Điểm báo tuần số 336 từ ngày 07-10 đến ngày 12-10 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 14/10/2019, 11:30 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Nhà báo và Công luận, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Tiền Phong, Tài nguyên và Môi trường, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (07-10) đồng loạt phản ánh các nội dung của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tại hội nghị này, Trung ương thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 và một số vấn đề quan trọng khác. Phát biểu khai mạc phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập có tính chất gợi mở những nội dung quan trọng của các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Đối với dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng Báo cáo chính trị một cách bài bản, có hệ thống và tầm nhìn sâu rộng, xuyên suốt 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và định hướng xây dựng Đảng, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong 5 - 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045. Về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là báo cáo rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới. Dự thảo Báo cáo đã được xây dựng trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo 42 nhóm chuyên đề; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài; tổ chức bảy hội nghị với đại diện lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trao đổi lấy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học...Về dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đây cũng là một báo cáo chuyên đề rất quan trọng của mỗi kỳ Đại hội, liên quan việc thực hiện nhiệm vụ then chốt của Đảng. Dự thảo Báo cáo đã được Tiểu ban Điều lệ Đảng chuẩn bị công phu, nghiêm túc trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, chắt lọc báo cáo tổng kết của tất cả 68 tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy và 70 đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương; 35 báo cáo chuyên đề; kết quả nghiên cứu, khảo sát tại 16 địa phương, cơ quan, đơn vị; tám cuộc hội thảo của đại diện cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; và xin ý kiến trực tiếp của một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chuyên gia, nhà khoa học…
 
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Nhà báo và Công luận, Nông nghiệp Việt Nam, Xây Dựng, Kiểm Toán, Hà Nội mới, TTXVN (09-10) đưa tin, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1291/QÐ-TTg phê duyệt Danh mục 36 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan T.Ư được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đưa ra tiếp nhận tại trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, xã. Theo đó, 36 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đưa ra tiếp nhận tại trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, xã thuộc các lĩnh vực như: Cấp, quản lý chứng minh nhân dân, căn cước công dân; đăng ký, quản lý con dấu; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện; nghĩa vụ quân sự; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội...  Thủ tướng yêu cầu ngoài những thủ tục hành chính được phê duyệt trong Danh mục, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với bộ, cơ quan ngang bộ để đưa ra tiếp nhận tại bộ phận một cửa các cấp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính...
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Xây Dựng, Hà Nội mới, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (10-10) cho biết, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, ký ban hành Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng.Thông báo nêu rõ, tại phiên họp ngày 16-8-2019, sau khi nghe Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau: Hơn 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết nêu trên, công tác kiểm tra, giám sát có nhiều đổi mới, đạt được kết quả nổi bật, quan trọng. Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên. Hệ thống các quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Những năm gần đây, nhiều vụ việc phức tạp, nhạy cảm, nổi cộm, dư luận bức xúc được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng ngày càng cao, tạo dấu ấn và sự lan tỏa trong xã hội. Kết quả nêu trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước. Ðể tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, tổ chức đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm, quyết tâm chính trị của Ðảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp cơ sở đẩy mạnh quyết tâm hành động. Người đứng đầu cấp ủy phải xác định trách nhiệm của mình, trực tiếp, thường xuyên lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; công khai kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có vi phạm; gắn công tác kiểm tra, giám sát với thực hiện các nghị quyết của Trung ương; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hoàn thiện hệ thống các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; tập trung hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ, thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, chống chạy chức, chạy quyền, chạy khen thưởng; suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”…Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp Văn phòng Trung ương Ðảng và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận, hằng năm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Đại đoàn kết, Nhà báo và Công luận, Công lý, Đời sống và Pháp luật, Tiền Phong, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, TTXVN (11-10) đưa tin, Ủy ban Pháp luật tiến hành họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Xuất phát từ những cơ sở lý luận, thực tiễn và cơ sở chính trị, pháp lý, việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết, qua đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố, đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung. Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đối với dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám theo quy trình một kỳ họp. Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 được xây dựng nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 46 - KL/TW của Bộ Chính trị, cũng như góp phần triển khai Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội - được chuẩn bị, xây dựng công phu, tiếp thu ý kiến đóng góp rộng rãi của các nhà khoa học, nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường là một chủ trương lớn, quan trọng, nên Phó Chủ tịch QH đề nghị, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra sơ bộ, đánh giá kỹ càng về sự cần thiết ban hành, hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, cũng như các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Giáo dục Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (07-10) đồng loạt đưa tin, Ðoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh để kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Trưởng đoàn kiểm tra nhận xét, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều nội dung chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng cùng với việc triển khai thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tại thành phố đã có tác động lớn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, thành phố đã có những chuyển biến tích cực, cả về nhận thức lẫn hành động, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ngăn ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố. Ðồng chí Trương Hòa Bình lưu ý, bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình phòng, chống tham nhũng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn tiềm ẩn phức tạp do thành phố là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, dân số đông, phát sinh nhiều giao dịch về hành chính, kinh tế - xã hội, khối lượng tài sản nhà nước, đất công giao cho các đơn vị sử dụng còn rất lớn... Thông qua việc kiểm tra lần này, Trung ương sẽ tiếp tục cùng với thành phố rà soát, đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, phát huy ưu điểm, phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân. Từ đó thành phố có những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
 
