Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - nhiệm vụ cấp bách trong chống "giặc nội xâm hiện nay"

Thứ Năm, 30/01/2014, 23:57 [GMT+7]
    Vin vào cái cớ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng ta bàn về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng một số người có quan điểm bất đồng, thậm chí đối lập với Đảng, Nhà nước ta để xuyên tạc sự thật, thổi phồng khuyết điểm, khuếch đại thiếu sót, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta v.v... Các thế lực thù địch muốn phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta; xóa bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; lái nước ta đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa có lợi cho phương Tây. Ý đồ của họ đã lộ diện, âm mưu, thủ đoạn của họ đã được công khai từ nhiều năm nay thông qua thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, kết hợp với bạo loạn lật đổ. Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, xem xét mọi vấn đề và xem đây như một loại “giặc nội xâm” để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới khắc phục suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sốngtrong một bộ phận cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, ngangtầm nhiệm vụ là một vấn đề rất quan trọngvà cấp bách trong tình hình hiện nay.
 
    Suy thoái tư tưởng chính trị, về thực chất, là sự phản ánh sai lệch hiện thực kháchquan từ việc phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, làm cho những cái tốt, ưu việt của chế độ ta bị xuyên tạc trở thành méo mó, thực hư, thật giả, trắng đen lẫn lộn, bị lợi dụng để thực hiện mục đích cá nhân theo kiểu “đục nước, béo cò”, biến cái tốt thành xấu. Vì thế, cái xấu có cơ hội nảy nở, lấn át cái tốt. Suy thoái tư tưởng chính trị không chỉ phản ánh sai lệch quan điểm, lập trường của người cộng sản mà còn phản ánh sai lệch các chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, do lương tâm, danh dự của họ đã bị lu mờ, hoen ố; tự thân, không thể nhận thức, phân biệt rõ ràng phải trái, đúng sai; không thể điều chỉnh thái độ, hành vi trong các quan hệ giao tiếp, ứng xử để đạt đến sự chuẩn mực đạo đức vốn có của người cộng sản. Từ đó khiến họ rơi vào lối sống buông thả, “quên tình nghĩa, xa rời đạo lý”; đề cao vật chất, sùng bái đồng tiền; nặng về hưởng lạc, ham chức, cậy quyền, đề cao “cái tôi”, coi thường tổ chức, chà đạp lên tập thể...
 
    Hiện tượng này tuy không phải là phổ biến, chỉ rơi vào một bộ phận cán bộ, đảng viên nhưng lại gây hại lớn cho xã hội; làm nhiều người tốt lo ngại, băn khoăn; thậm chí khủng hoảng niềm tin vào chân lý; có nơi lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, nhất là đối với tổ chức đảng và chính quyền địa phương bị giảm sút nghiêm trọng. Vì thế, việc tuyển chọn cán bộ, nhất là cán bộ ở vị trí quan trọng phải thật sự chú ý đến bản lĩnh chính trị, lập trường, quan điểm giai cấp, quá trình rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành của nhân sự. Kiên quyết không chấp nhận ai đó mà bản lĩnh chính trị non kém; sự tu dưỡng, rèn luyện, ý thức chấp hành kỷ luật không nghiêm vào các vị trí chủ chốt, nhất là ở những nơi mà điều kiện, hoàn cảnh dễ làm họ rơi vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống do sự lôi cuốn, cám dỗ của vật chất, sự mua chuộc của đồng tiền, sự hấp dẫn của chức quyền, sự đam mê của tửu sắc, sự tung hê, bợ đỡ của xã hội đen v.v...
 
