Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vụ việc tham nhũng

Thứ Ba, 22/12/2015, 14:49 [GMT+7]

    (BNCTW) - Để làm tốt công tác tham mưu, đề xuất cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vụ việc tham nhũng ở địa phương, Ban Nội chính tỉnh ủy Kiên Giang đã tổng hợp, đánh giá tình hình về tham nhũng từ các nguồn: qua báo cáo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương (nhất là ngành công an, kiểm sát, toà án, thanh tra, kiểm tra); qua dư luận có căn cứ tin cậy về tham nhũng; các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài…); các nguồn tin báo tố giác tội phạm; đơn thư khiếu nại, tố cáo hành vi tham nhũng.

    Đồng thời Ban Nội chính Tỉnh ủy phân công cán bộ, chuyên viên theo dõi địa bàn và các cơ quan có liên quan; tổ chức họp giao ban định kỳ tháng, quý, 06 tháng, năm với các ngành nội chính; hoạt động kiểm tra, khảo sát nắm tình hình… để thu thập thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Thông, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy năm 2015
Đồng chí Nguyễn Hoàng Thông, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy năm 2015

    Qua nắm tình hình, Ban đã tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hằng năm phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đưa nội dung kiểm tra, giám sát công tác công phòng, chống tham nhũng vào kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Đồng thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, phát hiện những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, kiến nghị cấp uỷ, chính quyền có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.  

    Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh lãnh đạo ngành Thanh tra tỉnh hằng năm tiến hành khảo sát xây dựng kế hoạch thanh tra kinh tế-xã hội; phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: đầu tư xây dựng, đất đai, tín dụng, ngân hàng, thuế, ngân sách, mua sắm công... Qua thanh tra phát hiện tham nhũng gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội quan tâm, thì phối hợp đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chủ trương định hướng giải quyết theo quy định của Đảng và Nhà nước.

    Ngoài ra Ban còn phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu, đề xuất Thường trực, Ban Thường vụ, Uỷ ban nhân dân tỉnh cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng thuộc chức năng quyền hạn của hai cơ quan hoặc được cơ quan có thẩm quyền giao. Phối hợp, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước trong việc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng nhằm thực hiện có hiệu quả hơn việc phát hiện vụ việc tham nhũng.

    Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác tham mưu, đề xuất cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vụ việc tham nhũng là công việc khó khăn, phức tạp. Tại Hội nghị toàn quốc các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy năm 2015, đồng chí Nguyễn Hoàng Thông, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang đã chia sẻ một số kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, đó là:

    Một là: Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu giúp Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Nội chính cần nắm chắc tình hình tham nhũng, nhất là khiếu nại, tố cáo tham nhũng trên địa bàn. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất; công tác hướng dẫn, kiểm tra của Ban.

    Hai là: Thực hiện tốt các Quy chế phối hợp giữa Ban với Đảng uỷ Công an, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát, Ban cán sự đảng Toà án, Thanh tra Tỉnh và Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ trong công tác phòng, chống tham nhũng. Định kỳ hoặc xét thấy cần thiết đánh giá việc thực hiện Quy chế để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

    Ba là: Lãnh đạo Ban thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho cán bộ phụ trách theo dõi địa bàn được tiếp cận và có mối quan hệ tốt với đơn vị cơ sở, cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc theo dõi địa bàn để nắm thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

    Bốn là: Cán bộ phải nắm vững nghiệp vụ, phân tích đánh giá được các thông tin, vụ án, vụ việc và các dấu hiệu có liên quan đến tham nhũng để tham mưu lãnh đạo Ban kịp thời, chính xác.

Đặng Phước

;
.