    Báo Tây Ninh, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, TTXVN (08-10) cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an tỉnh Tây Ninh đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Bùi Tuấn Đạt, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Hòa Thành về hành vi “Tham ô tài sản”. Qua công tác điều tra cơ bản, Công an tỉnh Tây Ninh phát hiện từ năm 2016 đến năm 2018, Đạt đã ký khống, hợp thức hóa các hồ sơ chứng từ chi trả các hoạt động về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Hòa Thành để chiếm đoạt số tiền khoảng 100 triệu đồng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Thanh tra, Đấu thầu, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (08-10) theo thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết, Công an huyện đang điều tra làm rõ các sai phạm trong kiểm kê, đền bù bổ sung hạng mục lòng hồ chính thuộc Công trình thủy lợi Đắk Rồ. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, năm 2017, đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ kiểm kê đền bù có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, thậm chí thông đồng với một số người dân để kê khống diện tích bị thiệt hại nhằm chiếm đoạt tiền bồi thường gần 6 tỷ đồng tại Công trình thủy lợi Đắk Rồ. Công an huyện Krông Nô đang tiếp tục điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm.
 
    Báo Công an nhân dân, Công lý, Đời sống và Pháp luật, Tiền Phong, An ninh Thủ đô, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, Đài TNVN, TTXVN (09-10) cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã quyết định tạm giữ Vũ Văn Nhận, Trưởng phòng Giao dịch bảo hiểm PJICO chi nhánh huyện Quỳnh Lưu để điều tra, làm rõ hành vi nhận hối lộ. Qua điều tra ban đầu cho thấy, tháng 7-2019, thuyền viên Bùi Văn Sơ, trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu đang đánh bắt hải sản ngoài biển thì gặp nạn dẫn đến thiệt mạng. Sau đó, vợ anh Bùi Văn Sơn làm hồ sơ thủ tục đề nghị Công ty bảo hiểm PJICO thanh toán tiền bồi thường 70 triệu đồng do gia đình anh Sơn chị Cúc trước đây mua bảo hiểm của PJICO. Vũ Văn Nhận yêu cầu phải trích % để được giải quyết nhanh các thủ tục thanh toán. Ngày 4-10-2019, Công an huyện Quỳnh Lưu bắt quả tang Vũ Văn Nhận đang có hành vi nhận tiền của gia đình anh Sơn. Hiện Công an huyện Quỳnh Lưu đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc.
 
