Điểm báo tuần số 376 từ ngày 13/7 đến ngày 19/7 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 20/07/2020, 14:15 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Công lý, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Sức khỏe và Đời sống, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/7) đồng loạt đăng tải nội dung Phiên họp 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; việc triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội; việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội; việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Tại phiên họp 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về: Việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường Cao đẳng công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán nhà nước; Tổng kết kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ thứ 10 của Quốc hội. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Vĩnh Phúc, Hà Nội mới, Biên Phòng, Đài TNVN, TTXVN (14/7) cho biết, Ðoàn công tác Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ có buổi kiểm tra tại tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2021; kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh năm 2019 và sáu tháng đầu năm 2020. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả Vĩnh Phúc đã đạt được, đặc biệt là công tác CCHC, thực hiện các chính sách dân tộc trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và tâm lý, đời sống của nhân dân. Ðồng chí nhấn mạnh: Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lâm nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác CCHC với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là tiếp tục kịp thời tháo gỡ các rào cản để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận. Ðồng thời, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn kết chặt giữa các chính sách tinh giản biên chế với thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về đánh giá công chức, viên chức, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ làm công tác dân tộc thực hiện chính sách dân tộc nói riêng; tập trung phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Công lý, Thanh tra, Tiền Phong, Xây Dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/7) đưa tin, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Ðảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác dân vận trong hoạt động hòa giải. Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nêu rõ, hơn 20 năm qua, với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành tư pháp, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Con số gần 100 nghìn tổ hòa giải cơ sở, 600 nghìn hòa giải viên, gần 900 nghìn vụ, việc được tiến hành hòa giải trong 5 năm qua với tỷ lệ 80,6% hòa giải thành công mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc. Ðiều này không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh, mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thắt chặt tình cảm, góp phần giữ bình yên, ổn định xã hội, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư. Ðến nay, với Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và hoạt động của hòa giải viên lao động, trọng tài lao động trong quy định của Bộ luật Lao động, cùng với các cơ chế hòa giải, đối thoại được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Ðất đai, Luật Khiếu nại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng..., hoạt động hòa giải đã bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Thanh tra, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Công lý, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương, Hải quan, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17/7) cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021. Tại hội nghị, báo cáo việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong sáu tháng cuối năm 2020 và năm 2021 là 17 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; việc soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật đưa vào chương trình, các dự án sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10, tháng 10/2020; thực hiện tốt việc rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay từ khâu soạn thảo để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là công tác quan trọng, khâu đột phát quyết định sự phát triển đất nước; đối với những giải pháp nhằm khắc phục bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị các dự án luật, đều là các giải pháp truyền thống; đề nghị các cơ quan, bộ, ngành, đơn vị hữu quan nghiêm túc thực hiện bảo đảm hoàn thành chương trình đề ra.