Quảng Nam: Một số kết quả và kinh nghiệm qua 05 năm thực hiện công tác cải cách tư pháp

Thứ Tư, 02/12/2015, 16:15 [GMT+7]
    05 năm qua, các cấp, các ngành tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị đạt một số kết quả đáng ghi nhận.
 
    Nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò hoạt động tư pháp, sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách tư pháp được nâng lên rõ rệt. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp từng bước được kiện toàn, số lượng, chất lượng cán bộ tư pháp được nâng lên và xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ từ đó nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, việc tranh tụng tại phiên tòa bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. 
 
    Thực hiện tốt việc tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án nhân dân cấp huyện, đã giải quyết được tình trạng tồn đọng án ở tòa án cấp tỉnh; việc mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân đối với các khiếu kiện hành chính; việc giao tòa án nhân dân quyết định biện pháp cưỡng chế đưa người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục được chú trọng.
 
    Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, hoạt động công chứng, giám định, luật sư theo đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Việc xã hội hóa hoạt động công chứng đã có thành công bước đầu, giảm tải được nhiều vụ việc cho công chứng nhà nước, phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp đạt được kết quả tích cực, chất lượng được nâng lên. Chính sách đối với cán bộ tư pháp từng bước được cải thiện.  Việc đầu tư xây dựng trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp được quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cơ chế lãnh đạo của Đảng và giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đối với công tác tư pháp đạt hiệu quả tích cực.
 
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và tổng kết công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 – 2015
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và tổng kết công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015
    Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan trong khối nội chính của tỉnh, các cấp ủy đảng huyện, thị, thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp gắn với công tác kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ đảng và giám sát của HĐND các cấp. Thành lập đoàn Kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23-11- 2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013. Tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12-03-2014 của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị(khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. 
 
    Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh tổ chức các cuộc làm việc, giao ban định kỳ với các cơ quan nội chính tỉnh và các cấp ủy đảng huyện, thị, thành phố về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, trong đó có công tác cải cách tư pháp. Giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác nội chính, cải cách tư pháp; chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc còn tồn đọng, kéo dài, những vấn đề còn có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng.   
 
    Tập trung lãnh đạo kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ, cải cách các hoạt động bổ trợ tư pháp, lãnh đạo và định hướng các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đảm bảo khách quan, độc lập trong xét xử của Tòa án, các phiên tòa diễn ra đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
 
    Lãnh đạo tỉnh thường xuyên lãnh đạo các ngành nội chính tham gia góp ý hoàn thiện các chính sách pháp luật. Ngành Công an đã tham gia góp ý xây dựng 124 văn bản dự thảo Luật, văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Công an, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị Kiểm sát viên hai cấp để quán triệt chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn mới; những biện pháp để nâng cao chất lượng công tố và triển khai Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo yêu cầu cải cách tư pháp.
 
    Thực hiện Quyết định số 1072/QĐ-TTg, ngày 05-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh có 16 văn phòng luật sư và 02 công ty luật, với 41 luật sư và 24 luật sư tập sự. Các tổ chức hành nghề luật sư đã tham gia tố tụng được gần 1.000 vụ việc; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý 730 vụ việc. Hội Luật gia tỉnh đã tham gia góp ý 29 dự thảo luật, phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật 196 đợt cho 3.217 lượt người; tư vấn miễn phí 320 vụ; tư vấn pháp luật cho 4.517 lượt bị can, bị cáo, phạm nhân.
 
    Các tổ chức giám định tư pháp đã thực hiện trên 3500 vụ việc; lực lượng kỹ thuật hình sự tiếp nhận và giám định 528 vụ, việc với 65.516 yêu cầu (tăng 215 vụ, tăng 62.266 yêu cầu so với cùng kỳ). Trên địa bàn tỉnh có 15 giám định viên tư pháp.
 
    Đến nay, trên địa bàn có 28 công chứng viên, với 17 tổ chức hành nghề công chứng (15 văn phòng công chứng và 02 phòng công chứng). Các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện được 50.600 hợp đồng, giao dịch được trên 22 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 5 tỷ đồng. 
 
    Về hợp tác quốc tế, thời gian qua, Cơ quan Điều tra công an các cấp trong tỉnh đã khởi tố, điều tra và đề nghị truy tố 08 bị can là người nước ngoài phạm tội trên địa bàn (chủ yếu là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Quá trình điều tra, Cơ quan Điều tra phối hợp với Sở Ngoại vụ, lãnh sự quán các nước, Văn phòng Interpol Việt Nam để xác minh nhân thân, lai lịch các đối tượng phạm tội là người nước ngoài, phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm.
 
    Triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác an ninh giữa Bộ Công an (Việt Nam) với Bộ An ninh (Lào). Công an tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở An ninh tỉnh SêKông (Lào) trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào qua địa bàn tỉnh. 
 
    Để tăng cường giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Pháp chế xây dựng chương trình hoạt động cụ thể; trong đó, chú trọng việc giám sát các cơ quan tư pháp cấp tỉnh, huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, Ban Pháp chế đã xây dựng kế hoạch giám sát chuyên đề hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân 2 cấp, hoạt động thi hành án dân sự của Chi Cục Thi hành án dân sự Tam Kỳ. Xây dựng các kế hoạch giám sát phục vụ các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đối với những vấn đề còn vướng mắc, được cử tri trong tỉnh quan tâm, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Ban Pháp chế đưa vào báo cáo thẩm tra trình kỳ họp, đồng thời gợi ý vấn đề để đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh chất vấn tại các kỳ họp. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp thông qua Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên hai cấp.
 
    Các cấp ủy đảng trong khối nội chính tuân thủ nghiêm các thủ tục, trình tự báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp, nhằm đảm bảo việc khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, truy tố đảng viên hoặc xử lý các vụ việc đúng quy định pháp luật và  nguyên tắc của đảng. Báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình chấp hành pháp luật và kết quả hoạt động kiểm sát, hoạt động xét xử trước các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện; trả lời đầy đủ, nghiêm túc những vấn đề mà các cơ quan cũng như cử tri chất vấn; đảm bảo việc nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và đại diện để giám sát hoạt động của ngành.
 
    Các cấp ủy đảng trong khối nội chính đã tăng cường công tác xây dựng Đảng trong việc giáo dục, quản lý, kiểm tra các tổ chức đảng và đảng viên, nhất là công tác tổ chức, cán bộ, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn bố trí, sử dụng cán bộ trong các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp.
 
    Qua 5 năm tổ chức thực hiện công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam rút ra một số kinh nghiệm như sau:
 
    Hoạt động của các cơ quan tư pháp phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của Hội đồng nhân dân, để đảm bảo công tác cải cách tư pháp thực hiện đúng hướng, hiệu quả, kịp thời phát hiện và khắc phục hạn chế, tồn tại trong quá trình thực thi pháp luật, tạo sự thống nhất về phương hướng, đường lối giải quyết trong những vụ án phức tạp.
 
    Tăng cường vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, đường lối trong công tác tư pháp, cải cách tư pháp, quản lý cán bộ, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động tư pháp, xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh là điều kiện quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tư pháp, cải cách tư pháp.
 
    Phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa các ngành trong khối nội chính, các cơ quan tư pháp và các cơ quan có liên quan trong quá trình điều tra, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
 
    Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong thực hiện pháp luật, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, nhất là diễn đàn lắng nghe ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng lực lượng Công an nhân dân ở các cấp.
                                                                                  Lê Kim Từ
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam)
;
.