Điểm báo tuần số 319 từ ngày10-6 đến ngày 15-6 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 17/06/2019, 14:24 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Đời sống và Pháp luật, Xây dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11-6) đưa tin, Ban Dân vận Trung ương cùng Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, trọng tâm là công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019. Báo cáo tại hội nghị khẳng định trong 6 tháng đầu năm kết quả thực hiện "Năm dân vận chính quyền" trong ngành thanh tra đạt được nhiều kết quả tích cực: Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo, giải quyết kịp thời phản ánh của người dân, đã làm giảm đơn thư khiếu kiện và người dân đến trụ sở tiếp dân. Số vụ việc phức tạp cũng giảm so với trước. Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trong thời gian tới Ban cán sự đảng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh tồn tại, nâng cao hiệu quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích công dân khởi kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính ra Tòa án nhân dân; yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp phải nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo xảy ra trên địa bàn, giải quyết kịp thời đúng pháp luật các vụ việc thuộc thẩm quyền... Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương yêu cầu chính quyền các cấp cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa đối với công tác này; trước mắt, Thanh tra Chính phủ và Ban Dân vận Trung ương sẽ rà soát đánh giá 221 vụ việc còn tồn tại để từ đó giám sát xem nơi nào làm tốt, nơi nào thực hiện chưa tốt để sớm có biện pháp xử lý...
 
    Báo Nhân Dân, An Giang, Tiền Phong, Đấu thầu, Giao thông, Tuổi Trẻ, VnExpress, Đài TNVN, TTXVN (11-6) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang công bố quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Đặng Đức, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Từ năm 2013 đến năm 2017, ông Đức bị cho là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm; buông lỏng vai trò lãnh đạo quản lý; để xảy ra việc bổ nhiệm, biệt phái, hợp đồng nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... trái quy định. Ông Đức kê khai, công khai tài sản, thu nhập không đúng quy định; giải trình về tài sản không trung thực. Với vai trò là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Đức không tham mưu UBND tỉnh An Giang bổ sung quy định thời gian hoạt động khai thác cát đối với giấy phép đã cấp cho một doanh nghiệp tư nhân. Những sai phạm của ông Đức bị cho là gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của cá nhân, tổ chức Đảng, ngành Tài nguyên và Môi trường; làm phát sinh đơn tố cáo gửi nhiều ngành, nhiều cấp và dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật Đảng. Việc xử lý sai phạm về mặt chính quyền đối với ông Đức đang được xem xét.
 
    Báo Nhân Dân, Công lý, Phụ nữ Việt Nam, Giáo dục và Thời đại, Dân sinh, Đài THVN (12-6) phản ánh các nội dung Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xử lý các vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử của các Tòa gia đình và người chưa thành niên nhằm chia sẻ những điển hình tốt của quốc tế và những sáng kiến tiềm năng về trẻ em và thanh, thiếu niên có liên quan hệ thống tư pháp tại Việt Nam do Tòa án nhân dân tối cao, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh châu Âu (EU) phối hợp tổ chức. UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường sự tiếp cận của người chưa thành niên với hệ thống tư pháp, phù hợp với những cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt chú ý đến nhu cầu đặc trưng của trẻ em trai và trẻ em gái; các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương. UNICEF cam kết hợp tác chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao để hỗ trợ Tòa án thực hiện vai trò hết sức quan trọng của mình trong việc xóa bỏ xâm hại tình dục đối với trẻ em, bao gồm việc xây dựng Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán về việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Phát biểu tại Hội thảo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, gia đình là tế bào của xã hội, trẻ em là tương lai của đất nước. Bởi vậy, việc bảo vệ và phát triển gia đình, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm, đặc biệt là sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990. Ông đánh giá cao vai trò của UNICEF trong hỗ trợ chia sẻ những bài học kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế trong việc giải quyết các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là việc xét xử kín, nghiêm cấm việc đối chất trực tiếp giữa bị cáo và người chưa thành niên, dùng các biện pháp thay thế khác để giúp người chưa thành niên cung cấp chứng cứ đảm bảo rằng lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên…
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại đoàn kết, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền Phong, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15-6) cho biết, Ðoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Ðoàn kiểm tra sẽ cùng Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tập trung trao đổi, đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện Nghị quyết số 26 gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết số 18 trên địa bàn. Ðoàn kiểm tra sẽ làm việc, khảo sát cụ thể tại cơ sở để có những đánh giá đầy đủ, toàn diện. Kết quả làm việc, kiểm tra sẽ được tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiền Phong, Giao thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài THVN, TTXVN (15-6) đồng loạt phản ánh các nội dung tuần làm việc cuối và buổi bế mạc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của kỳ họp thứ bảy với nhiều nội dung trên tất cả các lĩnh vực: Lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đã cân nhắc đến từng phương án và được thông qua với sự đồng thuận cao. Ðây là những cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Các dự án luật được cho ý kiến tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước... Quốc hội dành phần lớn thời gian để xem xét, thông qua bảy luật, cho ý kiến về chín dự án luật; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với bốn nhóm vấn đề liên quan các lĩnh vực quan trọng; và nhiều nội dung khác. Quốc hội đã thông qua: Luật thi hành án hình sự (sửa đổi); Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về việc thành lập Ðoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em". Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. 
 
Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV
Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Người lao động, Dân trí, VietnamNet (11-6) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã khởi tố Đỗ Văn Quang, nguyên Trưởng ban Kinh tế Kế hoạch của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (PVC-IC) về tội vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại dự án ethanol Phú Thọ trong thời gian là Trưởng ban Kinh tế Kế hoạch của PVC. Cùng bị khởi tố với ông Quang còn có hai bị can khác là ông Phạm Xuân Diệu, nguyên Chủ tịch PVC, hiện là Phó Ban nhiệt điện Sông Hậu và ông Nguyễn Ngọc Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC.
 
    Báo Nhân Dân, Người lao động, VietnamNet, Đài TNVN (13-6) đưa tin về phiên tòa xét xử phúc thẩm Phan Văn Anh Vũ cùng 4 cựu cán bộ Công an trong vụ án thâu tóm nhiều công sản, đất đắc địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội không chấp nhận kháng cáo về hình phạt của bị cáo Phan Văn Anh Vũ, giữ nguyên mức hình phạt sơ thẩm 15 năm tù; giữ nguyên hình phạt sơ thẩm đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành 2 năm 06 tháng tù và Trần Việt Tân 03 năm tù. Tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo về hình phạt đối với hai bị cáo Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an và Nguyễn Hữu Bách, cựu Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an; từ đó tuyên bị cáo Tuấn 4 năm tù (giảm 1 năm tù so với sơ thẩm), bị cáo Bách 3 năm 6 tháng tù (giảm 1 năm 6 tháng tù so với án sơ thẩm).
 
    Báo Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Đời sống và Pháp luật, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, VietnamNet, Đài TNVN (13-6) theo nguồn tin từ Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đã lập biên bản về hành vi vòi tiền của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng khi thanh tra tại huyện Vĩnh Tường. Cuộc thanh tra nằm trong kế hoạch năm 2019 của Thanh tra Bộ Xây dựng, riêng thời gian thanh tra tại huyện Vĩnh Tường kéo dài gần 1 tháng. Vụ việc đang được Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục làm rõ.
 
    Báo Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN (13-6) đưa tin, sau 03 ngày xét xử, vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, 13 năm tù; Trần Đức Chính, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Vinashin, 17 năm tù; Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin, 7 năm tù và Phạm Thanh Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinashin, 6 năm tù. Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng khi nhận số tiền đặc biệt lớn là 105 tỷ đồng chi lãi và không báo cáo, không hạch toán, để ngoài sổ sách, chiếm hưởng cá nhân, chi tiêu không đúng quy định. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên các bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm hưởng cá nhân. 
 
