Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp

Thứ Ba, 09/02/2016, 11:53 [GMT+7]
    1. Kết quả đạt được trong quan hệ phối hợp giữa Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ban nội chính trung ương.
 
    Trong thời gian qua, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và ngành Nội chính Đảng đã xây dựng được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, thống nhất. Để bảo đảm công tác phối hợp, ngày 05-92014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 256-QĐ/TW ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác nội chính và PCTN. Trên cơ sở đó, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động thực hiện việc cung cấp, thông báo, trao đổi thông tin với Ban Nội chính Trung ương về công tác nội chính và PCTN; thông tin đầy đủ nội dung, tiến độ, quan điểm, kết quả xử lý các vụ việc theo đúng Quy chế. Quá trình xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch công tác; các báo cáo định kỳ, báo cáo sơ kết, tổng kết, báo cáo đề án, chuyên đề khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều có sự phối hợp, trao đổi thông tin chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương để phối hợp theo dõi, đôn đốc việc giải quyết. Bên cạnh đó, giữa hai cơ quan cũng thường xuyên có sự trao đổi thông tin về tình hình an ninh, chính trị, những bức xúc của nhân dân, tình hình khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài; triển khai thực hiện nghiêm Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ngày 25-5-2012, Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Chỉ thị số 35CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 37-KH/BNCTW ngày 18-82014 của Ban Nội chính Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
    Trong công tác phối hợp với Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử lãnh đạo, kiểm sát viên tham gia các đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp tại một số địa phương; chỉ đạo các đơn vị trong ngành cung cấp tài liệu phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát theo yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương; phối hợp tổ chức các cuộc họp đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong 03 năm (2013-2015), Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử 03 đồng chí lãnh đạo cấp vụ và các kiểm sát viên tham gia các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại 11 bộ, ngành Trung ương và 10 địa phương(1); tổ chức 02 Hội nghị công tác đấu tranh PCTN trong toàn quốc (tháng 7-2014 và tháng 7-2015); chỉ đạo tăng cường trách nhiệm thực hiện chức năng công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng trên toàn quốc (Công văn số 1991/VKSTCV1B ngày 30-6-2014 và Công văn số 1782/VKSTC-V1B ngày 15-5-2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
 
    Chấp hành nghiêm Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 01HD/TW của Ban Bí thư về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy định về việc thực hiện Chỉ thị số 15CT/TW của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát nhân dân (Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quy định số 100QĐ/BCSĐ ngày 12-9-2014 thay thế Quy định số 02/QĐVKSTC ngày 17-10-2008) bảo đảm việc quy định và hướng dẫn đầy đủ, chặt chẽ, chính xác.
 
Đoàn Kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN làm việc với Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tháng 9-2013.
Đoàn Kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN làm việc với Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tháng 9-2013.
    Phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tham gia góp ý, gửi các nội dung tham luận để Ban Nội chính Trung ương giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN; từ đó tổ chức Hội nghị: “Nâng cao chất lượng công tác giải quyết án tham nhũng” trong toàn ngành Kiểm sát để quán triệt đầy đủ những yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhất là Thông báo số 92-TB/BCĐTW ngày 17-72014 về Kết luận của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Viện kiểm sát nhân dân. Bên cạnh đó, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện theo dõi, tổng hợp báo cáo tiến độ giải quyết, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị trong việc giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đề nghị của Ban Nội chính Trung ương; cử các thành viên tham gia xây dựng các đề án, đề tài của Ban Nội chính Trung ương; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Báo cáo công tác nội chính và PCTN theo Công văn số 339-CV/BNCTW ngày 14-8-2013 của Ban Nội chính Trung ương đối với báo cáo tình hình hàng quý, 6 tháng và 12 tháng. 
 
    Chủ động phối hợp với Ban Nội chính Trung ương nắm bắt tình hình, tổ chức các cuộc họp liên ngành để bàn biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hoặc định hướng giải quyết những vụ việc, vụ án có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ban Nội chính Trung ương trong việc trao đổi thông tin đã kịp thời thống nhất đề xuất đưa các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm vào danh mục thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết, đáp ứng tốt yêu cầu chính trị, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng nói riêng. Kết quả cụ thể là:
 
    - Năm 2013, đã đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo 12 vụ án, 06 vụ việc; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc 15 vụ án, 05 vụ việc; một số tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo 24 vụ án, 16 vụ việc tham nhũng, kinh tế (tổng số 78 vụ việc, vụ án).
 
    - Năm 2014, đã bổ sung vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo 05 vụ án; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc 07 vụ án; một số tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo 25 vụ án, 27 vụ việc tham nhũng, kinh tế (tổng số 64 vụ án, vụ việc).
 
    - Năm 2015, đã bổ sung vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo 04 vụ án; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc 07 vụ án; một số tỉnh ủy chỉ đạo xử lý 91 vụ việc, vụ án tham nhũng (tổng số 102 vụ việc, vụ án).
 
    - Phối hợp tham mưu cho Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch để đưa ra xét xử sơ thẩm 08 vụ án trọng điểm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng gồm: (1) Vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm; (2) vụ án Phạm Văn Cử và đồng phạm; (3) vụ án Trần Quốc Đông và đồng phạm; (4) vụ án Dương Thanh Cường và đồng phạm; (5) vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; (6) vụ án Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm; (7) vụ án Lê Hùng Sơn và đồng phạm; (8) vụ án Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm. Đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra để truy tố 02 vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam trước Đại hội lần thứ XII của Đảng.
 
    Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tham mưu cho Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo khẩn trương kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử những vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Theo dõi, đề xuất về kết quả và đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo, xử lý. Kết quả công tác điều tra, truy tố, xét xử (từ năm 2013 đến tháng 30-9-2015) như sau:  
 
    - Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 25 vụ/256 bị can về tội tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm(2).
 
    - Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 15 vụ, đạt 62,5%; Viện kiểm sát đã truy tố 15 vụ/15 vụ, đạt 100%; Tòa án đã xét xử 12 vụ/ 135 bị cáo (án có hiệu lực pháp luật 07 vụ/81 bị cáo).
 
    - Đã kịp thời đưa ra xét xử được 03/08 vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam; vụ án xảy ra tại Agribank Chi nhánh 6 và Công ty Dệt kim Đông Phương; vụ án xảy ra tại Ban quản lý Dự án Đường sắt, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam).
 
    Kết quả xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua cho thấy, đã có nhiều bị cáo bị tuyên phạt mức án chung thân, tử hình. Các bản án và hình phạt đã tuyên đều nghiêm khắc, thể hiện sự kiên quyết của các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng, của Đảng, Nhà nước trong việc xử lý nghiêm các vụ án, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Không xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội đang lên án, đặc biệt là đối với các tội phạm về chức vụ, để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và đặc biệt là những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
 
    Hiện nay, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan tố tụng tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án, phấn đấu hoàn thành việc truy tố, xét xử theo kế hoạch đối với 05/08 vụ án còn lại theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, góp phần vào sự thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng.
 
    Như vậy, với những kết quả nêu trên, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ban Nội chính Trung ương đã có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất và hiệu quả cao trong việc tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc xử lý những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Chất lượng hoạt động của các cơ quan nội chính đạt hiệu quả cao hơn ở các khâu từ việc quản lý và xử lý tố giác, tin báo tội phạm đến phát hiện, bắt tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Qua công tác phối hợp, đã thực hiện nghiêm túc Quyết định số 162-QĐ/TW và Quy định số 163-QĐ/TW ngày 01-02-2013 của Bộ Chính trị; tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo giải quyết, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời gian qua.
 
    Tuy nhiên, việc trao đổi, cung cấp thông tin ban đầu đối với một số vụ việc, vụ án còn chưa kịp thời; có thời điểm công tác phối hợp còn có sự lúng túng, chưa xác định được đầu mối trực tiếp trong việc tiếp nhận, trao đổi thông tin. Khó khăn trong công tác tổng hợp số liệu, đánh giá tình hình, cụ thể là việc thống nhất về thời điểm lấy số liệu báo cáo.
 
    Nguyên nhân chủ yếu do Quy chế phối hợp mới được triển khai thực hiện, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan khác nhau, cơ chế thông tin báo cáo chưa có sự thống nhất; thời điểm lấy số liệu báo cáo của ngành Kiểm sát và Ban Nội chính Trung ương chưa trùng nhau.
 
    2. Một số giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa Ban nội chính trung ương và Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
 
    Để thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong việc tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc xử lý những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thực hiện một số giải pháp sau:
 
    Một là, tiếp tục phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 123-2012 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số địa phương, bộ, ngành; Kế hoạch số 38-KH/BNCTW ngày 18-82015 của Ban Nội chính Trung ương về việc thực hiện Chỉ thị số 38-CT/BCT ngày 03-012014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại Phiên họp thứ 8 ngày 16-10-2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN;
 
    Hai là, khẩn trương phối hợp xây dựng và hoàn chỉnh văn bản tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo, chỉ đạo về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan truy tố, xét xử Trung ương và địa phương trong ủy quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế;
 
    Ba là, tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu công tác cải cách tư pháp trong tình hình mới;
 
    Bốn là, tăng cường phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; các tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo xử lý; đặc biệt là những vụ án dự định đưa ra xét xử trước Đại hội khóa XII của Đảng; kịp thời phối hợp cung cấp thông tin về PCTN cho báo chí theo đúng quy định;
 
    Năm là, quan tâm phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác chính trị, tư tưởng, và công tác tổ chức cán bộ, nhất là thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng;
 
    Sáu là, phối hợp nghiên cứu tham gia ý kiến, kiến nghị, đề xuất hoàn thiện chế định về thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là việc xem xét tiếp nhận chuyển giao đầu mối quốc gia về thu hồi tài sản tham nhũng cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Công văn số 5614/VPCP-V .I ngày 17-7-2015 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc chuyển giao đầu mối quốc gia về thu hồi tài sản tham nhũng cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao);
 
    Bảy là, tiếp tục phối hợp đánh giá sơ kết, tổng kết tình hình, kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan. Chủ động phối hợp báo cáo kết quả, khó khăn, vướng mắc, tiến độ xác minh các vụ việc và công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý để báo cáo Ban Chỉ đạo;
 
    Tám là, tăng cường công tác phối hợp dựa trên tình hình thực tế, nhiệm vụ chính trị được giao của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ban Nội chính Trung ương để chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung, biện pháp phối hợp cụ thể nhằm đem lại hiệu quả công tác phối hợp cao hơn;
 
    Đề nghị các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương tiếp tục dành sự quan tâm, giúp đỡ và tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị của ngành trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Hải Phong
(Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
;
.