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Nông nghiệp, Giao Thông, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (18/7) dẫn nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên cho biết đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đảng viên Phạm Ngọc Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy Cơ quan chính quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An. Trong thời gian 1996-1997, đồng chí Phạm Ngọc Thanh đã thiếu trung thực, không gương mẫu khi kê khai trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Mặc dù biết bản thân không đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định nhưng đồng chí Thanh vẫn tham gia ứng cử, nhận đề cử để được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong các tổ chức đoàn thể, cấp ủy, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo chính quyền địa phương, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước. Thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với đảng viên Lê Văn Tiến Dũng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ Quân sự thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An. Trong thời gian giữ các chức vụ Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã An Mỹ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy An giai đoạn 2008 - 2009, đồng chí Lê Văn Tiến Dũng đã thiếu trung thực trong việc kê khai nguồn gốc sử dụng đất, biết gia đình mình không thuộc đối tượng Nhà nước giao đất rừng sản xuất, nhưng vẫn kê khai để được UBND huyện Tuy An cấp ba giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 12,5 héc ta không đúng quy định của Luật Đất đai. Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 3/2020, đồng chí Dũng đã kê khai tài sản, giải trình biến động, nguồn gốc tài sản, thu nhập không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời là thiếu gương mẫu, chấp hành không nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Lao Động, Đầu tư, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, VietnamNet (14/7) cho biết, Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố bị can Nguyễn Minh, cựu Đại úy, điều tra viên Đội điều tra tổng hợp - Công an huyện giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, về tội “Nhận hối lộ”. Kết quả điều tra cho thấy, Nguyễn Minh Bá được phân công thụ lý giải quyết vụ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ dẫn đến chết người. Bá đã nhiều lần gọi điện thoại cho bà K, là mẹ đối tượng gây chết người trong vụ tai nạn giao thông. Khi bà K nhờ giúp đỡ, Bá ra điều kiện phải đưa 90 triệu đồng để lo liệu cho con bà K được hưởng án treo. Sau đó, bà K đã gặp và đưa cho Bá 15 triệu đồng thì bị Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ập vào bắt quả tang.
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Giao Thông, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (16/7) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Cần Thơ cho biết, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 02 tháng đối với ông Lê Văn Trứ, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh quận Bình Thủy, để điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ông Trứ liên quan sai phạm đất đai tại quận Bình Thủy vì buông lỏng công tác quản lý đất đai trên địa bàn, cho phép điều chỉnh loại đất, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định; tách thửa, chia lô, bán nền, xây dựng nhà không phép, sai phép, san lấp kênh rạch, lấn chiếm đất, hình thành nhiều khu dân cư tự phát có cơ sở hạ tầng thấp kém. Liên quan sai phạm này, cuối năm 2019, Công an TP Cần Thơ khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn bị can là chuyên viên, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy, điều tra cùng về hành vi trên.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, TTXVN (16/7) cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Minh Sơn, nguyên Đại úy Trại tạm giam - Công an tỉnh Bình Thuận, về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, Lê Minh Sơn đã lợi dụng nhiệm vụ được giao của mình để câu kết với Võ Ngọc Thiện, là phạm nhân đang chấp hành án năm năm tù đưa điện thoại vào buồng giam cho các can phạm đang bị tạm giam sử dụng để lấy tiền. Tổng số tiền Sơn nhận từ gia đình các can phạm chuyển qua tài khoản đứng tên vợ mình là 91 triệu đồng. Còn Thiện được người nhà các can phạm và Lê Minh Sơn chuyển tổng số tiền 27 triệu đồng. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Minh Sơn, 05 năm tù; xử phạt Võ Ngọc Thiện tổng hợp với hình phạt chưa chấp hành là 08 năm 07 tháng 15 ngày tù.
 
