Điểm báo tuần số 333 từ ngày 16-9 đến ngày 21-9 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 23/09/2019, 16:15 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh tra, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Giao Thông, Giáo dục và Thời đại, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Người lao động, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (16-9) cho biết, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo công khai kết luận thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma. Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra sang Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm. Đồng thời chuyển kết luận thanh tra đến Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an để có thêm thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến việc Công ty Cổ phần VN Pharma nhập khẩu thuốc, bán thuốc H-Capita do Công ty Helix sản xuất và các loại thuốc do Công ty Health 2000 sản xuất, xử lý theo thẩm quyền. Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế để xảy ra những tồn tại, vi phạm.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, An ninh Thủ đô, Biên Phòng, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (18-9) đồng loạt đưa tin về Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANAPOL) lần thứ 39 tổ chức tại Hà Nội.. Hội nghị lần này sẽ tiếp tục giúp lực lượng Cảnh sát các nước ASEAN, các đối tác đối thoại và quan sát viên tìm thấy tiếng nói chung cũng như những giải pháp có hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm mà các nước đang quan tâm. Bên cạnh những thuận lợi, khu vực ASEAN cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề an ninh trật tự; tình hình chính trị trên thế giới có nhiều tác động không tốt đến an ninh khu vực; diễn biến của tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực nói chung và tại từng nước thành viên nói riêng vẫn rất phức tạp, chứa đựng nhiều yếu tố khó lường; tội phạm khủng bố vẫn xảy ra và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tấn công khủng bố do ảnh hưởng từ nhiều khu vực khác trên thế giới; tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia vẫn đang đe dọa trực tiếp đến an ninh trật tự, sự an toàn của người dân; tội phạm công nghệ cao xảy ra ngày càng nhiều trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đang làm cho môi trường mạng trở nên kém an toàn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra nhiều thách thức to lớn về vấn đề an ninh, an toàn. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các Tư lệnh, các Trưởng đoàn và toàn thể Hội nghị cần nỗ lực bàn bạc, thảo luận, đề xuất các giải pháp khả thi nhất để lực lượng Cảnh sát các nước thành viên ASEANAPOL và các đối tác có sự hợp tác chặt chẽ và toàn diện hơn nữa trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, trên tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau nhằm gìn giữ khu vực ngày một an toàn hơn. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát các nước thành viên ASEANAPOL và các đối tác cần đạt được tiếng nói chung và có sự ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế khác nhằm thể hiện được sự đoàn kết, thống nhất theo đúng tinh thần chung của hợp tác ASEAN.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Xây dựng, Giao Thông,  Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-9) đồng loạt đưa tin về Ðại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, với chủ đề: Ðoàn kết - Dân chủ - Ðổi mới - Phát triển. Nhiệm kỳ qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã liên tục đổi mới nội dung làm việc và phương thức hoạt động, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ VIII. Hoạt động của Mặt trận hướng mạnh về cơ sở, gắn liền với nhân dân; cùng với việc hoàn thiện cơ chế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động... đã tạo nền tảng nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động. Trong đó, công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Ðảng ngày càng vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được quan tâm và bước đầu đạt những kết quả rõ nét; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí... được tăng cường.  Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động phối hợp chính quyền giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, từng bước đáp ứng lợi ích chính đáng của nhân dân; đồng thời tham gia góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm nhân dân thật sự làm chủ, được bày tỏ nguyện vọng. Những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong nhiệm kỳ mới, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Xây dựng, Giao Thông,  Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21-9) đồng loạt đăng tải kết quả Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau 11 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 13 dự án Luật cùng nhiều nội dung quan trọng để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV sắp tới, đồng thời xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền: Cho ý kiến về báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp; cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; về phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018; về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; về việc ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên hiệp châu Âu; đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019; báo cáo công tác năm 2019 và kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ tám của Quốc hội và một số nội dung quan trọng khác.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Đắk Lắk, Khoa học và Đời sống, Hà Nội mới, Người lao động, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21-9) cho biết, trong tuần qua, Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư công bố kết quả kiểm tra tại Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với việc thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm Trưởng Đoàn công tác đã ghi nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo và những kết quả mà Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk  đã đạt được qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các quy định của Trung ương về nêu gương. Đồng chí lưu ý Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian tới cần có Kế hoạch cụ thể khắc phục những hạn chế và thực hiện có hiệu quả các nội dung Đoàn kiểm tra kiến nghị có nhiều biện pháp linh hoạt, kịp thời cùng hệ thống chính trị giải quyết những vụ, việc bức xúc, góp phần tăng sức “đề kháng” cho đoàn viên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội; tập trung chỉ đạo hoàn thành xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, không để phát sinh những vấn đề phức tạp, tiêu cực, tham nhũng; tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội… Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng đề nghị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những đề xuất, kiến nghị Đoàn Kiểm tra đã nêu trong báo cáo, lựa chọn những vấn đề cấp thiết, xây dựng kế hoạch gắn với lộ trình thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình và thực tiễn của địa phương; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với các Quy định 101, 55, 08 của Trung ương. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; giải quyết kịp thời những vấn đề tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, trước hết là giữa đồng bào dân tộc tại chỗ với các công ty lâm nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm nhằm đánh giá lại những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo cũng như chất lượng tổ chức thực hiện.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Đời sống và Pháp luật, Giáo dục và Thời đại, Tiền Phong, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Dân trí, VietnamNet, TTXVN (16-9) theo nguồn tin từ Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, mở rộng điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam đối với Khương Ngọc Chất, nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Sau khi có quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 13-9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam; ngày 14-9, tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Khương Ngọc Chất. Hiện, vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra để xử lý nghiêm trước pháp luật.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Dân trí, VnExpress, Đài TNVN, TTXVN (18-9) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Có 06 bị cáo bị xét xử, gồm: Lê Bạch Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội; Nguyễn Huy Ba, cựu Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH); Nguyễn Phước Tường, cựu Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư, kiêm Kế toán trưởng BHXH Việt Nam; Hoàng Hà và Trần Tiến Vỹ, đều là cựu Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, BHXH Việt Nam và Trần Thị Thanh Thủy, cựu chuyên viên, sau là Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, BHXH Việt Nam. Theo cáo trạng từ Viện kiểm sát, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cho vay vượt hạn mức bảo lãnh tại Công ty ALC II do Vũ Quốc Hảo làm Tổng giám đốc, tổng dư nợ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Ông Lê Bạch Hồng là người có bút phê "đồng ý" cho ALC II vay. Sau đó đến năm 2018 thì ALC II phá sản, không có khả năng chi trả, gây thiệt hại cho Nhà nước 1.697 tỷ đồng (gồm cả tiền gốc và lãi). 
 
