Nghệ An: Quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thi hành pháp luật

Thứ Tư, 30/09/2015, 14:47 [GMT+7]
    (BNCTW) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của tỉnh Nghệ An có chuyển biến tích cực, chất lượng ban hành văn bản ngày càng được nâng lên.
 
    Từ năm 2005-2015, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành 1.161 VBQPPL trong đó có 413 nghị quyết, 597 quyết định và 151 chỉ thị. HĐND và UBND cấp huyện ban hành 5.390 VBQPPL trong đó có 1211 nghị quyết, 2173 quyết định và 2006 Chỉ thị. HĐND và UBND cấp xã ban hành 40.808 VBQPPL, trong đó có 18.578 nghị quyết, 15.086 quyết định và 7144 chỉ thị. Nhiều văn bản có nội dung điều chỉnh các lĩnh vực quan trọng như: thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi, cải cách thủ tục hành chính nhất là các vấn đề liên quan đến cấp giấy phép đầu tư, xây dựng cơ bản, xây dựng nếp sống văn hoá.
 
Cán bộ ngành kiểm sát tỉnh Nghệ An
Cán bộ ngành kiểm sát tỉnh Nghệ An
    Hàng năm, Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tự kiểm tra và kiểm tra VBQPPL từ đầu năm, trên cơ sở đó UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành chủ động triển khai, thường xuyên tổ chức việc tự kiểm tra các VBQPPL do UBND tỉnh ban hành. Từ năm 2015 UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tự kiểm tra gần 4.125 văn bản, UBND tỉnh đã có quyết định xử lý, sửa đổi, bổ sung 151 văn bản, thay thế, bãi bỏ 604 văn bản. Nhìn chung, công tác xây dựng, ban hành văn bản đã thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo về nội dung, thể thức và thẩm quyền ban hành, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
 
    Trên cơ sở kế hoạch kiểm tra VBQPPL được UBND tỉnh xây dựng từ đầu năm, Sở Tư pháp thành lập đoàn kiểm tra các huyện trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2005 - 2015 đã kiểm tra 100 lượt huyện (toàn tỉnh có 21 huyện, thành phố, thị xã). Các đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra 335.874 văn bản (văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính), phát hiện 1.947 có dấu hiệu trái pháp luật, tập trung chủ yếu ở một số nội dung như: ban hành không đúng thẩm quyền, sử dụng sai căn cứ pháp lý, trình tự, thủ tục và thể thức, kỹ thuật trình bày không đúng quy định... Tính đến 30-6-2015, có 93/100 đơn vị được kiểm tra đã thực hiện nghiêm túc việc xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật và báo cáo kết quả xử lý về Sở Tư pháp.
 
    Về tổ chức thi hành pháp luật, hàng năm Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo UBND tỉnh ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực: pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ môi trường; pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch; pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng; pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
 
    Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thi hành pháp luật được quan tâm. Chính quyền các cấp đã quyết định những biện pháp cụ thể, sát sao để chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhiệm vụ, kế hoạch triển khai thi hành pháp luật tới cán bộ toàn ngành; phát động thi đua và thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
 
    Việc áp dụng pháp luật vào cuộc sống đã được các cơ quan nhà nước, tổ chức và người dân quan tâm thực hiện. Các cơ quan thi hành pháp luật nhận thức ngày càng sâu sắc về vai trò quan trọng của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội và ý thức rõ về quyền hạn, trách nhiệm của mình trong việc áp dụng các quy định của pháp luật. Trên cơ sở quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đã tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định, đồng thời ban hành các quy chế, quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thựctiễn của địa phương, ngành. Từ đó góp phần giúp hệ thống cơ quan quản lý hành chính tỉnh Nghệ An vận hành đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả trong quá trình quản lý kinh tế - xã hội, an ninh trật tự.
 
    Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An đã chủ động, phối hợp thực hiện tốt việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo tội phạm, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hàng năm, tỷ lệ giải quyết tin báo đều đạt trên 95% (vượt 5% theo chỉ tiêu Quốc hội và ngành cấp trên giao). Từ năm 2005 - 2015, không để xảy ra trường hợp bị khởi tố oan, sai. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân cũng thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội; thực hiện đúng quy định về kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và việc thi hành án dân sự. 
 
Cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh Nghệ An
Cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh Nghệ An
    Tòa án nhân dân hai cấp đã chú trọng thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. 100% vụ án đưa ra xét xử đều thực hiện tranh tụng tại phiên tòa. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, tỷ lệ các vụ án có luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự ngày càng cao đảm bảo chất lượng tranh tụng ngày càng tốt hơn. Chất lượng xét xử được nâng lên, tỷ lệ số vụ án bị hủy, cải sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của thẩm phán hàng năm đã giảm xuống.
 
    Toàn ngành thanh tra đã thực hiện 1.850 cuộc thanh tra hành chính và 26.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý 311 tỷ đồng, đã thu hồi về Ngân sách nhà nước 302 tỷ đồng, giảm giá trị quyết toán 126 tỷ đồng, ban hành 22.853 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 65,3 tỷ đồng (đã nộp phạt 100%), kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý hành chính 315 tập thể, 708 cá nhân có sai phạm.
 
    Thực hiện Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008, đến nay trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 1.375.553 vụ việc với tổng số tiền thu phạt là 350.867.385.110 đồng.
 
    Cơ quan Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố, điều tra 19.120 vụ với 35.116 bị can; viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã truy tố 18.695 vụ với 33.835 bị can; Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã thụ lý giải quyết 26.003 vụ án hình sự với 45.196 bị cáo.
 
    Nhìn chung, công tác xử lý vi phạm pháp luật của địa phương đã được thực hiện một cách kịp thời, đúng thời gian luật định. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã căn cứ vào hành vi vi phạm, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm gây ra, xem xét, đối chiếu tương ứng với với các quy định cụ thể của pháp luật để ra các quyết định xử lý vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu thực hiện cải cách hành chính nhà nước. Các cơ quan tư pháp trong phạm vi, quyền hạn của mình đã thực hiện đúng trách nhiệm, đảm bảo việc xử lý vi phạm hình sự: truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
 
    Bên cạnh đó, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật theo nội dung của chiến lược xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao văn hóa pháp luật trong nhân dân đã được chú trọng hơn về hình thức và nội dung, số lượng đối tượng tiếp nhận thông tin pháp luật ngày một nhiều hơn và có hiệu quả hơn. Trong 10 năm, tỉnh đã tổ chức hàng nghìn cuộc tuyên truyền các quy định của pháp luật, trong đó tập trung chủ yếu các văn bản liên quan trực tiếp đến công tác, đời sống của nhân dân như Luật Đất đai; Luật Hôn nhân gia đình; Luật Dân sự; Luật Bình đẳng giới; Luật An ninh quốc gia; Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí ... Hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú như: tổ chức tọa đàm, hội nghị tập huấn, xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành các tập san, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; hướng dẫn, tổ chức triển khai Ngày pháp luật... Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động của Trung tâm công báo tỉnh, đảm bảo Công báo là công cụ hữu hiệu trong việc công bố, hiệu lực hóa các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mọi cơ quan, tổ chức và công dân; góp phần công khai, minh bạch các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính của Nhà nước, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
 
    Song song với các hoạt động trên, tỉnh đã thường xuyên tổ chức rà soát, kiện toàn, bổ sung đội ngũ báo cáo viên pháp luật; có nhiều chính sách nhằm phát triển đội ngũ luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 tổ chức hành nghề luật sư với 26 văn phòng luật sư và 03 công ty luật. Bên cạnh đó, hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng được tăng cường. Tổng số vụ việc được trợ giúp pháp lý giai đoạn 2005 - 2015 là 36.116 vụ việc với hơn 36.116 người được trợ giúp; đã tiến hành hàng trăm đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã thuộc trên địa bàn tỉnh…
Hoài Bắc
;
.