Bình Thuận: Kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2015

Thứ Ba, 16/02/2016, 10:34 [GMT+7]
    Ngay từ đầu năm 2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch về trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2015 và Quyết định phê duyệt Chương trình công tác tư pháp năm 2015. Nhìn chung, công tác cải cách tư pháp trong năm được triển khai thực hiện khá nghiêm túc, kịp thời và đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng công việc. 
 
    Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trên địa bàn tỉnh đảm bảo tuân thủ đúng quy trình theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND và các văn bản pháp luật có liên quan; các văn bản QPPL ban hành đều được Sở Tư pháp thẩm định, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. 
 
    UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 434/KH-UBND ngày 10-02-2015 về rà soát VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành năm 2015 và các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã ban hành Kế hoạch rà soát theo nhiệm vụ được giao.
 
    Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát VBQPPL liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; lĩnh vực phí và lệ phí ; rà soát, bãi bỏ 05 Quyết định liên quan đến lĩnh vực du lịch. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp thu thập các dữ liệu về VBQPPL và tiến hành cập nhật các dữ liệu về VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành để đưa lên hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. Đến nay, tổng số văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành được tập hợp để tiến hành rà soát là 562 văn bản (71 Nghị quyết; 456 Quyết định và 35 Chỉ thị). Kết quả rà soát bước đầu: 64 văn bản hết hiệu lực (02 Nghị quyết; 60 Quyết định và 02 Chỉ thị); 498 văn bản còn hiệu lực (Trong đó, 11 văn bản hết hiệu lực một phần: 01 Nghị quyết và 10 Quyết định, Chỉ thị; đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế 37 văn bản: 11 Nghị quyết, 25 Quyết định và 01 Chỉ thị; đề nghị bãi bỏ 11 văn bản: 10 Quyết định và 01 Chỉ thị; đề nghị ban hành mới 03 Quyết định).
 
Một Hội nghị tổng kết công tác cải cách tư pháp tỉnh Bình Thuận
Một Hội nghị tổng kết công tác cải cách tư pháp tỉnh Bình Thuận
    Công tác rà soát được thực hiện thường xuyên, ổn định, đạt kết quả tốt, góp phần hoàn thiện việc xây dựng VBQPPL của địa phương. Công tác hệ thống hóa VBQPPL hoàn thành đúng thời hạn quy định đã góp phần sắp xếp hệ thống VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh được khoa học, có tính hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng văn bản. 
 
    UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện việc tự kiểm tra 63 văn bản QPPL (04 Nghị quyết, 58 Quyết định và 01 Chỉ thị) và 10 Quyết định cá biệt do HĐND, UBND tỉnh ban hành; kiểm tra theo thẩm quyền 100 văn bản QPPL và 03 văn bản cá biệt do HĐND, UBND cấp huyện ban hành. Kết quả, các văn bản được kiểm tra phù hợp với quy định của pháp luật.
 
    UBND cũng chỉ đạo Sở Tư pháp ký hợp đồng Cộng tác viên kiểm tra văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh là cán bộ, công chức đang công tác tại các Sở, ngành (Công an, Xây dựng, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Uỷ ban MTTQVN tỉnh…). Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc tự kiểm tra VBQPPL theo chuyên đề, lĩnh vực.
 
    Tổ chức bộ máy ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn một bước và đi vào hoạt động khá ổn định, đội ngũ cán bộ công chức được nâng lên về trình độ, tinh thần trách nhiệm, lề lối tác phong làm việc đã có những chuyển biến tích cực. Biên chế cho ngành Tư pháp địa phương ở cả 3 cấp được tăng cường. Cụ thể, Sở Tư pháp đã thực hiện 37/40 biên chế được giao năm 2015 và 02 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Các đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp thực hiện 31/24 (Phòng Công chứng số 1 đã thực hiện 14/6 biên chế được giao; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thực hiện 6/6 biên chế được giao; Trung tâm Trợ giúp Pháp lý nhà nước thực hiện 11/12 biên chế sự nghiệp). Đối với tư pháp cấp huyện thì bình quân số lượng biên chế là 05 người/Phòng Tư pháp; riêng Phòng Tư pháp thị xã Lagi, thành phố Phan Thiết là 06 biên chế và Phòng Tư pháp huyện Phú Quý là 03 biên chế. Đối với cấp xã thì có gần 90% UBND xã đã bố trí đủ 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch.
 
    Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trợ giúp pháp lý (TGPL) được đẩy mạnh, tăng cường, giữ vững được hình thức, ổn định về chất lượng, thực hiện đúng tiến độ, góp phần kịp thời giải đáp những vướng mắc cũng như nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND ngày 12-3-2015 quy định mức chi và quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác hòa giải cơ sở; Quyết định số 747/QĐ-HĐPBGDPL ngày 13-3-2015 về kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL năm 2015.
 
    Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện...; duy trì và thực hiện Chỉ thị số 32/CT-UBND ngày 03-11-2010 về việc tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Ngày pháp luật” trên địa bàn tỉnh. Ban hành Kế hoạch số 3532/KH-UBND ngày 7-10-2015 triển khai tổ chức Ngày Pháp luật năm 2015 trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015”.
 