    Báo Bảo vệ pháp luật (18-9) dẫn nguồn tin từ Viện Kiểm sát nhân dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã ra quyết định truy tố đối với Phan Thị Thanh Vân, nguyên Dược sĩ Trạm y tế xã An Cư, huyện Tuy An về tội “Tham ô tài sản”. Từ tháng 1-2018 đến tháng 6-2018, Vân đã nhiều lần chiếm đoạt thuốc bảo hiểm y tế của Trạm với tổng giá trị là 229 triệu đồng, đem bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Sau khi Khoa Dược Trung tâm y tế huyện Tuy An kiểm tra, phát hiện sự việc, Vân đã tự nguyện khắc phục số tiền tương ứng với giá trị thuốc đã chiếm đoạt, nhưng Vân vẫn phải đối mặt với khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù.
 
    Báo Người lao động, VnExpress (18-9) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt Lê Thị Thúy Vinh, nguyên cán bộ Trung tâm y tế quận Thủ Đức, mức án 7 năm tù do tham ô gần 900 triệu đồng. Theo cáo trạng, từ tháng 6 đến tháng 10-2017, Vinh thu tiền tiêm ngừa dịch vụ tại Trạm y tế Linh Xuân, thuộc Trung tâm y tế quận Thủ Đức được 925 triệu đồng, nhưng chỉ nộp cho cơ quan hơn 35 triệu, còn lại gửi cho "chồng sắp cưới" là Lewis Douglas ở nước ngoài, tự xưng là nhân viên an ninh Liên hiệp quốc tại Malaysia. Sau nhiều lần nhắn tin qua lại, Vinh được ông ta ngỏ lời yêu, hứa sẽ về Việt Nam định cư và tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, người này lấy lý do gặp khó khăn trong việc làm thủ tục xuất cảnh, nhiều lần đề nghị Vinh chuyển tiền lo chi phí sau đó chiếm đoạt. Phát hiện mình bị lừa, Vinh đã làm đơn tố cáo với Công an TP. Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan chức năng đang điều tra việc bà ta bị lừa trong một vụ án khác.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Đầu tư, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, TTXVN (20-9) cho biết, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và đoàn công tác đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) về kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN năm 2019 đối với Ban Cán sự đảng Ủy ban. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban đều là các doanh nghiệp trọng yếu của nền kinh tế, hoạt động trong các lĩnh vực như điện, xăng dầu, hàng không, lương thực... Phó Thủ tướng cho rằng, Ủy ban cần chủ động, tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực hiện hiệu quả quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; thường xuyên thực hiện các biện pháp PCTN trong phạm vi quản lý. Bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn nhà nước. Thông qua việc kiểm tra lần này, Phó Thủ tướng mong muốn sẽ cùng với Ủy ban rà soát, đánh giá việc thực hiện, đánh giá tình hình, kết quả công tác PCTN của Ủy ban, phát huy ưu điểm, phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân. Từ đó có biện pháp chủ động chấn chỉnh, khắc phục hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo, Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN tại Ủy ban nói riêng và cả nước nói chung…
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đồng Nai, Pháp luật Việt Nam, Đấu thầu, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (20-9) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Tiến, nguyên Chủ tịch, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, Đồng Nai về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Tiến Lãm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân Quảng Tiến. Từ năm 2011 đến năm 2017, Lãm đã trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên cấp dưới viết giấy đề nghị tạm ứng tiền để Lãm rút tiền ra khỏi Quỹ tín dụng nhân dân Quảng