    Báo Nhân Dân, Hà Nội mới, Đại đoàn kết, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đầu tư, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, VietnamNet, TTXVN (17/7) phản ánh các nội dung Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2020 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020”. Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đạt được, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội  lưu ý một số hạn chế cần tập trung khắc phục: Công tác điều tra, khởi tố, xét xử, thi hành án còn chậm; công tác phối hợp mặc dù đã có nền nếp, nhưng cần được củng cố và phát huy hơn nữa; bộ máy lãnh đạo của các cơ quan tư pháp, nội chính vẫn chậm được kiện toàn; hệ thống quy định, đơn giá, định mức, chế độ, chính sách còn vướng mắc khi thực hiện theo quy định của Trung ương, thành phố và trong tổ chức thực hiện. Đồng chí yêu cầu, từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07 và các cấp, ngành thành phố tiếp tục tổ chức thông tin, truyền thông thật tốt các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền chủ động rà soát các quy định đơn giá, định mức chế độ để sửa đổi và kiến nghị các cơ quan Trung ương sửa đổi; rà soát, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ công tác của cán bộ ở các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, cán bộ, hải quan... Các cấp, ngành thực hiện nghiêm quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; thường xuyên rà soát, báo cáo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các vấn đề liên quan quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, thực hiện định mức, đơn giá các sản phẩm công ích.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17/7) đưa tin về cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021. Giải do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Cùng với Giải báo chí quốc gia và Giải búa liềm vàng, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” ngày càng khẳng định được uy tín và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo trong cả nước.Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh vai trò chủ lực trong công tác truyền thông về Giải của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Qua đó nhằm thu hút thêm số lượng và nâng cao chất lượng các tác phẩm tham dự Giải, góp phần quan trọng vào thành công của Giải. Song song với việc hoàn thiện Thể lệ Giải, Ban Tổ chức cần phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến cho các nhà báo về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí... 
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Bảo vệ pháp luật, Phụ nữ Việt Nam, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, VietnamNet (17/7) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đưa 03 bị cáo  Đỗ Thái Vũ, nguyên Giám đốc Agribank Tân An; Nguyễn Quốc Minh và Ngô Viết Thành, đều nguyên là cán bộ tín dụng Agribank Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Theo cáo trạng, từ năm 2011-2012, Agribank Tân An (nay là Agribank chi nhánh Bắc Đắk Lắk) đã ký 59 hợp đồng tín dụng cho 45 khách hàng vay hơn 81 tỷ đồng. Quá trình cho vay, cả ba bị cáo không thẩm định điều kiện vay vốn, tự ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm cao gấp nhiều lần số tiền vay; đến nay không còn tài sản gì để thu hồi; gây thiệt hại cho Nhà nước. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Vũ mức án 8 năm tù giam. Các bị cáo Thành và Minh cùng bị tuyên mức án 7 năm 6 tháng tù giam.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Algieria(15/7) cho biết,  Tòa án ở Thủ đô Algiers đã kết án 02 cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia và Abdelmalek Sellal với mức án 10 năm cho mỗi người, kèm theo mức phạt 500.000 DA (hơn 4.000 USD) vì liên quan đến nhiều vụ án vụ án tham nhũng. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Công nghiệp Abdeslam Bouchouareb người đã bỏ trốn, bị kết án 20 năm tù cùng với mức phạt 2.000.000 DA (khoảng 16.260 USD). Ngoài ra, cựu Bộ trưởng Công nghiệp Youcef Yousfi và cựu Tỉnh trưởng tỉnh Skikda Faouzi Belhocine bị kết án 02 năm tù giam, cựu Bộ trưởng Công chính Ammar Ghoul 03 năm tù... Trước đó, vào tháng 4/2019, ông Abdelaziz Bouteflika, Tổng thống Algieria đã buộc phải từ chức dưới áp lực của phong trào biểu tình lớn chưa từng có ở quốc gia này. Đây là phiên tòa tham nhũng lớn thứ 4 đối với các vụ án liên quan đến cựu Tổng thống Bouteflika.
 
    Báo Thanh tra (17/7) cho biết, các cuộc biểu tình nổ ra tại trung tâm thành phố Sofia và đã lan rộng ra 16 tỉnh, thành phố trên toàn lãnh thổ Bulgaria trong ngày thứ sáu liên tiếp. Người biểu tình cho rằng, Chính phủ và Tổng Công tố Bulgaria đã cố ý trì hoãn các cuộc điều tra về tham nhũng đối với các quan chức nước này cũng như các nhóm tội phạm khác và yêu cầu ông Boyko Borissov, Thủ tướng và Tổng Công tố Ivan Geshev từ chức. Theo khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Bulgaria là quốc gia có tình trạng tham nhũng cao nhất trong Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ông Borissov vẫn chưa có ý định từ chức. Trong một video phát trực tiếp trên Facebook cuối tuần qua, ông nói rằng, sẽ không từ chức vì không muốn "phá vỡ đất nước".
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
    - Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.
 
    - Cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021.
 
    - Khởi tố bị can, bắt tạm giam 02 tháng đối với Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ.
 
    - Xét xử 03 nguyên cán bộ ngân hàng Agribank Tân An, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
 
.