
 
    - Hoa Kỳ
 
    Những quy định về PCTN trong kinh doanh của Hoa Kỳ chủ yếu nằm ở hai đạo luật quan trọng là BLHS, Luật chống hối lộ công chức nước ngoài (FCPA) và Hướng dẫn về Luật chống hối lộ công chức nước ngoài. Ngoài ra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đưa ra Hướng dẫn về đạo đức kinh doanh để quản lý một doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm trong những nền kinh tế thị trường mới nổi. Đáng chú ý là BLHS Hoa Kỳ quy định các tội phạm đưa hoặc nhận các khoản hoa hồng hoặc quà để đạt được những khoản vay (Điều 215 BLHS) và Luật chống hối lộ công chức nước ngoài (FCPA) quy định tội đưa hối lộ cho công chức nước ngoài  (Điều 78dd) trong đó chủ thể đưa hối lộ là các công ty và cá nhân đang kinh doanh ở nước ngoài. FCPA yêu cầu các công ty đại chúng đáp ứng được một số chuẩn mực liên quan đến các hoạt động kế toán, sổ sách, chứng từ và kiểm soát nội bộ, như: Vai trò của ban giám đốc; truyền thông về chính sách và biện pháp chống tham nhũng; xác định quyền hạn và trách nhiệm trong công ty; giám sát, tự quản và nguồn lực và đánh giá nguy cơ mà các công ty đang đối mặt...
Nguyễn Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
.