    Suy thoái tư tưởng chính trị là một loại bệnh “nan y” nhưng không phải là vô phương, hết cách cứu chữa. “Cơ địa” chung của những người mắc bệnh này là ý thức trách nhiệm thấp, bản lĩnh chính trị non kém; tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức nhân cách người cách mạng không vững vàng nên không đủ sức cự tuyệt những cám dỗ vật chất, ham muốn đời thường, thiếu trung thực với tổ chức, song lại biết che đậy kín đáo trước các hành vi bất chính, bất lương. Khi cái lợi đến quá dễ dàng, lâu dần thành thói quen biến thành một sự sùng bái quyền lực, đồng tiền và sự hưởng lạc; đến lúc đó, họ không còn biết tự trọng danh dự, không còn hổ thẹn, cắn rứt lương tâm khi làm điều sai trái, những điều thất đức, phi nhân tính; họ cứ trượt dài, dần dần mất nhân cách người cách mạng. Cũng cần nói rằng, sự lệch lạc trong suy nghĩ, thoái hóa về tư tưởng chính trị thể hiện rõ ở việc phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, buông lỏng nguyên tắc sinh hoạt Đảng, nói và làm sai Nghị quyết, Điều lệ của Đảng là cái gốc đẻ ra các chứng bệnh: phát ngôn thiếu trách nhiệm, thực hiện pháp luật, kỷ luật không nghiêm; quan liêu, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền; áp đặt quan điểm chủ quan, duy ý chí, phiến diện, siêu hình trong quan hệ đạo đức, lối sống nên các hành vi, biểu hiện của nó hết sức phức tạp. Nó vừa là hệ quả, sản phẩm tất yếu do non kém cái này, vừa là nguyên nhân sinh ra cái kia và ngược lại. Sống, sinh hoạt trong một tổ chức tốt, một người có tư tưởng chính trị lành mạnh, đúng đắn thì họ luôn kiên định, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, không bao giờ làm những điều sai trái. Mọi cám dỗ, mua chuộc không thể chuyển lay, không vì lợi ích cá nhân mà hy sinh lợi ích tập thể và do đó có cuộc sống trong sạch, lành mạnh, luôn ngẩng cao đầu đúng với tư cách một con người, là một cán bộ, đảng viên nêu tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.
 
    Rõ ràng là, tư tưởng chỉ đạo hành động. Tư tưởng đúng thì hành động đúng, tư tưởng sai thì hành động sai, “sai một ly là đi một dặm” và nó có thể giết chết một con người, để lại tác hại khôn lường, những hậu quả khó khắc phục cho tập thể, tổ chức và xã hội. Có thể khẳng định rằng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sai lầm, suy thoái về đạo đức, lối sống và ngược lại. Cho nên, muốn không bị suy thoái tư tưởng chính trị dẫn đến các loại suy thoái khác thì chính trị của ta phải mạnh lên, đạo đức, lối sống của chúng ta phải thật sự trong sạch lành mạnh. Một vấn đề có tính nguyên tắc là phải quan tâm chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng; ra sức xây dựng môi trường văn hóa chính trị lành mạnh; làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước chiếm vị trí thống trị trong đời sống văn hóa - tinh thần xã hội ta. Đồng thời, phải làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật, kịp thời đưa những cán bộ, đảng viên không đủ tư cách ra khỏi tổ chức đảng; kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng tình hình, thổi phồng, bóp méo sự thật, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, Nhà nước ta.
 
    Suy thoái tư tưởng chính trị là một căn bệnh có nguồn gốc từ sự khinh thường vai trò của công tác chính trị, môi trường chính trị, nhất là giáo dục tư tưởng chính trị. Phải khẳng định rằng, ở đâu, nơi nào, môi trường chính trị không tốt, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy ở đó đã để tuột hoặc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, chất lượng sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt của các tổ chức quần chúng thấp; đấu tranh tự phê bình và phê bình bị coi nhẹ, vấn đề dân chủ, công khai, minh bạch kém hiệu quả; người đứng đầu thiếu tinh thần trách nhiệm v.v... thì ở nơi đó, có nhiều người vi phạm kỷ luật, thậm chí lâm vào tình trạng thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Sự thoái hóa tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống giống như một căn bệnh lây lan nếu không sớm phát hiện và chữa trị kịp thời. Mọi biểu hiện của lối sống vụ lợi, thực dụng, thói hư, tật xấu, hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức là hệ quả tất yếu của sự suy đồi tư tưởng chính trị của một tập thể, nhóm người và cá nhân mỗi người; trước hết là người đứng đầu tổ chức đảng, người chủ trì đơn vị.
 
