Cao Bằng: Kết quả tổ chức thi hành pháp luật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thứ Hai, 28/09/2015, 04:27 [GMT+7]
    Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và của tỉnh.
 
    UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/2013/CT-UBND ngày 09-8-2013 về việc tăng cường thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường tổ chức triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Các cấp chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật kịp thời, đúng quy định của pháp luật, phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương, góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
 
    Ngành công an chủ động đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm theo các chương trình, mục tiêu quốc gia của Chính phủ và cấp trên đề ra. Hàng năm đã tổ chức phát động nhiều đợt cao điểm tấn công truy quét các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh; do vậy, đã kiềm chế và làm giảm nhiều loại tội phạm nguy hiểm. Đã tiếp nhận 6.567 tin báo, tố giác tội phạm, trực tiếp giải quyết 1.860 tin và chuyển cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền 4.707 tin. Đã khởi tố 3.209 vụ/4.571 bị can, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 2.716 vụ/3.932 bị can, trong đó: tội phạm hình sự khởi tố 1.866 vụ/2704 bị can, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 1.490 vụ/2.267 bị can; tội phạm kinh tế, môi trường, giao thông khởi tố 137 vụ/219 bị can, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 90 vụ/148 bị can; tội phạm ma túy khởi tố 1.206 vụ/1.648 bị can, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 1.136 vụ/1.517 bị can. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý giam giữ, thi hành án hình sự đối với 4.070 phạm nhân theo đúng quy định của pháp luật. Nhìn chung việc điều tra, khởi tố các vụ án, vi phạm pháp luật đều thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, không có trường hợp oan sai và bỏ lọt tội phạm, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối tượng phạm tội góp phần giữ vững trật tự xã hội ở địa phương.
 
Một Hội nghị trực tuyến của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng
Một Hội nghị trực tuyến của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng
    Từ năm 2005 đến nay, toàn ngành Tòa án đã giải quyết, xét xử 9.781/10.003 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 97,7%, trong đó, xét xử án hình sự 4.673/4.704 vụ với 7.108/7.144 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 5.108/5.299 vụ án về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, hành chính, đạt tỷ lệ 96,3%. Trong việc xét xử các vụ án hình sự luôn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật, không có trường hợp nào kết án làm oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, hàng năm, ngành Tòa án Cao Bằng đã tổ chức xét xử lưu động hơn 80 vụ án hình sự tại các địa bàn nơi xảy ra vụ án.
 
    Viện kiểm sát hai cấp quan tâm làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp về hình sự. Đã thụ lý kiểm sát điều tra 4.503 vụ/6.753 bị can; ra quyết định truy tố 4.101 vụ/6.651 bị can; tham gia xét xử 3.995 vụ/6.131 bị cáo theo trình tự sơ thẩm, 339 vụ/477 bị cáo theo trình tự phúc thẩm, 05 vụ/09 bị cáo theo trình tự giám đốc thẩm. Phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án tiến hành xác định và tập trung giải quyết được 446 vụ án trọng điểm; tham gia gần 800 phiên tòa xét xử lưu động.
 
    Về kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát hai cấp tiến hành 690 cuộc kiểm sát trực tiếp tại nhà tạm giữ, trại tạm giam Công an cùng cấp; qua kiểm sát ban hành 08 kháng nghị, 323 kiến nghị yêu cầu khắc phục các vi phạm về công tác quản lý người bị tạm giữ, tạm giam; tiến hành 528 cuộc kiểm sát trực tiếp tại cơ quan thi hành án hình sự và UBND xã, phường về công tác thi hành án hình sự, qua đó ban hành 20 kháng nghị, 339 kiến nghị các loại yêu cầu khắc phục vi phạm; thực hiện 122 cuộc kiểm sát trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và 12 cuộc tại các cơ quan liên quan, ban hành 06 kháng nghị, 77 kiến nghị; thực hiện nhiều cuộc kiểm sát việc cưỡng chế thi hành án dân sự, việc tiêu hủy vật chứng, tang vật... bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
 
    Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp: đã tiếp nhận 1.235 đơn khiếu nại, tố cáo các loại; tiếp 160 lượt công dân tại cơ quan Viện kiểm sát. Quá trình tiếp nhận, thụ lý và giải quyết đơn, việc tiếp công dân được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Viện kiểm sát đã tiến hành 49 cuộc kiểm sát trực tiếp việc tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan tư pháp cùng cấp và cấp dưới, qua đó ban hành 20 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
 
    Cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp công tác, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu thi hành án được giao. Từ năm 2005 đến nay, cơ quan thi hành án dân sự hai cấp đã thụ lý 14.239 việc, trong đó, số có điều kiện giải quyết 13.974 việc, đã giải quyết xong 13.503 việc (đạt tỷ lệ 98%); kết quả thi hành về tiền: tổng số thụ lý 126.469 triệu đồng, số có điều kiện giải quyết 121.765 triệu đồng, đã giải quyết xong 103.946 triệu đồng (đạt tỷ lệ 85%). Đã thụ lý, giải quyết 100% đơn thư, kiến nghị, phản ánh của công dân.
 
    Công tác xử lý vi phạm hành chính được cơ quan chức năng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đã phát hiện 20.201 vụ vi phạm hành chính, với 20.840 người vi phạm, phạt tiền 22.553 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm pháp luật về khai thác lâm sản, khoáng sản, vi phạm các quy định về an ninh trật tự, an toàn giao thông...
 
    Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức hội nghị phổ biến, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, in ấn, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền (tờ gấp, sách pháp luật, đĩa DVD, VCD...), tuyên truyền thông qua tủ sách pháp luật, câu lạc bộ pháp luật, tổ hòa giải ở cơ sở. UBND tỉnh đã tổ chức 34 hội nghị triển khai văn bản pháp luật với gần 7.000 lượt đại biểu tham dự; các sở, ban, ngành và UBND các cấp tổ chức 166.889 hội nghị với 1.937.630 lượt đại biểu tham dự. 
 
    Từ năm 2013, hình thức tổ chức hội nghị trực tuyến được triển khai, áp dụng đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền các văn bản pháp luật, tiết kiệm chi phí và phổ biến tới nhiều đối tượng hơn so với các hình thức khác. Toàn tỉnh đã tổ chức 08 cuộc thi viết tìm hiểu Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh Dân số, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ, Luật Biên giới quốc gia, Hiến pháp năm 2013... thu hút hơn 158.000 người tham dự; 05 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với hình thức sân khấu hóa thu hút 1.339 người tham dự. In ấn, cấp phát 25.000 cuốn Bản tin tư pháp, 96.886 tờ áp phích tìm hiểu pháp luật, hơn 12.000 cuốn sách Hỏi - đáp pháp luật về phòng, chống tội phạm và các ấn phẩm tuyên truyền pháp luật khác. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật cho người dân, mỗi tủ sách có từ 150 đến 200 đầu sách các loại, hàng năm đều được đầu tư kinh phí, bổ sung các đầu sách mới.
 
    Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật được củng cố, kiện toàn. Toàn tỉnh có 95 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 227 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.459 tuyên truyền viên pháp luật; có 2.472 tổ hòa giải ở cơ sở với 12.829 hòa giải viên, các hòa giải viên đã thực hiện hòa giải các vụ việc, mâu thuẫn nhỏ tại cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh trật tự thôn, xóm.
 
    Công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện thường xuyên. Từ năm 2005 đến nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã tổ chức được 562 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, giải quyết được 4.053 vụ việc, tập trung vào các lĩnh vực pháp luật về dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và người có công với cách mạng...; tổ chức tư vấn 3.891 vụ, tham gia tố tụng được 112 vụ, trong đó bào chữa 76 vụ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp 34 vụ, đại diện ngoài tố tụng 02 vụ; hoà giải 40 vụ; kiến nghị 10 vụ…
Hoàng Nga
(Văn phòng Quốc hội)
;
.