10 năm thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ Hai, 18/01/2016, 15:20 [GMT+7]
    Ngay sau khi Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24-8-2015 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan bám sát nội dung của Nghị quyết, triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương. 
 
    10 năm qua (2005 – 2015), Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã ban hành 3.072 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Trong đó HĐND, UBND tỉnh ban hành 487 VBQPPL; HĐND, UBND cấp huyện ban hành 373 VBQPPL; HĐND, UBND cấp xã ban hành 1.734 VBQPPL. Các VBQPPL của tỉnh ban hành cơ bản đều phù hợp với các VBQPPL do các cơ quan Trung ương ban hành và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, có tính thực tiễn, khả thi cao, có tác động tích cực hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các điều kiện đảm bảo cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của tỉnh. Đồng thời, thông qua công tác thẩm định đã phát hiện nhiều dự thảo văn bản quy định không đúng thẩm quyền, không phù hợp với quy định của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc có phạm vi, đối tượng điều chỉnh không rõ ràng, thể thức và kỹ thuật trình bày sai với quy định của pháp luật, từ đó kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý.
 
Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình
Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình
    Công tác tự kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa VBQPPL được các cấp, các ngành thực hiện tương đối nghiêm túc. Sở Tư pháp đã thực hiện tự kiểm tra đối với 487 VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh (97 Nghị quyết, 354 Quyết định và 36 Chỉ thị); Phòng Tư pháp cấp huyện đã giúp HĐND, UBND cùng cấp tự kiểm tra đối với 359 VBQPPL; Công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã đã giúp HĐND, UBND cấp xã thực hiện kiểm tra đối với 1.770 VBQPPL. 
 
    Công tác theo dõi thi hành pháp luật có nhiều chuyển biến, bước đầu có sự gắn kết với Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính và kiểm tra VBQPPL. Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác theo dõi thi hành pháp luật, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành; biên soạn, phát hành sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật để cấp phát cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh bảo đảm nâng cao chất lượng và thống nhất trong quá trình xây dựng, góp ý, kiểm soát thủ tục hành chính, thẩm định, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản.
 
    Việc xử lý vi phạm hành chính được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, cơ bản đi vào nền nếp; xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan, đúng thẩm quyền. 
 
    Việc triển khai các nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện bài bản, theo kế hoạch thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương; gắn với các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước và địa phương; tập trung vào những văn bản pháp luật mới, có phạm vi điều chỉnh rộng liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội và các quyền, nghĩa vụ của người dân. Nhiều hình thức phổ biến pháp luật đã được sáng tạo, đổi mới phù hợp với địa phương, cơ sở và đối tượng được phổ biến. Nguồn nhân lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay đã kiện toàn được 100 báo cáo viên cấp tỉnh, 273 báo cáo viên cấp huyện và hơn 800 tuyên truyền viên pháp luật
 
    Đi đôi với việc xây dựng thể chế về xây dựng pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, cơ cấu tổ chức, biên chế thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật cũng được quan tâm kiện toàn. Năm 2005, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế ở tỉnh mới chỉ có 17 người, ở cấp huyện là 22 người, cấp xã là 145 người. Đến nay, con số này được nâng lên là 38 cán bộ pháp chế ở cấp tỉnh, 30 cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật ở cấp huyện và 187 cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật ở cấp xã, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 48/NQ-TW và yêu cầu thực tiễn địa phương.
 
    Về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực làm công tác pháp luật, năm 2005, toàn tỉnh có 184 cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật và công tác pháp chế, trong đó có 40 người có trình độ cử nhân Luật, 78 người có trình độ trung cấp Luật và 66 người có trình độ chuyên ngành khác. Đến năm 2015, trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác pháp luật đã được nâng lên một cách rõ rệt, với tổng số 255 cán bộ thì có 02 người có trình độ Thạc sỹ, 159 người có trình độ Cử nhân Luật, 37 người có trình độ Trung cấp Luật và 57 người có trình độ chuyên ngành khác.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-TW ở tỉnh Ninh Bình còn gặp một số khó khăn hạn chế như: Một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo và triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện công tác xây dựng VBQPPL; công tác xây dựng và ban hành VBQPPL còn bị động, phải chờ và phụ thuộc vào việc hướng dẫn và giao nhiệm vụ của các cơ quan trung ương; kinh phí cho công tác xây dựng văn bản nói chung cũng như công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL nói riêng chưa được bố trí thường xuyên, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ phải triển khai thực hiện; đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật tuy được củng cố kiện toàn, có tăng về số lượng, cơ bản đảm bảo về chất lượng để thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng so với yêu cầu công việc hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công việc được giao, được phân cấp. Đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch ở cơ sở không ổn định và thường xuyên thay đổi qua mỗi kỳ bầu cử, đại hội. Ngoài ra, hiện nay các thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành ban hành để hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quy định về tổ chức pháp chế. Do vậy, không thể giữ lại Phòng Pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ...
 
    Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 48/NQ-TW ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách đồng bộ, thống nhất và kịp thời, tránh tình trạng luật đã có hiệu lực nhưng không tổ chức triển khai thực hiện được, vì còn phải chờ hướng dẫn của trung ương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, bảo đảm luật ban hành có hiệu lực được tổ chức triển khai đồng bộ. Quy định trách nhiệm hành chính đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức và người dân. Tiếp tục rà soát, phân loại để kiến nghị, sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ những thủ tục hành chính rờm rà, không còn phù hợp, làm cho hệ thống VBQPPL của địa phương đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và có tính khả thi cao. Nhiệm vụ nào đã phân cấp, phân quyền cho cơ quan cấp dưới thì phải ban hành văn bản để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc; cần phải có biện pháp để đảm bảo số lượng biên chế của công chức làm công tác VBQPPL ở địa phương và sớm ban hành chính sách đãi ngộ, hỗ trợ để thu hút, tạo điều kiện cho những người trực tiếp làm công tác xây dựng VBQPPL. Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn để xác định vị trí pháp lý và sự tồn tại của Phòng Pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Tăng cường và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỷ năng xây dựng VBQPPL chuyên ngành cho công chức làm công tác xây dựng pháp luật ở địa phương.
Đoàn Thị Ngọc Hải
(Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình)
;
.