    Vì vậy, muốn ngăn chặn, đẩy lùi, suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức lối sống; cần phải đẩy mạnh công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận, phê phán các quan điểm sai trái, phản động; khôi phục niềm tin trong nhân dân. Không thể có đạo đức, lối sống tốt nếu ai đó bị suy thoái về tư tưởng chính trị. Không thể có tư tưởng chính trị tốt nếu vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống và “sự lệch chuẩn” của nó đã rơi vào đồi bại, tha hóa. Vấn đề quan trọng hàng đầu là đề cao công tác phòng ngừa; có niềm tin trong đấu tranh chống tiêu cực, chống quan điểm sai trái; không nên để “bệnh tật” xảy ra rồi mới tìm thầy thuốc bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc, tìm cách cứu chữa. Mối quan hệ giữa suy thoái tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức và suy thoái lối sống là mối quan hệ giữa “kẻ tung người hứng”, a dua tòng phạm, cùng nhau đi đến một chỗ sai là phá bỏ chế độ, nền nếp, trật tự, kỷ cương; rũ bỏ luân thường đạo lý, vi phạm kỷ luật, làm sai luật pháp; gây tiêu cực cho xã hội, cản trở tiến bộ lịch sử. Cho nên, cần hiểu rằng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một cơ thể mang mầm bệnh ghép gồm ba chứng bệnh: suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, suy thoái về lối sống. Cả ba căn bệnh ấy đều bám nhau, dính chặt trên một cơ thể người bị “lệch chuẩn”; rất khó phân biệt một cách rạch ròi bản chất, nguyên nhân của từng loại bệnh. Ai đó chỉ cần mắc một chứng bệnh là lập tức bị lây nhiễm, mắc các chứng bệnh khác. Đương nhiên, ổ bệnh gây mầm vẫn là suy thoái về tư tưởng chính trị xét một cách toàn cục. Tuy nhiên, sự phát bệnh và biểu hiện rõ nhất, dễ nhìn thấy nhất có khi lại bắt đầu từ các hành vi thoái hóa đạo đức, lối sống thông qua các hành động “lệch chuẩn” của nó.
 
    Suy thoái tư tưởng chính trị là dấu hiệu đầu tiên dẫn đến nguồn gốc, bản chất, tính chất, hình thức biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống. Nếu suy thoái về tư tưởng chính trị được loại bỏ hoặc mất đi thì sớm hay muộn, suy thoái về phẩm chất đạo đức, nhân cách và lối sống, theo đó cũng sẽ mất theo. Ngược lại, những hình thức nảy sinh do suy thoái tư tưởng chính trị gây nên nhưng sự suy thoái về đạo đức, lối sống có tính độc lập tương đối. Nó ngấm ngầm hay công khai biểu hiện theo những con đường, cách thức riêng. Trường hợp này, công tác tuyên truyền, giáo dục không thể phát huy công dụng, hiệu quả, chỉ đến khi luật pháp vạch mặt, sai trái ấy ở một số người mới bị phơi bày, buộc phải thừa nhận.
 
    Để phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cán bộ, đảng viên cần đặc biệt quan tâm và làm tốt hơn công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng. Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn căn dặn chúng ta điều này, Người rất coi trọng tự phê bình và phê bình trong Đảng. Tư tưởng của Bác về tự phê bình và phê bình là một trong những nội dung cơ bản, có sự đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển lý luận Mác-Lênin; là nét đặc sắc trong tư tưởng của Người về xây dựng Đảng mácxít-lêninnít, là vũ khí lý luận sắc bén để đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại và các tiêu cực xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, nắm vững và thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả.
 
    Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” viết năm 1927, lần đầu tiên, Bác Hồ yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, không kể chức vụ, cấp bậc; không phân biệt người tuổi cao hay còn trẻ tuổi, đều phải tự nhận thức, tự đánh giá, hiểu đúng mạnh yếu của bản thân mình, từ đó mà “cả quyết sửa lỗi của mình… có lòng bày vẽ cho người… hay xem xét người”(1).
 
    Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác quan niệm: “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn nhau và giúp nhau sửa chữa khuyết điểm”(2). Theo Bác, tự phê bình phải đi đôi với phê bình. Hai mặt này phải kết hợp chặt chẽ, thống nhất với nhau, không thể tách rời nhau; không nên thiên vị, khuếch đại một mặt nào. Trong mối quan hệ biện chứng này, tự phê bình được coi là tiền đề, là cơ sở cho phê bình. Người nói: “Trước ta nói phê bình và tự phê bình, bây giờ phải nói tự phê bình và phê bình. Nói như thế là chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau”(3).
 
    Bác căn dặn: “Nói cái xấu phải nói cả cái tốt. Nếu chỉ chuyên nói cái xấu là lệch”(4). Do vậy, xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng, nhất là đánh giá con người phải đặc biệt thận trọng. Mục đích của tự phê bình và phê bình là để tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh hơn, mỗi người tốt hơn, sau khi được phê bình, tình đồng chí đồng đội tốt hơn, đoàn kết chặt chẽ hơn. Cho nên tự phê bình và phê bình đúng mực, chỉ ra được mặt ưu điểm và cả mặt khuyết điểm, các mặt ấy “có lý, có tình”, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và tâm lý con người; làm cho người ta “tâm phục, khẩu phục”, thấy ưu điểm là đúng, vui vẻ hơn, phấn chấn hơn, làm việc tốt hơn; đồng thời, thấy khuyết điểm cũng là đúng nên thoải mái lắng nghe, tiếp thu, sửa chữa để tiến bộ. Không nên dùng tự phê bình và phê bình để phê phán, chỉ trích, miệt thị nhau; làm cho người ta “mất mặt”, làm nhục tinh thần, thể xác con người theo nghĩa “vùi dập nhau”, “triệt hạ nhau”. Theo Bác, khi tự phê bình và phê bình “phải vạch cả ưu điểm và khuyết điểm… phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”(5). Trong mọi lúc, cái tâm của người phê bình phải sáng, cái đức phải cao; tự phê bình và phê bình sẽ kém hiệu quả nếu thiếu cái tâm, cái đức hoặc cái tâm, cái đức không trong, không sáng, lờ mờ.
 
    Trong hoạt động thực tiễn, người cộng sản dứt khoát không được che đậy, giấu giếm khuyết điểm mà cần công khai phê bình khuyết điểm. Bác cho rằng, “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(6). Đối với Đảng, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, tự phê bình và phê bình là “liều thuốc quý”, có tác dụng chữa và cắt được bệnh, đồng thời, bồi bổ, làm người ta phấn chấn, tăng thêm sức khỏe” để phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Vì lẽ đó, tự phê bình và phê bình cần cho tất cả mọi người như không khí để thở, nước để uống, để rửa mặt, làm vệ sinh hàng ngày. Bản chất tự phê bình và phê bình là giải quyết mâu thuẫn nội bộ Đảng, củng cố mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong nhân dân, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng, đưa đến bến bờ thành công. Tự phê bình và phê bình đã được quy định chặt chẽ trong Điều lệ Đảng, bảo đảm tính pháp lý để mọi tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên, bất kể là ai, đều phải chấp hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc.
 
    Xa rời tự phê bình và phê bình là xa rời bản chất Đảng, là nguy cơ gây ra tình trạng trì trệ, bảo thủ, là chỗ dựa vững chắc của sự tồn tại những khuyết điểm, sai lầm, yếu kém, của sự chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, tạo kẽ hở để những kẻ xu nịnh, thoái hóa, biến chất tồn tại; thậm chí, thao túng, lũng đoạn, làm cho Đảng biến chất, thoái hóa, mất sức chiến đấu. Vì vậy, tự phê bình và phê bình vừa là hành động cách mạng vừa là một nghệ thuật vừa mang tính khoa học cao. Việc phê bình, xem xét, đánh giá, chỉ rõ đúng sai nhất thiết phải bảo đảm tính trung thực, khách quan và công khai; phải phân tích kỹ lưỡng điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân khách quan, chủ quan tạo nên ưu điểm, dẫn đến khuyết điểm; tức là “nói có sách, mách có chứng”; có như vậy, ý kiến đóng góp, phê bình mới chính xác, có sức thuyết phục cao. Theo Bác, “khéo” sử dụng “vũ khí” tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng có nghĩa là biết dùng nghệ thuật để quan hệ, ứng xử sao cho thấu lý, đạt tình, công việc chung, riêng đều tốt, đạt hiệu quả.
 