    Báo Khánh Hòa, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Giao Thông, Tuổi Trẻ, Dân trí,Đài THVN, TTXVN (10-10) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa đã bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hằng và Lê Thị Thu Uyên, nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Phòng giao dịch Agribank Ninh Diêm, thuộc Chi nhánh Agribank Ninh Hòa, để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Quá trình điều tra xác định, từ năm 2018 Lưu Thị Thanh Linh, giao dịch viên kế toán Phòng giao dịch Ninh Diêm, đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, không kiểm tra, kiểm soát của lãnh đạo Phòng giao dịch, đãmạo chữ ký, chữ viết của hàng chục khách hàng có số dư tiền gửi tiết kiệm để rút và chiếm đoạt khoảng 55 tỷ đồng. Số tiền này Linh sử dụng vào mục đích cá nhân.Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam đối với Lưu Thị Thanh Linh về tội “Tham ô tài sản”.
 
    Báo Đồng Nai, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, TTXVN (10-10) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm 07 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Đồng Nai. Trong số các bị cáo cóNguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty Xổ số Đồng Nai và Nguyễn Thị Thùy Oanh, nguyên Kế toán trưởng Công ty Xổ số Đồng Nai. Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến năm 2012, trong quá trình quản lý, điều hành Công ty Xổ số Đồng Nai, Nguyễn Văn Minh và các đối tượng liên quan đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền gần 79 tỷ đồng. Trong đó, Minh bị cáo buộc đã chiếm đoạt số tiền gần 4,2 tỷ đồng và Nguyễn Thị Thùy Oanh chiếm đoạt hơn 3,7 tỷ đồng. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong năm ngày.
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, VietnamNet (12-10) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn lệnh bắt tạm giam đối với ông Đỗ Văn Hưu, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư ELang, huyện Ea Karđể tiếp tục điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' và 'Lợi chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, vào tháng 8-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 3 cán bộ địa chính xã Cư ELang có dấu hiệu mua bán, sang nhượng và nhờ một số người dân là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đứng để nhận tiền đền bù tại dự án hồ Krông Pắk thượng, sau đó chia lại hoa hồng cho những người liên quan với số tiền trên 2,3 tỷ đồng. Vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (07-10) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc thông báo, đã khai trừ, lưu đảng kiểm tra 02 năm và bãi chức đối với Lưu Sỹ Dư, Ủy viên Trung ương khóa 19, Chủ tịch Liên đoàn Hợp tác xã mua bán Trung Quốc, cựu Chủ tịch Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc, vì lợi dụng chức vụ và ảnh hưởng mưu lợi ích riêng tư cho người khác, sắp xếp sai quy định và đề bạt những người khác làm việc trong hệ thống tài chính, móc nối để người thân mua nhà bất hợp pháp, nhận tiền biếu quà tặng...Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cân nhắc, quyết định xử lý Lưu Sỹ Dư với hình thức khai trừ lưu đảng 2 năm, giao cơ quan hữu quan bãi bỏ chức vụ, giáng cấp xuống nghiên cứu viên bậc 1, bãi bỏ tư cách đại biểu Đại hội Đảng lần thứ 19, thu hồi các khoản thu nhập phi pháp. Mức kỷ luật của Dư sẽ được Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương tới đây xác nhận...
 
    Thông tấn xã Việt Nam (11-10) cho biết, Tòa án thượng thẩm Nam Phi ở thành phố Johanesburg quyết định mở phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng có liên quan đến cựu Tổng thống Jacob Zuma. Ông Zuma, bị cáo buộc liên quan đến 16 vụ tham nhũng và rửa tiền trong các hợp đồng trị giá nhiều triệu USD mua vũ khí từ trước khi ông lên nắm quyền năm 2009. Các cáo buộc ông Zuma tham nhũng được đưa ra từ năm 2005, nhưng đã bị hủy bỏ ngay trước khi ông lên nắm quyền Tổng thống. Tuy nhiên, những cáo buộc trên đã được khôi phục lại vào năm 2016, khiến ông Zuma phải chấp nhận từ chức Tổng thống Nam Phi vào tháng 2-2018. Phiên tòa dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 15-10-2019.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
 
    - Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X)về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng.
 
    - Ðoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh. 
 
    - Tạm giữ Trưởng phòng Giao dịch bảo hiểm PJICO chi nhánh huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An để điều tra hành vi nhận hối lộ.
 
    - Xét xử 07 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Đồng Nai
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.