Tiến. Sau khi rút tiền ra khỏi quỹ, Lãm trực tiếp nhận tiền mặt hoặc chỉ đạo nhân viên đưa tiền mặt cho Lãm hoặc chuyển vào tài khoản của Lãm để sử dụng vào mục đích cá nhân, không đúng quy định dẫn đến không có khả năng trả lại cho quỹ số tiền hơn 70 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân (21-9) cho biết, Tòa án nhân dân huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Cao Văn Sáng, nguyên kế toán UBND xã Phong Hòa, huyện Lai Vung về tội “tham ô tài sản”. Theo cáo trạng, lợi dụng vị trí kế toán của UBND xã, Sáng đã lợi dụng chiếm đoạt số tiền chi cho hoạt động của các ngành trong xã, chi cho ban thẩm định, ban giám sát các công trình ở ấp để chiếm đoạt từ ngân sách UBND xã Phong Hòa hơn 10 triệu đồng. Tại tòa, bị cáo Cao Văn Sáng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hội đồng Xét xử tuyên phạt bị cáo 5 tháng 29 ngày tù giam về tội “tham ô tài sản”.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Bảo vệ pháp luật, Nhà báo và Công luận, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, TTXVN (21-9) theo nguồn tin từ Công an tỉnh Cà Mau cho biết, vừa khởi tố vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Theo kết luận thanh tra do Thanh Tra tỉnh Cà Mau chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Cà Mau cho thấy Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã có những sai phạm như: Lập quỹ trái phép hơn 436 triệu đồng, thanh toán tiền nhiên liệu khống từ nguồn kinh phí bảo vệ rừng hơn 4,8 tỷ đồng , từ nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính gần 242 triệu đồng; thất thu hơn 407 triệu đồng/năm cho một năm nuôi sò mà các đối tác đã ký hợp đồng với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trong hai năm 2016 - 2017… Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Cà Mau đang tiếp tục điều tra làm rõ.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Thông tấn xã Việt Nam (19-9) đưa tin, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo đã nhận được đơn từ chức của ông Imam Nahrawi, Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên, sau khi Cơ quan chống tham nhũng (KPK) tuyên bố ông này là nghi phạm của một vụ án tham nhũng liên quan tới Bộ Thể thao và Thanh niên và Ủy ban Thể thao quốc gia Indonesia (KONI). Theo KPK, ông Nahrawi bị cáo buộc nhận 26,5 tỷ Rupiah (khoảng 1,88 triệu USD) tiền hối lộ để thông qua đề xuất trợ cấp cho KONI trong ngân sách năm 2018. Phát biểu trước báo giới, ông Nahrawi khẳng định mình vô tội và cam kết phối hợp với KPK trong cuộc điều tra này.
 
    Báo Thanh tra (21-9) dẫn nguồn tin của hãng AFP cho biết, ông Oly llunga, cựu Bộ trưởng Y tế của Congo bị buộc tội rút ruột 4,3 triệu USD công quỹ dành để giải quyết đại dịch Ebola. Ông Oly Ilunga bị bắt để thẩm vấn hôm 14-9, trong bối cảnh có nhiều nghi ngờ ông đang lên kế hoạch trốn khỏi đất nước qua nước láng giềng nhằm tránh các thủ tục tố tụng. Trước đó, cựu Bộ trưởng bị cấm rời khỏi Cộng hòa Congo sau lần thẩm vấn đầu tiên vào cuối tháng 8-2019. Luật sư của ông Ilunga đã bác bỏ những cáo buộc tham ô đối với ông Oly llunga   .
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Bế mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
    - Ðại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024.
 
    - Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và các quy định của Trung ương về nêu gương đối với Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. 
 
    - Xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng 5 đồng phạm.
 
    -  Khởi tố vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.