    Vì vậy, phải kiên quyết hơn nữa trong triển khai thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng; kiên quyết đấu tranh, xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không để những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong tổ chức Đảng “con sâu làm rầu nồi canh”. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng hệ thống pháp luật, các chế độ, quy định thật cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ để ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; chọn người có đức, có tài bố trí vào các vị trí quan trọng, nhất là vị trí chủ trì cơ quan, đơn vị. Đổi mới cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ để cán bộ, đảng viên có đủ điều kiện “bảo liêm”, làm tốt việc nêu gương cho quần chúng học tập, noi theo. Chân lý là khách quan và luôn luôn cụ thể. Hãy lấy thực tiễn đời sống của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ và mức sống của họ làm gốc để đánh giá tài năng, đức độ, sự cống hiến của mỗi người, sự trung thành, trong sáng của họ. Đảng ta và nhân dân bao giờ cũng sáng suốt. Người dân lao động trông chờ, chỉ thật sự tin tưởng, đặt niềm tin, hy vọng vào ai, tổ chức nào nếu tổ chức đó, người đó sống, chiến đấu, lao động hết lòng vì họ; thật sự chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của họ. Điều đó hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của Đảng ta.
 
    Trong bối cảnh, tình hình mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là tất yếu khách quan và là một nguyên tắc không thể thay đổi. Bởi lẽ, với tư cách là một Đảng cầm quyền, Đảng ta phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về vận mệnh phát triển của dân tộc, sự phát triển và sự phồn vinh của đất nước, về độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Cho nên năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là những điều kiện đủ để Đảng thực hiện sự cầm quyền của mình, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, và nó đã được nhân dân Việt Nam thừa nhận, suy tôn, Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất của mình; nhân dân yêu mến, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và gọi tên Đảng với sự trìu mến, gần gũi, thân thương là Đảng ta.
 
    Trước đây cũng như hiện nay, nếu không nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng thì nguy cơ sai lầm về đường lối có thể xảy ra; cán bộ, đảng viên quan liêu, xa dân hơn; nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Thực tiễn cách mạng nước ta khẳng định rằng, để lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi, trước tiên Đảng Cộng sản Việt Nam phải đề ra đường lối đúng đắn; đường lối ấy phải được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân… Có như vậy, đường lối ấy mới đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực thực hiện và đường lối ấy sẽ trở thành hiện thực. Nếu xem nhẹ hoặc xa rời những điều nêu trên thì đường lối của Đảng đưa ra sẽ không sát thực, không đúng đắn, gây nên hậu quả khôn lường. Chính vì vậy, Đảng cầm quyền không được phép sai lầm về đường lối; cán bộ, đảng viên phải làm tốt việc nêu gương, nhất là những người chủ trì cơ quan, đơn vị.
 
    Trước sự biến đổi phức tạp của tình hình thế giới và yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là tất yếu khách quan, không có sự lựa chọn nào khác. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng hãy nỗ lực phấn đấu vươn lên, ra sức xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững bản lĩnh chính trị, tận dụng tốt thời cơ, quyết tâm vượt qua mọi nguy cơ, thách thức; lãnh đạo cơ quan, đơn vị khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để vững tin bước vào thời kỳ mới; sát cánh kề vai cùng nhân dân cả nước xây dựng đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hãy coi đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một trong những nhiệm vụ cấp bách của việc chống “giặc nội xâm” như Bác Hồ đã
căn dặn chúng ta!.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.2, Nxb CTQG, H.1995, tr.260.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.267, 229-306.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr.206, 322.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr.206, 322.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.267, 229-306.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.261, 265.

 

Đại tá, PGS, TS, NGƯT. Nguyễn Bá Dương
(Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng)

;
.