    Ban hành Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 06-01-2015 về kiện toàn Ủy viên Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh; Báo cáo số 54/BC-UBND ngày 24-3-2015 về kết quả 08 năm triển khai thi hành Luật TGPL; Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 13-5-2015 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2015.
 
    Công tác TGPL tiếp tục được đẩy mạnh và tăng cường, nhất là TGPL cho các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong năm, đã tiến hành TGPL 4.200 vụ việc. Nhìn chung, nội dung và chất lượng các cuộc TGPL đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần kịp thời giải đáp những vướng mắc cũng như nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
 
    Công tác quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của nhân dân; quản lý nhà nước về giám định tư pháp hoạt động khá ổn định, góp phần tích cực vào phục vụ tốt cho công tác điều tra, xét xử. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo… được quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả tốt. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4199/QĐ-UBND ngày 27-12-2014 về kế hoạch triển khai thi hành Luật công chứng năm 2014, Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 24-7-2015 quy định mức trần thù lao công chứng; Quyết định quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng; Báo cáo sơ kết thực hiện Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” giai đoạn 2011-2015.
 
    Đến nay, toàn tỉnh có 19 Tổ chức hành nghề công chứng với 26 Công chứng viên. Nhìn chung, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, đáp ứng cơ bản được nhu cầu của nhân dân. 
Chỉ đạo Sở, ngành tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 32/CT-UBND ngày 16-11-2009 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của luật sư trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển hành nghề luật sư đến 2020 theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp; chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Đoàn luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng.
 
    Đến nay, toàn tỉnh có 18 Văn phòng Luật sư, 01 Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và 12 Chi nhánh tại 4 địa bàn với 28 luật sư. Hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, đã tham gia giải quyết nhiều vụ việc, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 
 
    Hoạt động giám định đảm bảo tuân thủ các quy trình và đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chất lượng giám định cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cơ quan và người trưng cầu giám định, phục vụ kịp thời yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Toàn tỉnh có 02 tổ chức giám định pháp y và 07 cơ quan chuyên môn có hoạt động giám định tư pháp với 93 giám định viên và 01 Người giám định tư pháp theo vụ việc.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách tư pháp trong năm 2015 còn một số khó khăn, tồn tại. Bộ máy, biên chế của cơ quan Tư pháp các cấp còn thiếu so với nhiệm vụ được giao. Số lượng cán bộ có chức danh tư pháp: Công chứng viên, Luật sư, Giám định viên, Trợ giúp viên pháp lý, Đấu giá viên… còn thiếu so với thực tế công việc và nhu cầu hiện nay. Công tác tuyên truyền, PBGDPL, TGPL đã có nhiều cố gắng, song hình thức tuyên truyền, phổ biến chưa có nhiều đổi mới.
 
    Năm 2016, tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 05-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện lộ trình đào tạo, bồi dưỡng và kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác tư pháp từ cấp tỉnh đến cơ sở theo Luật Hộ tịch năm 2014, Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22-12-2014 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Tư pháp thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Chỉ thị số 54-CT/TU ngày 10-8-2010 của Tỉnh ủy Bình Thuận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp địa phương trong tình hình mới để đảm bảo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Ban hành Quy chế phối hợp trong thực hiện công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh. 
 
    Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 08-4-2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; trong đó, tiếp tục chú trọng phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Hiến pháp năm 2013.
 
    Phối hợp, thực hiện khảo sát các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có nhu cầu để tổ chức TGPL lưu động về cơ sở. Tổ chức các TGPL lưu động về tại các xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố nơi có đông đảo người khuyết tật, người nhiễm HIV, đồng bào dân tộc thiểu số…
 
    Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rà soát, bổ sung, cập nhật hướng dẫn nghiệp vụ, công khai hóa các mẫu biểu liên quan đến hoạt động của ngành tư pháp, chú trọng nâng cao chất lượng công việc, tránh gây phiền hà cho nhân dân; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hiện tiết kiệm; nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan tư pháp.
 
    Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công chứng; Luật sư, tư vấn pháp luật; đấu giá cũng như tiếp tục thực hiện Quyết định số 2621/QĐ-UBND ngày 25-10-2013 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại Bình Thuận giai đoạn 2013 - 2020. Triển khai thực hiện Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16-02-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản; Công văn số 2416/BTP-BTTP ngày 07-7-2015 của Bộ Tư pháp về thành lập, kiện toàn, củng cố Hội công chứng viên. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Quy chế “Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng trên địa bàn tỉnh”.
 
    Nâng cao chất lượng thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật; đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chức năng, nhiệm vụ thường xuyên khác như: Thi hành án dân sự; trợ giúp pháp lý; giải quyết các việc về hộ tịch có yếu tố nước ngoài, bồi thường nhà nước, cấp Phiếu lý lịch tư pháp; thực hiện các công việc về giám định tư pháp, giao dịch đảm bảo; thanh tra, thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Thành Đạt
(VOV)
;
.