Năm 2015: Công tác thi hành án dân sự có chuyển biến tích cực

Thứ Tư, 23/09/2015, 10:43 [GMT+7]
    (BNCTW) - Trong năm 2015, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn thành các chi tiêu, nhiệm vụ của công tác thi hành án dân sự theo các Nghị quyết của Quốc hội. Với những kết quả đã đạt được trong 10 tháng năm 2015, có thể khẳng định công tác thi hành án dân sự tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
 
    Toàn ngành đã thụ lý 709.605 việc, tăng 9.148 việc so với cùng kỳ 2014; tổng số tiền thụ lý là 122.032 tỷ 748 triệu 143 nghìn đồng (tăng 36,48%). Tuy số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2014, nhất là về tiền, song 10 tháng năm 2015, hệ thống Thi hành án dân sự đã giải quyết xong số việc, tiền nhiều hơn về giá trị tuyệt đối (tăng 13.670 việc và trên 10.025 tỷ đồng) và về tỷ lệ (tăng 2,52% về việc và 7,01% về tiền) so với cùng kỳ năm 2014. 
 
    Việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng được tập trung chỉ đạo giải quyết. Công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo. 
 
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang làm việc với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp về công tác thi hành án dân sự
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang làm việc với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp
về công tác thi hành án dân sự
    Công tác triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự được thực hiện đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức bộ máy các cơ quan thuộc hệ thống tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường, số lượng công chức bị xử lý kỷ luật giảm so với cùng kỳ năm 2014. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục được chú trọng đầu tư. 
 
    Công tác triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại đạt được những kết quả quan trọng, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương xã hội hóa một số nội dung công tác thi hành án của Đảng ta. 
 
    Những kết quả đạt được cho thấy công tác thi hành án dân sự đã có những tiến bộ rõ rệt, kết quả thi hành án dân sự có xu hướng ngày càng bền vững, qua đó, góp phần quan trọng, tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang ghi nhận, biểu dương tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp về công tác thi hành án dân sự.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự còn một số tồn tại, hạn chế như: số việc và tiền chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về giá trị; còn một số vụ án lớn chưa được thi hành hiệu quả, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm chưa được xử lý dứt điểm; việc đánh giá, kiểm soát chính xác kết quả thực hiện một số chỉ tiêu mang tính định tính hoặc tuyệt đối hóa theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội còn gặp khó khăn; còn một số sai phạm trong việc ra quyết định thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án, vi phạm về trình tự, thủ tục. 
 
    Tiến độ xây dựng, ban hành một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự còn chậm so với Kế hoạch. Việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương (ngoài TP.Hồ Chí Minh) hiệu quả chưa cao. Việc triển khai Đề án “Xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho các cơ quan thi hành án dân sự và xây dựng các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW giai đoạn 2011 - 2015” còn chậm so với Kế hoạch…
 
    Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung cao độ tổ chức thực hiện và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án theo Nghị quyết của Quốc hội.
 
    Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung; tích cực tham gia, phối hợp xây dựng các văn bản pháp luật liên quan như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính, Luật đấu giá tài sản, nhất là các nội dung liên quan đến thi hành án dân sự, qua đó, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật thi hành án dân sự, nâng cao tính khả thi của các bản án, quyết định.
 
    Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành án, nhất là đối với những vụ việc trọng điểm, phức tạp, những vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng, những địa bàn, địa phương có lượng án phải thi hành lớn, như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.. ; đẩy nhanh tiến độ xét miễn, giảm đối với những vụ việc đã lập hồ sơ xong.
 
    Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra theo huớng có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự theo Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự; chú trọng công tác kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm, thiếu sót. 
 
    Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức thi hành án; xử lý nghiêm, kiên quyết thay thế những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà vi phạm đạo đức, lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ.
 
    Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11-02-2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự, Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Bộ Tư pháp đến năm 2016.
 
    Chủ động có giải pháp khắc phục, đồng thời, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, trên cơ sở đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án đã được phê duyệt về xây dựng trụ sở, kho vật chứng và đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự.
 
    Tiếp tục phát huy công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phưong; phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ thi hành án dân sự, hoạt động Thừa phát lại, công tác tổ chức cán bộ... Các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp và sự phối hợp của các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án... trong tổ chức thực hiện công tác thi hành án dân sự trên địa bàn…
Hoài Bắc
;
.