    Báo Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Công lý, Giao thông, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Dân trí, VietnamNet, TTXVN (13-6) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển Nhà Hà Nội. Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến năm 2014, Lương Văn Hữu, cựu Giám đốc cùng Nguyễn Toàn Thắng, cựu Phó Giám đốc và Quách Hữu Cảnh, cựu Phó phòng Quản lý vận hành đã lợi dụng quyền hạn được giao, tự ý cho 22 công ty, đơn vị sử dụng 22 điểm kinh doanh dịch vụ trái quy định, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 21 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Đức Sơn với vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý tài sản công gây thất thoát số tiền trên. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Sơn, 36 tháng tù treo; Lương Văn Hữu, 10 năm 6 tháng tù; Nguyễn Toàn Thắng, 05 năm 6 tháng tù và Quách Hữu Cảnh, 30 tháng tù. Tòa buộc bị cáo chịu trách nhiệm bồi thường số tiền gây thất thoát là hơn 21 tỷ đồng. 
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Đời sống và Pháp luật, Tiền Phong, Giao thông, Hà Nội mới, An ninh Thủ đô,Tuổi Trẻ, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN (14-6) dẫn nguồn tin từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Lê Quang Thung, nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng bị truy tố với bị can Lê Quang Thung trong vụ án này còn có bốn bị can khác. Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2007-2008, Thung cùng các đồng phạm đã thực hiện việc góp vốn sai quy định gây thiệt hại cho Nhà nước 43,2 tỷ đồng.
 
    Báo Đại đoàn kết, Đời sống và Pháp luật, Giao thông, Đấu thầu, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN (15-6) cho biết, sau hai ngày xét xử vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Tây Đô (Vietcombank Tây Đô), Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ  đã tuyên phạt Nguyễn Minh Chuyển, nguyên Giám đốc Vietcombank Tây Đô, 20 năm tù; Trần Anh Huy, nguyên Trưởng Phòng khách hàng, 18 năm tù; Nguyễn Hữu Nghĩa, cán bộ Vietcombank Tây Đô 1 năm tù. Theo cáo trạng, từ năm 2010-2014, nhóm bị cáo Vietcombank Tây Đô đã có hành vi vi phạm trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra giám sát vốn vay đối với 56 hợp đồng tín dụng cho 41 doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Vietcombank hơn 1.800 tỷ đồng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Đời sống và Pháp luật (10-6) dẫn nguồn tin từ Hãng  tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, Ủy ban Kỷ luật Trung ương của chính phủ Hàn Quốc đã quyết định cách chức ông Kim Do-hyun, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam vì vi phạm luật chống tham nhũng Kim Young-ran và các vi phạm khác. Ông Kim Do-hyun cùng gia đình được cho là đã nhận tiền tài trợ chi phi khách sạn và vé máy bay khi tới dự lễ khai trương một sân golf ở Việt Nam. 
 
    Thông tấn xã Việt Nam (13-6) cho biết, ông Abdelmalek Sellal và Ahmed Ouyahia, cựu Thủ tướng Algeria, (người đã từng 4 lần đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Algerie từ năm 1995) đã bị bắt giam vì liên quan tới một số vụ án tham nhũng, trong đó có cáo buộc trao đặc quyền bất hợp pháp. Các nhân vật cấp cao khác gồm cựu Thủ tướng Abdelmalek Sellal và 8 cựu Bộ trưởng khác cũng đã bị triệu tập và điều tra về tham nhũng. Ngày 13-6-2019, ông Abdelghani Zaalane, cựu Bộ trưởng Giao thông cũng đã phải hầu tòa. Đây là những chính trị gia cấp cao mới nhất của Algeria bị điều tra tham nhũng.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Bế mạc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV.
 
    - Ban Dân vận Trung ương cùng Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả sáu tháng đầu năm thực hiện “Năm dân vận chính quyền”. 
 
    - Xét xử phúc thẩm Phan Văn Anh Vũ cùng 4 cựu cán bộ Công an 
 
    - Truy tố nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
 
    - Khởi tố Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí. 
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.